Tăng cường truyền thông chính sách về giảm nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình), trong giai đoạn 2022-2024, để giúp người dân tiếp cận chính sách, nâng cao dân trí, năng lực vươn lên thoát nghèo bền vững, tỉnh Bạc Liêu đã đẩy mạnh truyền thông và giảm nghèo về thông tin.
Theo đó, tỉnh ban hành tương đối đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền theo quy định. Ban chỉ đạo các chương trình MTQG được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở tạo cơ chế quản lý đồng bộ, thống nhất. Thông tin, tuyên truyền, truyền thông về Chương trình được quan tâm thực hiện. Ban chỉ đạo tỉnh còn chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, Sở TT-TT, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan báo, đài phát thanh - truyền hình để tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Trong đó, Sở TT-TT phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức 4 cuộc tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, tuyên truyền viên khóm, ấp về Chương trình trên địa bàn tỉnh với 280 lượt đại biểu tham dự; in ấn 9.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về các chính sách mới của Chương trình;… Đồng thời, các đơn vị thực hiện biên soạn, thiết kế tờ rơi, áp-phích và đăng phát các tin bài, phóng sự… về chính sách, chương trình giảm nghèo, những tấm gương hộ nghèo làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo; các tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo. Qua đó, những nội dung thông tin về các dự án, tiểu dự án, chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được truyền tải đến với người dân và các nhóm đối tượng thụ hưởng.
Cụ thể, nhờ hình thức tuyên truyền, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và người dân về công tác giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều hộ nghèo, người nghèo có ý thức, ý chí chủ động vượt khó, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch trong thực hiện Chương trình. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo giảm trên 3,18%/năm.
Việc đa dạng trong tuyên truyền thông tin về giảm nghèo cũng tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện công tác giảm nghèo; nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi và chuyển biến nhận thức đối với mục tiêu giảm nghèo. Từ những thông tin được tiếp nhận, đã khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo và sử dụng có hiệu quả các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo.
Giúp người nghèo nắm vững về các chính sách hỗ trợ
Đối với tiểu dự án 1 Giảm nghèo về thông tin, giai đoạn 2022-2024, tỉnh Bạc Liêu được phân bổ vốn gần 3,5 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 1,3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức 70 lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác thông tin, truyền thông cấp xã với 2.800 lượt đại biểu tham dự; in ấn hơn 40.000 tờ rơi, áp-phích tuyên truyền về Chương trình. Nhờ đó, công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững đã đạt kết quả khả quan.
Bên cạnh đó, tiểu dự án 2 Truyền thông về giảm nghèo đa chiều, giai đoạn 2022-2024, với nguồn vốn được phân bổ gần 4 tỷ đồng, tỉnh đã giải ngân gần 1,6 tỷ đồng. Qua nguồn vốn này, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp các sở, ngành và địa phương tổ chức hơn 100 cuộc truyền thông nhóm cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, có gần 5.000 đại biểu tham dự; sửa chữa hơn 20 cụm pa-nô tuyên truyền với khẩu hiệu “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”;…
Đồng thời, các công chức trực tiếp làm công tác giảm nghèo, các đối tượng tham gia thực hiện Chương trình được tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Đã có 40 lớp tập huấn cho 2.000 lượt công chức, trưởng các tổ chức đoàn thể, bí thư, trưởng khóm - ấp, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; 6 đoàn học tập kinh nghiệm; khoảng 1.260 người dân được tập huấn, hướng dẫn, tư vấn tạo sinh kế, hướng nghiệp, học nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập để vươn lên thoát nghèo.
Có thể thấy, trong quá trình thực hiện Chương trình, tỉnh Bạc Liêu xác định tăng cường công tác truyền thông giảm nghèo về thông tin là yếu tố rất quan trọng giúp người nghèo nắm vững, hiểu đúng và đầy đủ về các chính sách hỗ trợ, từ đó tiếp nhận các nguồn lực để vươn lên. Qua truyền thông đã động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.