Năm học 2011 - 2012, làng giáo đón nhận "luồng gió mát" với chính sách phụ cấp thâm niên: Chưa giải quyết được vấn đề căn cốt về thu nhập cho giáo viên, nhưng Nghị định 54 của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ đầu tháng 9 tới sẽ là nguồn động viên đối với gần 1 triệu giáo viên trong cả nước.
Xung quanh chính sách này, VietNamNet nhận được bức thư gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ
và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ một nhà giáo đang trong nghề,
"cậy nhờ hai ông góp thêm tiếng nói đề nghị Chính phủ bổ sung chế độ phụ cấp
thâm niên cho cán bộ chuyên viên làm việc tại các phòng, sở, bộ GD-ĐT và các nhà
giáo đã nghỉ hưu".
Dưới đây là nội dung bức thư.
Dọn lại trường lớp sau một mùa lũ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trước hết xin ông thứ lỗi, cho tôi được giãi bày tâm sự với ông về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo. Đây không chỉ là tâm sự của riêng tôi, nhiều người khác cũng đang bức xúc, trong đó có thể có cả ông. Hy vọng ông sẵn lòng đọc hết lá thư này và chia sẻ với chúng tôi.
Nghị định 54/2011-NĐ- CP về chế độ thâm niên cho nhà giáo ra đời đã mang lại niềm vui, có sức khích lệ lớn đối với nhà giáo và sẽ mang lại hiệu quả thực tế đối với việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, trong đó đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên không có đội ngũ cán bộ, chuyên viên quản lý giáo dục (GD) đang công tác tại các phòng, sở, Bộ GD- ĐT và cán bộ giáo đã viên nghỉ hưu là chưa thỏa đáng. Cùng với các ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Bé, Đại biểu tỉnh Tiền Giang tại kỳ họp Quốc hội vừa qua và ý kiến phát biểu của 1 Giám đốc sở GDĐT tại Hội nghị tổng kết năm học 2010 - 2011 và triển khai nhiệm vụ năm học mới của ngành GD toàn quốc, chúng tôi xin phân tích vấn đề trên 4 khía cạnh sau đây để mọi người cùng thấy là chưa thỏa đáng:
- Thứ nhất: Xét về mục đích phụ cấp: thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo là để thể hiện quan điểm đầu tư cho giáo dục hoặc để nâng mức đời sống cho nhà giáo, hoặc nhằm cả hai điều đó, thì cũng không thể đặt đội ngũ cán bộ, chuyên viên trong hệ thống giáo dục quốc gia từ Bộ đến các Sở, các phòng GD ĐT ra ngoài phạm vi được hưởng phụ cấp.
Nếu phụ cấp để đầu tư cho giáo dục và động viên những người ngày đêm trăn trở làm ra chất lượng các nhà trường thì đâu phải chỉ mỗi giáo viên; Không đứng trên bục giảng, nhưng cán bộ chuyên viên ở phòng, sở, bộ GD- ĐT là những người phải lăn lộn với thực tế dạy- học- thi của các nhà trường để tìm cách tổ chức dạy học, đánh giá chất lượng cho các nhà trường, … là người đứng mũi chịu sào mọi việc của ngành, là người chỉ huy vận hành toàn bộ con tàu giáo dục của mỗi huyện, mỗi tỉnh, của cả nước thì làm sao phụ cấp thâm niên (trên quan điểm đầu tư GD) lại bỏ qua lực lượng này.
Nếu nhằm mục đích nâng cao đời sống nhà giáo tại các trường, Chính phủ đã cho phụ cấp đứng lớp tới 30 - 35 - 70 %, bây giờ vẫn còn phải thêm chế độ thâm niên mới thỏa đáng. Vậy thì cán bộ, chuyên viên sở, phòng, bộ trong ngành (vốn không có gì ngoài lương cơ bản và phụ cấp chức vụ) cũng cần nâng cao đời sống, chăm sóc ăn học cho con cái, cha mẹ và bản thân, họ cũng cần đầu tư học tập công tác thì tại sao lại không có phụ cấp gì;
- Thứ hai: Bản thân những cán bộ chuyên viên sở, phòng GD-ĐT đa số là trưởng thành lên từ các nhà trường. Họ thường là những giáo viên giỏi, CBQL giỏi, có trình độ đào tạo cao (ở sở đa số là trình độ thạc sỹ, ở bộ thì cao hơn nữa), có phẩm chất đạo đức, chính trị tốt, có nhiều kinh nghiệm, có uy tín cao mới được điều động về phòng, sở, bộ làm công tác chỉ đạo toàn ngành.
