- Trận lũ lịch sử đi qua đã hằn thêm một vết đau nữa vào khúc ruột miền Trung. Trong số những hình ảnh được chụp lại, có một tấm ảnh gây ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả: Bé gái đang khóc nức nở bên cạnh chồng sách đã ướt nhèm vì nước lũ. Đó là giọt nước mắt điển hình của lớp con em nông dân phải đối mặt với muôn vàn thử thách trên chặng đường đi học.
Rồi đến mùa thi cử, chính ở những làng quê cỗi cằn cát sỏi này, biết bao thủ khoa đã từ lam lũ bước ra.
Thủ khoa nông thôn đã nhiều, thủ khoa nông dân lại chiếm phần đa số. Báo chí tràn ngập những tấm gương con em nhà nghèo học giỏi. Tinh thần ấy, nghị lực ấy, đáng khâm phục. Bởi thế, mới có chuyện vui còn kể rằng nhà báo cố làm thủ khoa nghèo đi để điển hình thêm sáng.
Đỗ thủ khoa, nhất là ở nông thôn, xưa nay là vẫn là vinh dự lớn.
Sự gia tăng tỉ lệ thủ khoa nông dân khiến người ta thêm lạc quan về thế hệ trẻ và một nông thôn đổi mới.
Nhưng, sau niềm hân hoan vui mừng ấy có chắc rằng chỉ là một niềm vui lớn?
Hai thủ khoa năm 2010. Cả hai đều là con của những người nông dân nghèo vùng quê lam lũ |
Thử dịch chuyển đối tượng câu hỏi và đi tìm nguyên nhân của sự vắng bóng những thủ khoa thành thị, chợt nhận ra: không phải là tất cả, nhưng có một hiện tượng ngày càng phổ biến là học sinh các thành phố lớn trong những năm gần đây đã chẳng còn màng đến việc thi đại học trong nước. Du học từ những năm phổ thông đang trở thành xu hướng phổ biến. Họ được tạo điều kiện học tập tốt nhất từ môi trường gia đình và chính sự năng động, cởi mở của bản thân đô thị.
Niềm vui đỗ thủ khoa có nói lên toàn bộ vấn đề?
Theo lẽ thường, vẫn lấy kết quả thi cử để đánh giá, phân loại học sinh. Mặc nhiên, dựa vào tiêu chí trên, người đỗ thủ khoa sẽ là người giỏi nhất, nông thôn có nhiều thủ khoa hơn nghĩa là chất lượng giáo dục tốt hơn thành phố?
Trước hết, phải khẳng định rằng, thủ khoa nông dân là những người có tố chất thực sự. Hoàn cảnh khó khăn đã tạo cho họ nghị lực phấn đấu cao và ý chí nỗ lực hết mình để giành lấy kết quả cao nhất. Và cũng chính môi trường ấy, lại khuôn chặt họ ở đích đến chỉ là các trường đại học trong nước.
Trong khi đó, tầm nhìn của thành thị hướng đến một mục tiêu xa hơn. Tại nhiều trường điểm như Amsterdam (Hà Nội), Lê Hồng Phong, Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM)…, đến khoảng năm lớp 11, phân nửa học sinh đã lên đường đi du học. Sự chuẩn bị này không phải một sớm một chiều mà đã được các bậc phụ huynh định hướng, tạo điều kiện học tập từ khi con cái học còn rất nhỏ.
Cùng tố chất và trình độ tương đương, liệu học sinh nông thôn có sở hữu được những cơ hội ấy?
Bước chân vào cấp 3, học sinh thành phố dồn sức vào các chương trình IELTS, TOEFL… để chuẩn bị sang Tây thì học sinh nông thôn bắt đầu cày cuốc các chuyên ban lựa chọn để thực hiện mơ ước chạm vào cánh cửa đại học ở những thành phố lớn. Thậm chí, dù có tham vọng lớn thì khả năng ngoại ngữ và tài chính cũng không thể giúp học sinh nông thôn đuổi kịp ngay.
Cánh cửa du học hé ra rất hẹp đối với những học sinh đến từ nông thôn. Để đạt được mục tiêu này, họ phải nỗ lực rất lớn, thậm chí phải là nỗ lực mang tính bứt phá. Cơ hội, vì vậy luôn đến chậm hơn ít nhất 3 - 5 năm so với học sinh thành thị.
Thiếu thốn về điều kiện kinh tế, định hướng học tập… chính là cái hố ngăn cách khiến học sinh nông thôn khó chạm đến những cơ hội như học sinh ở các thành phố lớn. Những thiệt thòi của con em nông dân không còn là chuyện trong mỗi nhà, nó thực sự đang đặt ra một vấn đề lớn – vấn đề về công bằng xã hội.
Chúng ta vẫn thường tự hào về một nền văn minh sinh ra từ cây lúa nước. Trong các sự nghiệp, nông dân là thành phần hy sinh, thậm chí là tự nguyện hy sinh cho đất nước nhiều nhất, đồng thời cũng có ít cơ hội vươn lên nhất.
Bước vào thời kỳ mở cửa, biết bao xóm làng đã miễn cưỡng trở thành một phần đô thị. Làng lên phố, nhà máy, khu công nghiệp… mọc lên trên đồng ruộng, người nông dân mất đất.
Số tiền đền bù có thể to lớn so với mấy mươi năm lam lũ của một người trồng lúa nhưng rồi chẳng mấy chốc, họ trở nên trắng tay bởi muôn đời, ruộng đất là vấn đề cốt tử của người nông dân. Mất đất, mất nghề, người nông dân mất kế sinh nhai. Kéo theo cơn lốc đô thị hóa, ngay cả những làng không thành phố cũng phải gánh chịu những bất bình đẳng tương tự.
Xét ở khía cạnh nào đó, chúng ta đang bỏ rơi vấn đề người nông dân trong khi mải miết hướng đến mục tiêu công bằng xã hội ở khái niệm chung chung.
Công bằng, tức là trao những cơ hội ngang nhau để cá nhân phấn đấu. Đó chính là chìa khóa để mở ra nhiều hơn nữa những cơ hội cho con em nông thôn tiến bước cùng bạn bè thành thị.
Phương sách chiến lược và lâu dài nhất là sự quan tâm thiết thực tới những người nông dân. Giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, thu hẹp số lượng nông dân là quy luật tất yếu trên con đường phát triển đất nước.
Nhưng chuyển hóa thế nào để số phận người nông dân bớt phần đau đớn trong guồng xoáy hiện đại hóa, đó là vấn đề của một chính sách sử dụng, quản lý đất đai hợp lý cũng như chính sách định hướng, đào tạo nghề dài hạn cho nông thôn, có chính sách đãi ngộ thích đáng để tăng lượng giáo viên ngoại ngữ và công nghệ thông tin có chất lượng về với nông thôn để con em nông thôn có thêm cơ hội học tốt ngoại ngữ và vi tính, tiếp cận công nghệ thông tin – những chìa khoá quan trọng cho cánh cửa tương lai.
Sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị là một thực tế phải chấp nhận, bởi không thể có được một sự bình đẳng tuyệt đối giữa các vùng miền.
Song, khi cái hố ngăn cách giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp lại đáng kể, khi người dân sống ở nông thôn cũng được trao cho những cơ hội gần ngang bằng với thành phố, thì khi đó, mới có thể tạm hi vọng về sự thành công trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Huyền Trang (ĐHQG Hà Nội)