Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, mỗi năm sản xuất ra hàng trăm triệu tấn nông sản phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hệ thống logistics phục vụ ngành nông nghiệp cũng được chú trọng đầu tư phát triển trong những năm gần đây.

Thống kê sơ bộ từ Bộ Công Thương, nước ta có 18 trung tâm logistics hạng 2 là các ICD có phục vụ cho mặt hàng nông nghiệp. Ngoài ra, các Trung tâm logistics hạng 3 - Trung tâm phân phối - kho bãi cũng được hình thành với khoảng hơn 46% trong số đó là phục vụ cho nông sản. 

Hệ thống kho lạnh hiện đã hình thành khắp cả nước (kho lạnh sản xuất, kho lạnh thương mại và kho lạnh ngoại quan) với số lượng ước đến hàng chục nghìn kho, thể tích chứa hàng triệu m3. 

Các phương tiện vận chuyển nông sản sau thu hoạch ở nước ta còn thô sơ. (Ảnh: Tâm An)

Trong đó, ngành hàng thủy sản ước 4.000 kho bảo quản nguyên liệu và sản phẩm với dung tích bảo quản 2 triệu m3; ngành hàng rau quả khoảng 1.000 kho được đặt tại các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tại các cơ sở, trung tâm bán lẻ, trung tâm thương mại, kho bãi,... Ngoài ra, còn có hàng nghìn phương tiện xe lạnh và container lạnh phục vụ vận chuyển.

Báo cáo của Bộ NN-PTNT tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng nêu rõ, logictics phát triển đã góp phần khắc phục dần đặc điểm sản phẩm nông sản có chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, tính thời vụ và theo mùa, cần bảo quản ở nhiệt độ thấp. Chất lượng nông sản được nâng cao, tổn thất sau thu hoạch giảm đáng kể so với trước đây.

Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn cao. Qua khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chi phí logistics chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng tại nước ta. 

Đơn cử, ngành thủy sản chi phí này chiếm hơn 12%, đồ gỗ chiếm 23%, rau quả 29,5% và ngành gạo chiếm đến gần 30% trong giá thành.

Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, còn rất nhiều bên thu mua, vận chuyển nên chuỗi cung ứng còn rời rạc. Những đơn vị này thường thiếu những trang thiết bị, cơ sở vật chất để vận hành chuỗi cung ứng rau quả dẫn đến mức độ cơ giới hóa thấp cũng như năng lực vận chuyển, bảo quản hạn chế. Theo đó, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch nông sản còn cao.

Tỷ lệ hao hụt sau khi thu hoạch nông sản ở nước ta vẫn rất cao. (Ảnh: Tâm An)

Theo Bộ NN-PTNT, xuất khẩu nông sản là thế mạnh của Việt Nam. Nhưng chất lượng dịch vụ logictics, trung tâm logistics lớn, bến bãi, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, xếp dỡ còn thiếu và yếu nên thời gian giao hàng không kịp thời, dễ hư hỏng sản phẩm, chi phí cao. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm khả năng cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu.

Bộ NN-PTNT dẫn chứng, những nước phát triển hơn có xe lạnh phục vụ tận vườn, còn tại Việt Nam, sau khi thu hoạch nông sản thì vận tải bằng các phương tiện thô sơ như xe ba gác, xe máy hoặc ghe thuyền nhỏ chở tới khu tập kết, đổ xuống sàn, xuống đất rồi mới đưa vào kho lạnh. Thế nên, tổn thất sau thu hoạch rất cao, lên đến 20-30%. 

Để khắc phục những điểm yếu này, Bộ NN-PTNT cho rằng, cần thiết lập trung tâm logistics sản phẩm nông sản tại các vùng, địa phương có các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đầu mối giao thông vận tải phát triển để kết nối với các trung tâm sản xuất rau quả nhằm quản lý thống nhất chất lượng sản phẩm và giảm chi phí lưu thông hàng hóa.

Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn cung cấp điện, nước, hệ thống thủy lợi và kết nối hệ thống giao thông vận tải, bến bãi, kho tàng để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống logistics theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản.

Phải thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh. Trước mắt, đầu tư xây dựng các kho lạnh lớn với công nghệ xếp dỡ tiên tiến tại các trung tâm phân phối, các chợ đầu mối rau quả và tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, bến cảng và sân bay quốc tế, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.