Trong đó có nhiều người đã công tác tại cơ sở 20- 30 năm trước khi về sở, và thường là cán bộ quản lý, có phụ cấp chức vụ còn cao hơn mức của trưởng phòng (Hiệu trưởng THPT hạng 1 PCCV là 0,7 % ). Vậy mà giờ đây, họ không được hưởng chế độ phụ cấp gì của ngành giáo dục.
Lương hàng tháng của người công tác tại bộ, sở, phòng kém giáo viên cùng bậc lương gồm phụ cấp đứng lớp + PC thâm niên (tối thiểu là 30 % + 5 %, tối đa tới 70% + 39 %, đối với người tốt nghiệp Đại học và đi dạy học lúc 21 tuổi, công tác được 39 năm, dạy trường chuyên, vùng 135). Nếu họ cứ ở trường công tác bình thường thì không bị thua thiệt về kinh tế như thế này. Lấy bậc trung bình trong khối cán bộ công chức của Sở là lương hệ số 5,76 (phòng, bộ cũng tương tự thế) thì hàng tháng lương và phụ cấp của trưởng phòng kém của hiệu trưởng THPT là 4,467 triệu, một năm là 53,600 triệu đồng. So với một giáo viên bình thường hàng tháng cũng bị kém đến 2,946 triệu; một năm thu nhập của một chuyên viên chính, đồng thời là trưởng phòng của sở đã thua một giáo viên bình thường (cùng bậc lương) đến 35,352 triệu đồng.
Hơn nữa chế độ thâm niên được tính đóng và hưởng chế độ bảo hiểm thì mãi mãi về sau, nhà giáo có thời gian trước khi về hưu công tác tại sở sẽ phải chịu kém một giáo viên bình thường (tính bậc lương hệ số 5.76) đến đến ngót 10 triệu đồng/ năm, kém Hiệu trưởng THPT đến 15, 972 triệu đồng/ năm (trước khi lên Sở họ từng làm HT). Nếu mỗi người sau về hưu sống thêm 20 năm (tuổi thọ nữ TB: 75) thì mức thiệt thòi so với một cựu giáo viên đã tới ngót 200 triệu, kém một cựu Hiệu trưởng đến 319 triệu…(xem thêm bảng so sánh kèm theo).
Như vậy, càng chịu trách nhiệm cao trong công việc, càng cống hiến thì càng phải chịu một sự trả công càng rẻ hơn bình thường; và sau khi về hưu nếu càng sống lâu thì sự thua thiệt của lớp cán bộ chuyên viên này so với người công tác tại trường càng lớn.
|
Trong một giờ học ở Mường Khương, Lào Cai. Ảnh: Lê Anh Dũng |
- Thứ ba: Nghị định 54 cho phép cộng thời gian làm việc tại các ngành khác có thâm niên cho người hiện tại đang công tác tại trường, trong khi đó, lại không tính thời gian giảng dạy, giáo dục tại trường cho người hiện công tác tại sở đã từng có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục tại các nhà trường (mà đại đa số cán bộ về sở công tác là phải qua thực tế nhà trường đến vài ba chục năm). Vì làm giỏi ở cơ sở mà được điều về Sở chỉ đạo. Ai ngờ, vì có dăm bảy năm công tác ở Sở mà lại bị loại trừ khỏi quyền được hưởng phụ cấp thâm niên của cả mấy chục năm dạy học trước đó (mặc dù vì mấy chục năm ấy có người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân…). Hơn thế còn hệ lụy một cách liên tục và lâu dài đến cả đời sống khi về hưu với tuổi già của đời người, lắm ốm nhiều đau do bệnh nghề nghiệp. Bất công quá!? Đau quá!
Lấy một ví dụ cụ thể: 1 trưởng phòng của sở, là chuyên viên chính, hiện hưởng lương hệ số 5,76 (sẽ được hưởng lương mức 6,10 năm 2012, hệ số mức lương TB của 60 tháng cuối cùng khoảng 5,76; dạy học từ năm 1980, về hưu năm 2014). So sánh mức lương hàng tháng hiện hưởng và mức lương khi nghỉ hưu của họ với giáo viên và Hiệu trưởng THPT (cùng mã ngạch, hệ số lương, cùng thời kỳ công tác, cùng thâm niên 34 năm) để thấy rằng tất cả những phân tích trên đây là có thật, nó đã, đang và sẽ tiếp tục hiện hữu và tác động không nhỏ đến đời sống, tình cảm tâm lý của đội ngũ cán bộ chuyên viên ngành giáo dục chúng ta.
