Gia đình anh Nguyễn Xuân Sang, xóm Nai (xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã có thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi cá lăng đặc sản-loài cá từng chỉ để cung tiến vua.

Nói đến sông Đà, hay cụ thể là cá sông Đà, không ít người nghĩ ngay đến những con thủy quái (cá lăng) to nặng bằng người, từng được nhắc đến nhiều trên truyền thông.

Không những to, hiếm mà những con cá lăng này còn có chất lượng thịt thơm ngon, trở thành đặc sản được nhiều người săn đón. Giờ đây, cá lăng vài chục cân đã được người nông dân nuôi rộng rãi trên lòng hồ sông Đà, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

{keywords}
Anh Sang nuôi 20 lồng cá lăng ở xóm Nai (xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).

Với nhiều lợi thế và tiềm năng, nhiều hộ dân trên lòng hồ sông Đà ở xã Thung Nai đã gặt hái được nhiều thành công trong việc nuôi cá lăng phát triển kinh tế.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Sang là 1 trong những hộ đi đầu trong việc nuôi cá lăng ở xóm Nai. Nhờ chuyển sang nuôi cá lăng, cuộc sống kinh tế của gia đình anh ngày càng dư giả và sung túc.

{keywords}
Hàng ngày anh Sang đều theo dõi và kiểm tra quá trình phát triển của đàn cá lăng.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về cơ duyên đến với nghề nuôi cá lăng, anh Nguyễn Xuân Sang kể: “Trước đây tôi chủ yếu hành nghề đánh bắt cá lăng ngoài tự nhiên trên sông Đà để mưu sinh. Nhưng về sau xuất hiện nhiều thuyền bè đánh cá, nên sản lượng cá lăng đánh bắt giảm đi đáng kể, thu nhập cũng giảm....".

Lúc đó, anh Sang cũng có ý định chuyển sang nuôi lợn, nhưng nghĩ đến giá cả lợn hơi lên xuống thất thường kèm theo dịch bệnh nên tìm nghề khác để bám trụ được trên sông nước. Với lợi thế mặt nước sông Đà rộng lớn, quanh năm nước trong vắt và tĩnh lặng, anh nghĩ sao mình không thử nuôi cá lăng trong lồng trên sông.

Anh Sang khăn gói xuống tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi cá lăng ở các chủ trại lớn ở TP. Hòa Bình, rồi  trở về đầu tư vốn liếng thiết kế 20 lồng nuôi cá lăng. Khoảng 1 thời gian nuôi cá lăng, anh thấy cá phát triển rất tốt, ít bị dịch bệnh, cách chăm sóc đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư...

{keywords}
Anh Bùi Đức Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình (bên trái) tìm hiểu, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cá lăng với anh Sang.

Với sự chuyển mình trong phát triển kinh tế, anh Sang đã có những bước đi táo bạo, bởi từ trước đến nay chưa có hộ gia đình nào nuôi cá lăng với mô hình lên tới 20 lồng như anh.

Nhờ chịu khó, dám nghĩ, dám làm, anh Sang đã gặt hái được thành công sau những năm tháng lênh đênh trên sông nước. Hiện thu nhập kinh tế của gia đình anh đã tăng lên đáng kể, sản phẩm cá lăng nuôi đến đâu thương lái và người tiêu dùng đặt mua hết đến đó.

{keywords}
Với phương pháp nuôi gối, nên anh Sang lúc nào cũng có cá lăng bán ra thị trường.

Anh Sang chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lăng: “Nuôi cá lăng nhàn, không vất vả như các loại cá khác. Khâu quyết định đến sự thành bại trong nuôi cá lăng, đó chính là khâu thiết kế lồng. Lồng nuôi cá lăng cần thông thoáng, đủ rộng để tạo điều kiện cho cá phát triển. Tôi thiết kế mỗi lồng cá rộng 36 m2. Thời điểm cá lăng còn nhỏ tôi thả 700 con/lồng, khi cá lớn thì tôi tiến hành tách đàn và chỉ để 300 con/lồng để cá sinh trưởng tốt hơn.

Để phòng bệnh cho cá lăng, anh Sang thường cho cá ăn thêm tỏi, lá xoan, với phương pháp này cá sẽ có sức đề kháng tốt hơn, vi khuẩn không ký sinh được vào làn da của cá, bởi làn da của cá lăng rất nhảy cảm. Anh chủ yếu cho cá lăng ăn ngô, khoai sắn, cá tép tự nhiên, vì vậy chất lượng thịt cá lăng luôn săn chắc và thơm ngon”...

{keywords}
Anh Sang thường cho cá lăng ăn ngô, khoai, sắn, cá tép tự nhiên. Vì vậy chất lượng thịt cá lăng của gia đình anh luôn săn chắc thơm ngon và được nhiều khách hàng ưa chuộng.

“Hiện tôi nuôi cá lăng vàng, cá lăng đen, cá lăng đuôi đỏ trên 20 lồng. Gia đình tôi nuôi gối nên lúc nào cũng có cá lăng bán ra thị trường. Đối với cá lăng vàng tôi bán với giá 150.000 đồng/kg, cá lăng đuôi đỏ bán giá 200.000 đồng/kg, cá lăng đen 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi cá lăng...", anh Sang chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Cũng nhờ nuôi cá lăng, anh Sang đã xây được nhà cửa khang trang, sắm được ô tô, cuộc sống của gia đình đã dư giả lên hẳn...

{keywords}
 Nhờ cách chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn cá lăng của gia đình anh luôn phát triển tốt và đạt năng suất cao.

Trao đổi với phóng viên báo Điện tử DANVIET.VN ông Bùi Đức Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong, cho biết: “Cá lăng vốn là cá bản địa, sống tự nhiên ở sông hồ nước ngọt, nhất là lưu vực sông Đà. Nuôi cá lăng trong lồng là mô hình mới. Từ hiệu quả mà gia đình anh Sang đã đạt được, thời gian tới chúng tôi sẽ có định hướng, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng, tổ chức cho bà con đến tham quan mô hình để nhân rộng. Đây là một hướng đi mới, hứa hẹn một nghề mới cho thu nhập cao cho bà con nông dân.

Hiện nay, các xã ven lòng hồ sông Đà có quỹ đất dành cho trồng trọt ít và đa số là đất bạc màu, vì vậy nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà đang là hướng đi nhiều tiềm năng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông hộ, giúp bà con vươn lên làm giàu...

(Theo Dân Việt)