- Sáng nay (30/6), hai dự án: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cầu cạn gói thầu số 3 (Thanh Xuân - Bắc Linh Đàm) đường vành đai 3 đã chính thức được Bộ GTVT phát lệnh thông xe. Hai dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần kết nối trục giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội.

Dự án “cược ghế Tổng giám đốc” về đích trước 5 tháng


Gói thầu trọng điểm số 3 đoạn Thanh Xuân - Bắc hồ Linh Đàm (vành đai 3) được thông xe kỹ thuật sáng nay có tổng chiều dài 3.267m, giá trị hợp đồng: 1.376.117.092.626 VNĐ được thi công bởi nhà thầu liên danh TLG - Cienco 8 - Cienco 4.





Bộ trưởng Bộ GTVT chính thức cắt băng khánh thành thông xe gói thầu số 3 "Thanh Xuân - Bắc Linh Đàm) sáng 30/6.

Ông Vũ Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng  (chủ đầu tư dự án) cho biết, nếu tính theo đúng kế hoạch đề ra theo hợp đồng thì gói thầu số 3 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11/2012 nhưng với tiến độ “thần tốc” đến ngày thông xe đã rút ngắn 5 tháng.

Việc đưa gói thầu vào khai thác sớm sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên cung đường cũng như các khu vực lân cận.



Sau lễ cắt băng khách thành là lễ thông xe.

Là dự án  được nhà thầu lấy ghế Tổng Giám đốc ra để đặt cược, đến nay các đơn vị thực hiện Dự án xây dựng Đường Vành Đai 3 Hà Nội, Đoạn Mai Dịch - Bắc Hồ Linh Đàm (Giai đoạn 2) đã có thể thở phào nhẹ nhõm và khẳng định vượt tiến độ đề ra và đảm bảo chất lượng, kỹ thuật.

Gói thầu số 3 được đưa vào khai thác sớm sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên cung đường cũng như các khu vực lân cận.

Được biết, các nhà thầu thi công gói thầu số 1 (từ nút giao Mai Dịch tới nút giao Trung Hòa) và gói thầu số 2 (từ nút giao Trung Hòa tới nút giao Thanh Xuân) đang nỗ lực hoàn thành công trình trong năm 2012, khi toàn dự án được hoàn thành sẽ tạo ra 1 tuyến đường cao tốc trên cao dài 28,053km từ cầu Phù Đổng đến Mai Dịch.

Đi Hà Nội - Ninh Bình chỉ 1h đồng hồ

Cũng trong sáng nay, trước sự chứng kiến của các lãnh đạo Chính phủ, thay mặt Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng cũng đã phát lệnh thông xe Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cắt băng khánh thành lễ thông xe kỹ thuật đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam nối cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ.

Ông Trần Xuân Sanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: Việc hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sẽ góp phần giảm ách tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A, nâng cao tốc độ chạy xe, giảm thời gian, chi phí vận chuyển..., đẩy mạnh giao thương giữa Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình...

Sau lễ thông xe cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, từ Hà Nội đi Ninh Bình chỉ mất 1h đồng hồ.

Nguồn vốn đầu tư dự án gồm 800 tỷ đồng vốn điều lệ của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và 8.174 tỷ đồng vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh.
 
Bắt đầu từ tháng 7/2012, toàn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đưa vào khai thác. Các phương tiện được lưu thông trên đường cao tốc bao gồm: xe ô tô con, ô tô khách, xe tải, xe container từ 20 đến 40 fit. Các phương tiện không được lưu thông trên đường cao tốc bao gồm: xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ, xe chở vật liệu cháy, nổ, xe quá khổ, quá tải. Vận tốc lưu hành của các loại phương tiện tối đa là 100 km/giờ.

Sau khi thông tuyến, Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ kết hợp với đoạn tuyến đầu tiên của Dự án đường vành đai 3 Hà Nội để hình thành nên một trục giao thông hoàn toàn mới nối từ Hà Nội tới Ninh Bình gồm 4 làn xe, có vận tốc thiết kế lên tới 100 km/h.

Với việc thông toàn tuyến và kết nối các trục giao thông trọng điểm nói trên, thời gian đi từ trung tâm Hà Nội tới Ninh Bình theo tuyến mới có chiều dài 74 km sẽ chỉ còn chưa đầy 1h.

Vũ Điệp