Liên quan sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), UBND TP.HCM vừa có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng "Dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9".

Sagri và Tổng công ty Cổ phần (CP) Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau trước đây và "cam kết không thắc mắc khiếu nại gì về sau".

UBND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường điều chỉnh tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sagri và Tổng công ty CP Phong Phú liên hệ với các sở ngành để được giải quyết các vấn đề tài chính, vốn đầu tư và các vấn đề phát sinh (nếu có) do việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng.

Sở TN-MT có trách nhiệm giải quyết việc thay tên chủ sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất giữa bên nhận chuyển nhượng và bên chuyển nhượng.

Sở Tài chính, Cục Thuế TP, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn và giải quyết các vấn đề tài chính, về vốn đầu tư (nếu có), các vấn đề phát sinh (nếu có) do việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng dự án giữa các bên theo quy định của pháp luật hiện hành.

{keywords}
Ông Lê Tấn Hùng 

Liên quan đến dự án bị thu hồi này, năm 2016, thời điểm ông Lê Tấn Hùng đương chức Tổng giám đốc Sagri. Sagri đã chuyển nhượng dự án khu nhà ở Phước Long B (gần 37.000 m2) cho Tổng công ty CP Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2).

Mức giá này được Thanh tra TP.HCM xác định thấp hơn giá Tổng công ty CP Phong Phú huy động vốn từ khách hàng 3 năm trước (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2).

Trong dự án này, Sagri sử dụng 3,75 ha đất hợp tác với giá trị vốn góp có tỷ lệ 28%, Tổng công ty CP Phong Phú là 72%. 

Kết luận thanh tra đánh giá, Sagri chuyển nhượng vốn góp (thực chất là chuyển quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật) cho Tổng công ty CP Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường là vi phạm Nghị định 91/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Việc Sagri không thuê thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án là vi phạm Nghị định 91/2015 của Chính phủ; ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng công ty CP Phong Phú trong việc phân chia lợi nhuận (tỷ lệ cố định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh) là không đảm bảo quyền lợi cho Sagri.

Sagri cũng báo cáo không trung thực khi đã ủy quyền cho Tổng công ty CP Phong Phú tìm kiếm đối tác góp vốn, khách hàng mua nhà ở tại dự án (thực hiện phân lô bán nền từ năm 2012) nhưng 5 năm sau lại có văn bản gửi UBND TP cam kết "chưa huy động vốn". Việc này có khả năng gây thiệt hại cho Sagri nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời. 

{keywords}
Ông Lê Tấn Hùng (ngoài cùng, bên trái) chi phối Sagri suốt một thời gian dài và có những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý điều hành

Liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Sagri, mới đây cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 người gồm: ông Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc), ông Nguyễn Thành Mỹ (nguyên Phó phòng Kế hoạch - Đầu tư), ông Vân Trọng Dũng (nguyên Chủ tịch HĐTV) và bà Nguyễn Thị Thuý (nguyên Kế toán trưởng của Sagri) để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ông Lê Tấn Hùng từng được biết đến là Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM, trước khi nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc Sagri. 

Ông Lê Tấn Hùng dẫn bộ sậu SAGRI vào vòng lao lý thế nào

Ông Lê Tấn Hùng dẫn bộ sậu SAGRI vào vòng lao lý thế nào

 Ông Lê Tấn Hùng bị cáo buộc đã chi phối và thực hiện các hợp đồng kinh tế mờ ám tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) khiến toàn bộ sậu dính vào vòng lao lý.

T.Kiệt