Buổi sáng sớm ngày thứ 4, sau khi nhận hàng và chia đều hơn 300 quả thị sáp ra các túi nhỏ theo đơn khách đặt, chị Hoàng Thị Diệu Liên, bán trái cây online ở Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), khoe: “Chuyến thị hôm nay về nhiều gấp rưỡi chuyến về hôm thứ Hai, nhưng số hàng này vẫn không đủ để trả đơn khách đặt”.
Chị chia sẻ, ở Hà Nội khoảng chục năm trở lại đây những cây thị to dần vắng bóng. Song, vào thời điểm chớm thu thì thị chín vẫn xuất hiện nhiều ở ngõ chợ, hay những xe hàng rong trên phố. Dân buôn đa phần bán thị theo quả, cũng có người bán theo cân.
Thời điểm này, dù đang giữa hè với cái nắng như đổ lửa, nhưng quả thị sáp đã chín điểm. Thế nên, khoảng nửa tháng nay chị Liên bắt đầu gom thị sáp từ các mối về bán theo đơn đã đặt hàng của khách. Thường thì cứ 2-3 ngày chị trả đơn một lần tuỳ vào số lượng thị gom được nhiều hay ít.
Thị sáp đầu mùa ở Hà Nội có giá khá đắt đỏ (ảnh: TDA) |
Song, chị cũng phải thừa nhận rằng, vì là thị đầu mùa, hàng khá hiếm nên giá cũng đắt đỏ. Theo đó, nếu vào chính vụ thị sáp như năm ngoái, giá chỉ dao động trong khoảng 5.000-7.000 đồng/quả tuỳ loại, còn bây giờ giá tới 15.000 đồng/quả vẫn “cháy hàng”.
Loại quả này chỉ để ngửi cho thơm chứ ít người ăn nên khách chỉ đặt mua 5-10 quả. Tính từ thứ 2 đến giờ chị đã bán hết 500 quả thị sáp, chị tiết lộ. Song, theo chị Liên, số lượng khách đặt mua từ sáng đến giờ còn khủng hơn. Chỉ chưa đầy một ngày mà lượng thị sáp khách đặt đã lên tới gần 600 quả.
“Mọi người đặt mua nhiều vì muốn có thị thơm thắp hương vào ngày mùng 1/6 âm lịch. Do đó, khách ồ ạt đặt. Tôi sợ không gom đủ thị nên đã chốt không nhận thêm đơn của khách nữa”, chị nói.
Chị Đào Thị Bích, đầu mối bán nông sản online ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng thừa nhận, dù giá thị đầu mùa khá đắt đỏ nhưng chị vẫn khách vẫn ồ ạt đặt mua. Một tuần, chị gom từ khắp các mối có thị ở Hà Nội, Nam Định,... vẫn không đủ hàng bán.
Như tuần trước, chị gom cả bán hết hơn 1.000 quả. Tuần này có ngày mùng 1/6 âm lịch, dự kiến lượng thị bán ra khoảng 1.500 quả.
Một quả thị đầu mùa có giá từ 13.000-15.000 đồng (ảnh: BH) |
Dân buôn cho biết, dù giá đắt đỏ nhưng thị sáp vẫn "cháy hàng" (ảnh: BH) |
“Khách phải đặt ít nhất 5 quả tôi mới nhận đơn để tiện công ship. Song, đa phần khách đặt 10-15 quả”. Chị nói và cho biết, tầm này đầu mùa, thị chín vàng khá hiếm, nên hàng thường về loại chín bánh tẻ - kiểu hanh hanh nửa vàng nửa xanh, khách mua về để 1-2 ngày sau sẽ chín vàng ươm, thơm ngào ngạt và cũng để được lâu hơn.
Bày một giỏ thị trong phòng khách, sau đó lấy len đan 2 chiếc giỏ đựng thị treo trong phòng ngủ để lan toả mùi thơm khắp nhà, chị Vũ Kim Lê ở Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Hai chục thị sáp hết tròn 300.000 đồng. Giá tương đối đắt đỏ nhưng đầu mùa được ngửi mùi thị thơm cảm giác rất dễ chịu”.
Chị Lê nhớ lại ngày còn bé, vào mùa thị chín chỉ vài ngàn đồng một chục thị. Mẹ đi chợ mua về rồi đan giỏ len, mỗi giỏ đựng 1-2 quả thị chín vàng cho bọn chị xách đi chơi. Thi thoảng đưa lên mũi hít hà hương thơm. Buổi tối giỏ thị được treo ở đầu giường. Một giỏ thị như vậy chơi từ lúc quả còn ương rồi héo chín, cho đến khi vỏ xuất hiện những vết đồi mồi (quả thị chín và có hương thơm sâu nhất) cũng được cả tuần.
“Giờ mua thị chơi là để nhớ về ký ức ngày còn nhỏ, cũng là để thưởng thức hương thơm tự nhiên từ cây cỏ thay cho mấy mùi hương công nghiệp. Thế nên, vào mỗi mùa thị chín, tôi cứ mua hết mẻ thị này tới mẻ thị khác”, chị nói.
Châu Giang
Loại quả cô tiên cổ tích bỗng xuất hiện sang chảnh trong các gia đình Hà thành
Xuất hiện trong chuyện cổ tích Tấm Cám, là thức quả quen thuộc ở làng quê Việt mỗi độ thu sang, nay quả thị bỗng trở thành loại quả sang chảnh, có giá bán vô cùng đắt đỏ ở Hà thành.