- Vụ việc cưỡng chế tại Tiên Lãng (Hải Phòng) đang gây sự chú ý của dư luận. Nhiều đoàn kiểm tra của các Bộ, ngành, UBND TP Hải Phòng đã vào cuộc và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, trước khi có kết luận vụ việc của cơ quan chức năng, một thông tin khá quan trọng mà nhiều người muốn biết là: huyện Tiên Lãng cưỡng chế và thu hồi đầm nuôi trồng thuỷ sản của Đoàn Văn Vươn để giao cho ai? PV VietNamNet đã đi tìm câu trả lời...

Ngày 2/2, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với người phát ngôn của UBND huyện Tiên Lãng, Chánh văn phòng UBND huyện Ngô Ngọc Khánh.
Ông Khánh khẳng định: việc cưỡng chế thu hồi đất đầm bãi của Đoàn Văn Vươn của UBND huyện Tiên Lãng là đúng luật định.

Chánh văn phòng Ngô Ngọc Khánh.

Ông Khánh cho hay: “Chúng tôi khẳng định việc thu hồi đất của huyện Tiên Lãng hoàn toàn đúng đắn và đúng theo quy định của pháp luật. Ông Vươn được giao đất từ năm 1993, thời hạn 14 năm và đến nay đã hết thời hạn. Căn cứ quy định, chúng tôi sẽ phải thu hồi đất. Trên cơ sở đó, chúng tôi chuyển hình thức từ giao đất cho ông Vươn sang thuê đất.

Huyện đã nhiều lần làm việc với ông Vươn nhưng ông này đều kiên quyết yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng phải giao đất, chưa bao giờ có ý kiến về việc sẽ trao trả đất lại cho Nhà nước.

Do chưa có đất của ông Vươn trả lại nên chúng tôi chưa thể có đất cho ông Vươn tiếp tục thuê sử dụng được. Về mặt nguyên tắc, đã hết hạn sử dụng phải trả lại Nhà nước thì mới có đất để cho thuê. Cũng như người dân vay tiền ngân hàng, khi đến hạn thì phải trả tiền và muốn vay tiếp thì phải làm các thủ tục vay”.

Khi được hỏi, nếu huyện có ý định tiếp tục cho ông Vươn thuê đất sao cần phải sử dụng đến biện pháp cưỡng chế để thu lại, rồi lại giao tiếp, ông Khánh giải thích: Chúng tôi thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật vì đến 8 lần có thông báo và trực tiếp đối thoại với ông Vươn, nhưng ông ấy vẫn cương quyết rằng huyện phải tiếp tục giao đất. Nếu giao đất mà chưa thu hồi thì rõ ràng huyện lại vi phạm pháp luật đất đai.

Về nguồn gốc đất, ông Khánh giải thích: Đất này là đất bãi bồi ven biển. Tại đây những năm trước có dự án Vinh Quang 2 nhằm di dân kinh tế mới. Do vậy, chủ trương của huyện lúc bấy giờ chỉ giao thời hạn 14 năm để đảm bảo quy hoạch chung về sử dụng các vùng đất bãi bồi ven sông, ven biển.

Tương tự, với nội dung tại sao thu hồi mà không đền bù, trong khi người dân phải đầu tư rất nhiều tiền của, công sức để cải tạo, xây dựng đầm bãi, ông Khánh cho hay: hợp đồng cho thuê đất của huyện với các hộ nuôi trồng có điều khoản khi hết hạn sẽ bị thu hồi mà không đền bù. Như vậy, huyện cứ căn cứ vào hợp đồng này mà thực hiện.

“Vẫn sử dụng biện pháp cưỡng chế…”

Theo ông Khánh, diện tích đầm bãi đã thu hồi của Đoàn Văn Vươn đã được giao cho UBND xã Vinh Quang quản lý. Xã sẽ xây dựng phương án cho thuê vẫn với mục đích nuôi trồng thủy sản. Hình thức mới được lựa chọn sẽ là tổ chức đấu thầu để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Việc huyện Tiên Lãng thu hồi mà không đền bù trong khi người dân đã phải bỏ ra rất nhiều tiền của, công sức để cải tạo, xây dựng đầm bãi đang khiến việc làm ăn, đầu tư của người dân nơi đây chênh vênh?

Như thế, tính đến thời điểm hiện tại, “chủ đầm” tiếp quản phần diện tích hơn 40ha đầm bãi của Đoàn Văn Vươn là UBND huyện Tiên Lãng. Tuy nhiên trước đó, trao đổi với báo chí, chủ tịch xã Vinh Quang Lê Văn Liêm cho hay: xã vẫn chưa nhận bàn giao thực địa!?

