- Ông Habib Rab, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra năm khuyến nghị để kiểm soát tốt hơn chi tiêu và vay nợ của quốc gia nhân dịp Quốc hội đang bàn dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi.

>> Thủ tướng: Trả nợ đầy đủ, đúng hạn

Ông Habi Rab cũng là tác giả chính của báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới đánh giá hệ thống phân cấp tài khóa của Việt Nam. Dưới đây là bài viết riêng của ông Habib Rab cho VietNamNet.

Làm thế nào chúng ta biết được chi tiêu ngân sách Nhà nước hiệu quả và trong khả năng chi trả? Nợ công ở mức hơn 60% GDP có quá cao đối với Việt Nam hay không? Chính phủ có thể làm gì để nâng cao minh bạch ngân sách Nhà nước? Đó là những câu hỏi quan trọng được công chúng và báo chí nêu ra ngay trong lúc Quốc hội đang thảo luận về sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 và xem xét dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Thủ tướng nguyễn tấn dũng

Chúng ta đã có kế hoạch và đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia..Tuy nhiên, nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn.

Xem chi tiết tại đây

Nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới đã nêu ra một số cải cách nhằm tiếp tục hiện đại hoá hệ thống ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện đáp ứng những thách thức về phát triển cho một nước Việt Nam thu nhập trung bình. Luật Ngân sách Nhà nước đã quy định về những “luật chơi” quan trọng, là tiền đề để làm tốt công tác quản lý tài chính công tại Việt Nam trong mười năm qua.

Chi tiêu ngân sách Nhà nước đã tăng từ 20% trên GDP cách đây mười lăm năm lên đến gần 30% trong những năm gần đây, đóng góp to lớn vào phát triển của Việt Nam thông qua việc đầu tư vào những công trình hạ tầng quan trọng và tạo điều kiện tăng chi cho xóa đói giảm nghèo. Chẳng hạn, tại các khu vực nghèo, nơi nhu cầu phát triển và chi phí cung cấp dịch vụ cao, chính sách ngân sách Nhà nước đã cho phép mức chi theo đầu người cao hơn gấp bảy lần so với các khu vực kinh tế phát triển hơn. Đồng thời, khi nền kinh tế phát triển nóng trong những năm 2011-2012, tuy Nhà nước giảm tỷ lệ chi tiêu của chính phủ trên GDP, nhưng các khoản chi quan trọng cho giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội vẫn được đảm bảo.

Cùng với những thành tựu trên, thông tin về thu, chi và nợ của Chính phủ ngày càng được công khai. Điều này cho phép người dân tham gia và góp ý cho các quyết định tài chính công. Hiện đã có các quy định rõ ràng về báo cáo, kế toán và kiểm toán độc lập thường xuyên về chất lượng báo cáo quyết toán của Chính phủ. Các chính sách phân cấp ngân sách cũng giúp ra quyết định chi tiêu ở cấp sát với người dân, tạo cơ hội để những mong muốn và lựa chọn của địa phương được phản ánh qua phân bổ ngân sách.

Với những kết quả trên, năm khuyến nghị hàng đầu của chúng tôi nhằm cải thiện Luật Ngân sách Nhà nước là gì?

Khuyến nghị thứ nhất là tiếp tục nâng cao minh bạch ngân sách Nhà nước, để thúc đẩy sự tham gia của người dân vào quy trình ngân sách ở tất cả các cấp chính quyền, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình. Chẳng hạn, dự toán ngân sách Nhà nước trình Quốc hội và Hội đồng Nhân dân ở địa phương cần được công khai vào thời điểm trình để cho người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến. Thông tin về ngân sách Nhà nước cũng cần được truyền đạt một cách rõ ràng và súc tích để giúp người dân hiểu và tham gia vào các thảo luận về ngân sách.

