- Chiều ngày 27/6, tại Thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức cắt băng khánh thành, thông xe dự án đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn qua tỉnh Đắk Lắk.
Dự án nâng cấp, mở rộng QL14 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk có chiều dài hơn 96km, gồm dự án Cầu 110 - Buôn Ma Thuột được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) Đắk Lắk do Liên danh Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức - Công ty CP Đông Hưng Gia Lai - Công ty CP Thủy điện Sêsan 4 làm chủ đầu tư. Dự án BOT Đắk Lắk được triển khai từ cuối năm 2013 và có tổng mức đầu tư 1.021 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các hạng mục chính để đảm bảo thông xe trên QL14, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành.
Cắt băng thông xe quốc lộ 14 qua Đắk Lắk |
Trong quá trình thực hiện dự án, Hội đồng nghiệm thu cơ sở của Bộ GTVT đã tiến hành nghiệm thu hoàn thành công trình, hạng mục công trình các gói thầu của dự án. Theo đó, dự án được thi công đáp ứng yêu cầu thiết kế, đảm bảo kỹ thuật; độ bằng phẳng và độ nhám mặt đường đảm bảo xe chạy an toàn với tốc độ quy định. Mặc dù còn một số tồn tại nhỏ như: hệ thống thoát nước, biển báo…nhưng không ảnh hướng đến ATGT của các phương tiện giao thông.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định tiến độ thi công trên toàn tuyến QL14 qua Đắk Lắk đã vượt tiến độ đề ra, việc thi công được thực hiện theo đúng thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật. Thứ trưởng yêu cầu chủ dự án nhanh chóng khắc phục các tồn tại nêu trên trước ngày 15/7; đề nghị đại diện các chủ đầu tư BOT sau khi đưa công trình vào khai phải thường xuyên kiểm tra và kịp thời khắc phục những sự cố (nếu có), nhằm đảm bảo tối đa ATGT toàn tuyến.
Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên đã thông tuyến |
Trước đó, vào ngày 26/6, tại TP. Buôn Ma Thuột, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (HĐNTNN) các công trình xây dựng đã tổ chức Hội nghị kiểm tra và chấp thuận thông xe dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây Nguyên và Bình Phước.
Theo đó, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 qua Tây Nguyên và Bình Phước có chiều dài 553km, chạy qua các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và kết thúc ở Chơn Thành (Bình Phước). Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2009 theo quy mô thiết kế đường đô thị - đồng bằng với tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng. Năm 2014, đã có 133km/10 dự án bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) được chấp thuận, nghiệm thu; 420km còn lại được chia làm 11 dự án, trong đó có 6 dự án sử dụng nguồn vốn TPCP với tổng mức đầu tư 8.032 tỷ đồng và 5 dự án đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 6.044 tỷ đồng.
Trùng Dương