Ngoài hộ Đoàn Văn Vươn (đã cưỡng chế), hộ Vũ Văn Luân (đã có thông báo cưỡng chế), Tiên Lãng đã có quyết định thu hồi hàng trăm ha đầm bãi của hàng chục hộ nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Ông Ngô Ngọc Khánh cho biết, trong trường hợp các hộ vẫn kiên quyết không chịu bàn giao, huyện vẫn phải xem xét biện pháp cưỡng chế, nhưng sẽ làm chặt chẽ, cẩn trọng hơn, tránh để lặp lại điều đáng tiếc như vụ Đoàn Văn Vươn.

Kèm theo những QĐ thu hồi đất đầm bãi từ năm 2007 là thông báo yêu cầu các chủ đầm dừng đầu tư vào đầm bãi. Hầu hết các hộ dân đều không bàn giao, nhiều người đi theo con đường khiếu kiện quyết định hành chính.

Việc giằng co giữa người bị thu hồi và cơ quan thu hồi kéo dài gần 5 năm đã gây lãng phí trong việc sử dụng đất khi hàng trăm ha đầm bãi bỏ không, chỉ khai thác thủy sản tự nhiên.

Vấn đề này, ông Khánh phân trần: “Đúng là huyện cũng chưa có chỉ đạo gì về vấn đề này. Tuy nhiên, thiếu sót này do các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc cho lãnh đạo huyện”.

“Trước vụ việc cưỡng chế đầm bãi của Đoàn Văn Vươn, UBND huyện Tiên Lãng cũng đã từng thực hiện cưỡng chế 70ha đầm của một hộ dân tại xã Tiên Hưng. Hộ dân này khiếu kiện lên tận cấp giám đốc thẩm, tuy nhiên cuối cùng, đơn kiện của hộ dân này vẫn bị bác bỏ và huyện thực hiện cưỡng chế thành công. Phần diện tích này được “xé nhỏ” để nhiều hộ dân được thuê” – ông Khánh cho biết.

“Tiên Lãng là vùng nông nghiệp. Nuôi trồng thủy sản mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho các hộ dân, nếu như không nói là siêu lợi nhuận. Các hộ này có đời sống kinh tế cao hơn nhiều các hộ khác” – người phát ngôn UBND huyện nhận định.

Không riêng xã Vinh Quang, nhiều xã khác tại huyện Tiên Lãng có diện tích đầm bãi tự nhiên cho các hộ dân thuê cũng đều bị thu hồi khi hết thời hạn. Hầu hết việc cho thuê có thời hạn dưới 20 năm và thu hồi không đền bù.

Theo báo cáo của Tiên Lãng, huyện đã giao 515ha đất cho 56 hộ gia đình. Đây là những khu vực do huyện quản lý theo thẩm quyền.

Khi thu hồi, nhiều phần trong số diện tích này được giao cho cấp xã quản lý để tiếp tục cho thuê. Về tính chất đất và thẩm quyền của cấp xã, đây không thuộc quỹ đất 5% nên xã không có thẩm quyền được cho hộ gia đình, cá nhân thuê.

Theo ông Khánh, huyện đã xây dựng dự án tổng thể về quản lý, cho thuê đối với diện tích đầm bãi nên mới tiến hành thu hồi trên diện rộng toàn huyện.

Nhưng như thế, có nghĩa là Tiên Lãng sẽ tiếp tục vi phạm Luật Đất đai?!

Ngày 2/2, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng Cục VI, Bộ Công an) đã có buổi làm việc với Giám đốc Công an TP Hải Phòng – Đại tá Đỗ Hữu Ca trong nội dung làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án “giết người”, “chống người thi hành công vụ” trong vụ cưỡng chế đất đầm tại Tiên Lãng.

Trước đó, Trung tướng Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục VI) nhận định trên nhiều tờ báo: đây là vấn đề phức tạp nên cần được nghiên cứu kỹ. Trung tướng Vĩnh còn nhấn mạnh trong vụ việc này, trách nhiệm trước hết là ở UBND huyện Tiên Lãng, sau đó là UBND TP Hải Phòng.

Ngày 2/2, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng về những nội dung liên quan đến vụ việc. Như thế, tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều các cơ quan, ban ngành Trung ương đã vào cuộc vụ cưỡng chế thu hồi đầm tại Tiên Lãng.

Kiên Trung

>> Toàn cảnh vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng