- Trong những ngày qua, tại Nam Bộ và khu vực TP.HCM mưa xuất hiện nhiều, gây ngập lụt tại một số nơi. Sắp tới, tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến xấu, do ảnh hưởng của cơn bão số 7 trên biển Đông.

TIN BÀI KHÁC

Thời tiết tiếp tục xấu…

Lí giải về thời tiết âm u, mưa nhiều trong những ngày qua tại Nam Bộ và khu vực TP.HCM, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan – Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết: “Tháng 9 và 10 dương lịch là thời gian cao điểm xuất hiện mưa tại Nam Bộ, do nhiều hệ thống thời tiết kết hợp với nhau.

Ví dụ như dải hội tụ nhiệt đới đi ngang qua Nam Trung Bộ. Đây là dải mây mưa tạo điều kiện cho gió hội tụ nên mây xuất hiện dày đặc gây mưa. Trong khi đó, dải mây mưa này thường là vài trăm km và do TP.HCM ở ngay rìa phía Nam của dãy hội tụ nên khu vực này sẽ bị ảnh hưởng”.

Mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường đã khiến nhiều con đường tại TP.HCM biến thành “sông”

Ngoài ra, thời điểm này gió Tây Nam hoạt động khá mạnh và khi có áp thấp nhiệt đới hay bão xuất hiện thì nó trở lên mạnh hơn. Với đặc điểm như vậy nên thời tiết tại phía Nam, khu vực nam Trung bộ, nam Tây Nguyên xấu đi, gây mưa lớn trên diện rộng là không tránh khỏi. Đặc biệt, sự xuất hiện của cơn bão số 7 trên biển Đông làm cho thời tiết càng xấu hơn trong vài ngày tới, nhất là khi bão vào gần đất liền.

Diễn biến phức tạp…

Sắp tới, các tỉnh miền Đông như: Đồng Nai, Bình Phước…hay ven biển đồng bằng sông Cửu Long như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau…tiếp tục có mưa lớn, gió giật mạnh do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 7 trên biển Đông.

Triều cường cũng diễn biến khá phức tạp; trong những ngày qua, nhiều nơi tại TP.HCM đã bị ngập nước, có nơi ngập trên một mét nước. Theo bà Lan, từ tháng 9 dương lịch trở đi triều cường bắt đầu mỗi ngày mỗi tăng cao. Do chu kì hoạt động của triều thiên văn, đỉnh điểm triều cường thường là tháng 11, tháng 12 dương lịch, thậm chí có năm kéo dài tới tháng giêng năm sau.

Người dân chờ nước rút…

Tại thời điểm tháng 9, có hai đợt triều cường ở mức cao, cộng thêm mưa nhiều gây lũ tại hệ thống sông Đồng Nai, bắt buộc các hồ thủy điện như Trị An, Thác Mơ... phải thông báo xả lũ về hạ lưu. Như vậy vừa mưa tại chỗ, triều cường đổ vào lại thêm lượng nước trên các vùng hạ lưu các sông, hồ thủy điện đổ về nên gây ngập tại nhiều nơi, đặc biệt là khu vực TP.HCM.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ, riêng tại TP.HCM 50% những lần xuất hiện triều cường lại trùng với ngày mưa. Tuy vào mùa khô, mưa ít nhưng ngập nước vẫn cao là do triều cường.

Thời điểm hiện tại chưa phải là đỉnh điểm triều cường; triều cường sẽ đạt cực đại ở tháng 11 và 12 trong năm. Tới đây, hoàn lưu cơn bão số 7 sẽ vào gần hơn, mây kéo tới nhiều hơn, thời tiết tiếp tục xấu đi và mưa sẽ xuất hiện. Kết hợp với triều cường đang diễn ra, TP.HCM có khả năng ngập sâu hơn nữa.

Lời khuyên cho người đi đường

Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, những ngày tiếp theo, tại Nam Bộ và khu vực TP.HCM nắng sẽ xuất hiện nhưng cường độ nhiệt không mạnh và gián đoạn. Chiều tối bắt đầu có mưa, mưa sẽ kéo và xuất hiện mưa đêm. Với kiểu thời tiết này, các hiện tượng thời tiết khác kèm theo như gió giật, lốc xoáy, sương mù sẽ xảy tại nhiều nơi.

Theo bà Lan, mặc dù triều cường được dự báo sẽ lui dần trong thời gian sắp tới nhưng vẫn ở mức báo động 2. Tình trạng ngập vẫn còn xảy ra ở một số địa điểm, đặc biệt là những khu vực có địa hình thấp như đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), Bàu Cát (Tân Bình), Hòa Bình (Quận 11)...Ngoài ra, do thời gian triều cường lại trùng với mưa nên viêc ùn tắc giao thông là không tránh khỏi.

Người dân cần lưu ý đề phòng tai nạn xảy ra khi tham gia giao thông trong tình trạng ngập nước. Chú ý các khu vực có cống, rãnh hay nhưng đoạn đường có nguy cơ sạt lở. Phụ huynh cần phải để mắt nhiều hơn đến con em trong những ngày này.

Sắp tới đây, hoàn lưu của cơn bão số 7 sẽ mạnh hơn. Xuất hiện những cơn gió giật, mưa nhiều sẽ gây gãy đổ cây, cành cây, đứt dây điện…rất nguy hiểm cho người đi đường. Vì thế mọi người phải chú ý và tốt nhất nên ở nhà nếu không cần thiết ra đường ở thời điểm mưa gió.

Trương Khởi