{keywords}
Siết chặt kỷ luật ngân sách là cách thức hữu hiệu để kiểm soát nợ công. Ảnh có tính chất minh họa


Thứ hai, hiện đang có nhu cầu nâng cao kỷ cương trong việc thực hiện các kế hoạch chi tiêu đã được phê duyệt.Quyết toán chi ngân sách trong những năm gần đây có lúc vượt kế hoạch đáng kể. Chênh lệch lớn gây ảnh hưởng đến độ tin cậy và tính trung thực của các kế hoạch chi tiêu. Để giải quyết điều đó, chúng tôi khuyến nghị rằng những thay đổi dự toán lớn cần được phê duyệt thông qua hình thức bổ sung dự toán ngân sách do cơ quan lập pháp các cấp phê duyệt. Điều này sẽ giúp đảm bảo trách nhiệm giải trình cao hơn đối với cơ quan lập pháp và nâng cao hiệu suất chi tiêu.

Khuyến nghị thứ ba là thực hiện lập ngân sách trung hạn, có cập nhật hàng năm, phù hợp với các Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KTXH) và gắn kết với Kế hoạch đầu tư trung hạn (ĐTTH). Hiện tại Kế hoạch phát triển KTXH được lập cho 5 năm, trong khi ngân sách Nhà nước được lập hàng năm. Ngân sách trung hạn cũng sẽ dự báo về tổng thu, chi và vay nợ trong ba đến năm năm tiếp theo. Thông tin đó sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ và người dân dự trù kinh phí và xác định khả năng chi trả cho các kế hoạch phát triển của mình.

14h30 chiều mai (21/11), mời bạn đọc tham gia bàn tròn trực tuyến với ông Habib Rab, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB và TsVũ Đình Ánh về chủ đề: Luật ngân sách sửa đổi và bài học kiểm soát nợ công. Mời bạn đọc gửi câu hỏi về vietlam.bui@vietnamnet.vn

Khuyến nghị thứ tư là tổng hợp báo cáo về toàn bộ các hoạt động của khu vực công sao cho Chính phủ, Quốc hội và người dân có được bức tranh đầy đủ về chính sách tài khoá. Việc này có thể thực hiện thông qua báo cáo tài chính hợp nhất của Chính phủ với thông tin đầy đủ về thu, chi, tài sản tài chính và phi tài chính, và các khoản nợ. Giống như các quốc gia khác, ngân sách Nhà nước không chỉ là kênh duy nhất đảm bảo kinh phí cho dịch vụ công. Chẳng hạn, Việt Nam còn có cả các quỹ ngoài ngân sách và các doanh nghiệp Nhà nước. Điều quan trọng là phải giám sát được những rủi ro của những hoạt động đó đối với ngân sách Nhà nước. Các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây cho thấy những rủi ro lớn nhất đối với ngân sách Nhà nước thường bắt nguồn từ các hoạt động của khu vực công ngoài ngân sách.

Khuyến nghị thứ năm là phải hình thành cơ chế tổng thể về vay nợ của chính quyền địa phương. Hiện nay toàn bộ nợ của địa phương được xử lý ngoài ngân sách Nhà nước vì ngân sách địa phương không được phép bội chi. Chúng tôi khuyến nghị vay nợ của chính quyền địa phương phải được đưa vào ngân sách Nhà nước, năng lực quản lý nợ của địa phương cần được tăng cường, và các hạn mức nợ cần gắn chặt hơn với khả năng vay nợ của chính quyền địa phương. Điều này sẽ đem lại nguồn lực hết sức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu hạ tầng tại một số địa phương, đồng thời đảm bảo địa phương vay nợ minh bạch và có trách nhiệm cho những khoản đầu tư công đem lại lợi ích cao.

Sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước lần này là một mốc hết sức quan trọng. Những cải cách đã thống nhất sẽ đem lại tác động đối với các chính sách tài chính công của Chính phủ và cả nền kinh tế trong nhiều năm tới. Nhiều thành tựu đã đạt được trong mười năm qua. Chúng tôi hi vọng Chính phủ và Quốc hội sẽ nắm bắt cơ hội để xây dựng một hệ thống ngân sách Nhà nước tốt hơn để giúp cho một nước Việt Nam có thu nhập trung bình tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

  • Habib Rab (chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại VN)