So sánh mức lương + phụ cấp hàng tháng hiện hưởng của 3 đối tượng
Đơn vị tính: 1000đ
Được hưởng | Trưởng phòng - CV chính | Giáo viên | Hiệu trưởng THPT |
Lương cơ bản | 5,76 x 830 = 4780,8 | 5,76 x 830 = 4780,8 | 5,76 x 830 = 4780,8 |
Phụ cấp chức vụ | 0,5 x 830 = 415 | 0 | 0,7 x 830 = 581 |
Phụ cấp thâm niên | 0 | 5,76 x 830 x 31% = 1482,1 | (5,76 + 0,7) x 830 x 31% = 2.071.7 |
Phụ cấp đứng lớp | 0 | (4780,8 + 1482,1) x 30% = 1878,9 | (4780.8 + 207.5 + 1546.4) x 30% = 2071,7 |
Tổng | 5 195, 8 | 8 141, 8 | 9.663, 2 |
So sánh mức lương + phụ cấp khi nghỉ hưu hàng tháng được hưởng
Được hưởng | Trưởng phòng - CV chính | Giáo viên | Hiệu trưởng THPT |
Lương cơ bản | 830 x 5,76 x 75% = 3585,6 | 830 x 5,76 x 75 % = 3585,6 | 830 x 5,76 = 3585,6 |
Phụ cấp chức vụ | 830 x 0,5 x 75% = 311.2 | 0 | 830 x 0,7 x 75% = 435,8 |
Phụ cấp đứng lớp | 0 | 0 | 0 |
Phụ cấp thâm niên | 0 | (830 x 5,76 ) x 30%) x 75% = 1.1075,5 | 830 x (5.76+0,7) x 30 %) x 75 % = 1 206,4 |
Tổng | 3 896, 8 | 4 661,1 | 5 227,8 |
- Thứ tư: Với các nhà giáo đã nghỉ hưu từ 5/2011 về trước, họ đã từng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, nếu không được tính phụ cấp thâm niên trong chế độ bảo hiểm xã hội cũng là một điều cực kỳ vô lý. Bởi cùng là một nhà giáo trong cùng một chế độ xã hội, cùng cống hiến, cùng hưởng chế độ tài chính suốt cả đời dạy học, nhưng theo Nghị định 54 thì người về hưu trước và sau tháng 5/2011 lại khác nhau khá xa về quyền lợi: có và không có phụ cấp thâm niện, hơn kém nhau đến hàng triệu đồng/ tháng. Hơn nữa phụ cấp thâm niên cho nhà giáo đã nghỉ hưu còn là sự tri ân người khai sáng… Với người già cả, các bậc lão thành không được chăm sóc hơn, đề cao hơn thì thôi ai lại nỡ làm cho họ bị thiệt thòi như thế so với đồng nghiệp đi sau họ một chút.
Thiết nghĩ một chế độ phụ cấp như thế cần phải được xem lại một cách kỹ càng, cụ thể.
Nghị định 57/N Đ- 2011-CP ra đời sau đó 3 ngày tưởng sẽ được bù trừ nhưng ở đó quy định mức phụ cấp chỉ có 10 % và chỉ hưởng trong thời gian đang công tác thì có nghĩa lý gì so với mức thua thiệt nói trên của họ (nhất là người sắp nghỉ hưu). Vả lại chỉ coi họ là công chức như các Sở, Bộ khác thì như vậy là đã không còn coi họ là nhà giáo, không thấy hết những đặc trưng trong công việc của công chức ngành GD.
Những thiệt thòi và tâm sự của tôi chắc chắn không phải chuyện của một cá nhân. Toàn thể cán bộ chuyên viên của Bộ, của 64 sở và mấy ngàn phòng Giáo dục trên cả đất nước này chắc chắn không phải là số ít, tất cả họ đang bị thiệt thòi và có chung tâm sự như thế này; Cũng chắc chắn họ không phải là người kém tài, kém đức, kém khó nhọc, kém hiệu quả lao động, kém trách nhiệm với thế hệ trẻ hơn so với giáo viên và cán bộ quản lý tại các trường nên chỉ được hưởng mức lương, mức sống, mức đầu tư như hiện tại.
Vậy nên tôi và chúng tôi cậy nhờ hai ông góp thêm tiếng nói đề nghị Chính phủ bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên cho cán bộ chuyên viên làm việc tại các phòng, sở, bộ GD&ĐT và các nhà giáo đã nghỉ hưu.
Tối thiểu thì cũng phải trả chế độ phụ cấp thâm niên cho những người đang công tác tại bộ, sở, phòng GD số năm mà họ đã từng giảng dạy, giáo dục tại các nhà trường công lập.
Xin chân thành cảm ơn sự chia sẻ của ông. Kính chúc ông mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn thành công trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
Thanh Hoá ngày 10/8/2011
- NGƯT Bùi Thị Báu (Sở GD-ĐT Thanh Hóa)