Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi thấy những quả mít bị cắt đầu và bôi một thứ bột gì màu trắng lên vết cắt đó. Giải đáp về vấn đề này, anh Trần Ngọc – một chuyên viên kỹ thuật về mít siêu sớm ở Bình Phước, khẳng định phần bột màu trắng mọi người nhìn thấy chính là vôi, không phải hóa chất gây độc hại.
Quả mít được cắt để kiểm tra xem chất lượng bên trong của nó. |
Lý giải nguyên nhân phải cắt phần đầu trái mít, anh cho biết đây là giống mít siêu sớm có tên changai (tứ quý). Giống mít này mang đặc tính là chạy chỉ xơ đen, làm chất lượng mít giảm, ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Nhìn bền ngoài, người trồng sẽ không thể phát hiện ra quả mít đó có bị xơ đen hay không. Vì thế, họ sẽ phải sử dụng dao để cắt một góc vuông kiểm tra, xác định quả nào bị xơ đen sẽ loại bỏ.
“Các vết cắt góc phải liền nhau, độ sâu khoảng 3cm, tạo một góc vuông, mặt cắt bằng...”, anh chia sẻ về cách cắt đầu mít.
Ngoài ra, việc cắt đầu quả mít cũng để kiểm tra quả mít đó đã đủ “tuổi” hay chưa, múi còn trắng hay không... Độ tuổi quả mít tức là vừa đủ để có thể chín tự nhiên, thuận lợi trong việc vận chuyển. Những người mua họ cũng chọn những quả không được già quá sẽ khó vận chuyển hoặc non quá sẽ không thể chín.
“Với diện tích trồng từ vài chục đến vài trăm ha, người trồng không để chín tự nhiên được. Và quá trình vận chuyển cũng rất khó, bảo quản là điều khó khăn hơn. Vì thế, mít cần được hái lúc vừa độ tuổi, già quá cũng không được và cũng không thể hái non vì không thể chín được
Người hái mít đạt chuẩn phải là người có thâm niên trong nghề, nhìn màu sắc, gai mít và mủ thì xác định được độ tuổi của mít phù hợp để thu hoạch”, anh cho hay.
Những vết cắt này được người dân bôi vôi lên để tránh nấm, vi khuẩn xâm nhập làm hỏng quả mít. |
Còn về lý do tại sao lại sử dụng vôi để quét lên bề mặt đã cắt trên quả mít, anh Ngọc cho biết điều này giúp ngăn ngừa vi khuẩn nấm xâm nhập vào vết cắt, làm hư hại, khiến trái có thể thối trong quá trình vận chuyển hàng.
Loại vôi được dùng để quét lên trái mít là vôi ăn trầu. Theo anh, mọi người vẫn có thể dùng vôi công nghiệp nếu không có vôi ăn trầu. Vì sau khi quả mít chín, phần quét vôi sẽ được cắt bỏ, không ảnh hưởng tới chất lượng cũng như sức khỏe người dùng.
Ngoài ra, người trồng vẫn có thể dùng vôi quét vào thân từ mặt đất lên 50-70cm để chống nấm, quét vào cuống mít để chống thối cuống. dải vôi vào đầu và cuối mùa mưa để ổn đinh độ PH cho đất, hạ phèn, giúp cây sinh trưởng ổn định. Anh nhấn mạnh cách sử dụng vôi này hoàn toàn không ảnh hưởng tới chất lượng quả mít cũng như sức khỏe người dùng.
Trả lời với báo chí, ThS. Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng phòng Bảo vệ Thực vật, Viện cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho biết vôi có thể sử dụng để bôi lên vết cắt trái cây nhằm tránh nấm bệnh, gây thôi rữa. Tuy nhiên, mọi người nên sử dụng vôi tinh khiết từ một cơ sở dùng cho thực phẩm để an toàn.
Người bôi cũng phải để ý vôi không bong ra khỏi mặt cắt hay tạo vết nứt tạo ngõ cho vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập. Theo ông, vôi hầu như không độc khi dùng hàm lượng nhỏ nhưng cũng có ngưỡng nhất định. Vì thế, rất cần thiết phải qua các xét nghiệm để xác định biện pháp này có an toàn thực phẩm hay không.
(Theo Dân Việt)