Sân khấu Lệ Ngọc vừa ra mắt vở diễn Lá đơn thứ 72 - vở diễn lấy hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trung tâm nhân dịp tháng 5 -  tháng sinh nhật của Người.  

Lấy tư liệu có thật về một vụ án được Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên là Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao thụ lý. Ông cũng là người đã từng làm rõ nhiều vụ án oan sai tưởng như không thể lật ngược được bởi những chứng cứ đều chỉ về phạm nhân mà tiêu biểu là vụ án của ông Đỗ Văn Chồi, một đảng viên, nguyên là cán bộ địa phương bị lĩnh án vì tội giết người. Thân trong ngục tù, bị đối xử như một kẻ giết người, liên tục trong suốt 8 năm trời ông không ngừng làm đơn kêu oan gửi tới Bác Hồ… và cuối cùng, lá đơn thứ 72 cũng đã tới được tay Người để rồi nhờ vào chỉ thị của Bác, ông Đỗ Văn Chồi đã được minh oan. 

Từ câu chuyện có thật này, tác giả Hoàng Thanh Du đã viết kịch bản Lá đơn thứ 72, NSND Lê Tiến Thọ làm đạo diễn, thiết kế sân khấu do NSND Vương Duy Biên, đồ họa Xuân Lê… dàn diễn viên của Sân khấu Lệ Ngọc: Nghệ sĩ Văn Hải vai Bác Hồ, NSND Lệ Ngọc vợ Đỗ Minh, Anh Tuấn vai Đỗ Minh, NSƯT Hoàng Tùng vai Vũ Kỳ, Hán Huy Bách vai Viện trưởng, Lê Chí Kiên vai giám thị trại giam, Lâm Cương vai Tùng, cán bộ điều tra, Công Phùng vai Dư, cán bộ điều tra…  

Nguyên mẫu Đỗ Văn Chồi được tác giả đổi tên nhân vật là Đỗ Minh, có số hiệu phạm nhân là 003. Phạm nhân đặc biệt này đã liên tục “làm phiền” các cấp lãnh đạo trại giam cũng như Viện kiểm sát vì không ngừng tự kêu oan qua các bức thư trong suốt 8 năm bị giam cầm. 

Những việc làm bình dị này cũng là một trong những lý do khiến Hồ Chủ Tịch tin tưởng, rất có khả năng người tù này bị oan sai, kiên quyết yêu cầu điều tra lại vụ án. Có chi tiết rất đặc biệt được khai thác đó là việc mặc dù bị khai trừ khỏi Đảng khi vào tù nhưng Đỗ Minh vẫn chấp hành rất tốt các quy định của trại giam, năm nào cũng thiết tha dành số tiền ít ỏi mà bản thân có được để đóng Đảng phí, dù lãnh đạo trại giam không tiếp nhận. Chính chi tiết này Bác Hồ đã khẳng định một Đảng viên còn niềm tin mãnh liệt vào Đảng như thế, rất có thể anh ta bị oan thật nên đã yêu cầu điều tra lại. 

Từng vào vai rất thành công nhân vật Bác Hồ ở các tác phẩm tuồng hiện đại, NSND Lê Tiến Thọ cũng yêu cầu rất cao đối với vai diễn chủ chốt của tác phẩm. Không chỉ là hình dáng bên ngoài mà ông còn yêu cầu lột tả được cốt cách, thần thái, cách nhả chữ… để khi xuất hiện, tất cả công chúng đều phải nhận ra, đó chính là Bác Hồ kính yêu và hết sức gần gũi đối với họ. 

 

Tình Lê