- Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng có lẽ chỉ khả thi khi cho các DN vay để phát triển nhà ở xã hội, còn với người mua nhà vẫn tồn tại nhiều khó khăn và kém hấp dẫn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam mới đây có đề cập tới tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi từ gói kích cầu 30.000 tỷ đồng. Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2013 quy định người có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới phải chịu thuế thu nhập cá nhân và ông cho rằng 9 triệu đồng/tháng là chuẩn thu nhập thấp.
Tuy nhiên, với một người có thu nhập 9 triệu đồng/tháng cũng chẳng có thể mua nổi nhà, nên ông Nam bổ sung thêm là một gia đình có 2 vợ chồng đi làm, tổng thu nhập 18 triệu đồng, hoàn toàn có thể tham gia gói vay mua nhà 30.000 tỷ và có phương án trả nợ tốt.
"Theo cách tính của thế giới, mỗi gia đình phải dành khoảng 30% thu nhập cho vấn đề nhà ở. Do đó, hộ gia đình thu nhập 18 triệu đồng/tháng sẽ có tối thiểu nguồn quỹ 5,4 triệu để lo việc trả nợ gốc và lãi. Giả sử gia đình này vay mua một căn hộ 50m2 với giá 600 triệu, họ phải có sẵn 20% (tương đương 120 triệu đồng) và cần vay ngân hàng 480 triệu đồng trong 10 năm. Với lãi suất 6% một năm, tiền phải trả ngân hàng bình quân khoảng hơn 25 triệu đồng, do lãi được tính theo dư nợ giảm dần. Tính bình quân mỗi tháng, gia đình phải trả 4 triệu gốc và hơn 2 triệu tiền lãi. Như vậy, với tối thiểu 30% thu nhập của mình, gia đình này có thể trả nợ được", ông Nam cho biết.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là với mức thu nhập của một gia đình hiện nay 18 triệu đồng/tháng có bị coi là thu nhập thấp? Theo số liệu điều tra xã hội học, cũng do Thứ trưởng Nam cung cấp thì tại Hà Nội và TP.HCM, thu nhập bình quân của một gia đình là 180 triệu đồng/năm (tương đương khoảng 15 triệu/tháng). Nếu vậy thì thu nhập 18 triệu đồng/tháng đã vượt quá mức thu nhập trung bình của 2 thành phố có mức sống cao nhất cả nước thì không thể là thu nhập thấp.
Theo quy định của Bộ Xây dựng về đối tượng được vay vốn để thuê, thuê mua và mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 là các cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang nhân dân. Đối tượng thu nhập thấp là người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, DN thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; người đã được nghỉ lao động theo chế độ quy định; người lao động tự do, kinh doanh cá thể.
Hầu hết những đối tượng này đều làm công ăn lương, nếu tính mức lương 9 triệu đồng/tháng thì trong số này những ai có thể đạt được?
Với những sĩ quan quân đội, công an vốn được coi là những người có lương cao hiện nay để có mức 9 triệu đồng/tháng cấp bậc phải cỡ trung tá trở lên và phải có trên 12 năm phục vụ trong quân ngũ.
Những cán bộ, công chức cũng phải cỡ vụ trưởng trở lên mới có mức lương 9 triệu đồng/tháng, còn những nhân viên chuyên viên không thể có mức lương này.
Vậy những người có thu nhập dưới 9 triệu đồng thì đừng hy vọng nghĩ đến chuyện mua nhà. Một cán bộ UBND phường tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, lương của anh mỗi tháng 4 triệu đồng, vợ được 5 triệu đồng/tháng, nhà có 1 con đi học, muốn mua 1 căn hộ 700 triệu đồng mà tính ra không thể nào thực hiện nổi. Nếu vay 500 triệu, lãi suất 6% và thời hạn 10 năm như vậy ngay năm đầu riêng lãi 1 tháng phải trả 2,5 triệu nếu tính cả gốc khoảng 4 triệu đồng nữa, chiếm hơn nửa thu nhập của gia đình thì khả năng mua nhà không bao giờ thành hiện thực.
Vì vậy nếu coi 9 triệu đồng/tháng là thu nhập thấp thì mức dưới 5 triệu đồng có lẽ phải được gọi là thu nhập siêu thấp và những đối tượng này đừng nên nghĩ tới chuyện mua nhà.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, trả lời báo chí mới đây cho biết, trên thế giới không ai cho vay mua nhà, lại là vay ưu đãi, với lãi suất cao như vậy ( 6%). Về nguyên tắc, lãi suất vay mua nhà bao giờ cũng phải thấp hơn nhiều mặt bằng chung. Khoản vay này chỉ 3%/năm là mức hợp lý, có như vậy mới giúp tăng hiệu quả của gói hỗ trợ, tạo được dòng chảy mới cho thị trường bất động sản.
Một số ý kiến khác cho rằng lãi vay ưu đãi mua nhà 6% đã lạc hậu ngay từ khi còn là dự thảo. Khi dự thảo Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ được công bố vào thời điểm nửa đầu tháng 3/2013, lúc đó trần lãi suất huy động cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng đang ở mức 8%/năm. Nếu so với lãi suất cho vay khi đó từ 11-15%, mức lãi suất ưu đãi cho gói tín dụng đặc biệt này được đánh giá là khá "mềm".
Tuy nhiên, điều đáng nói đó là trong vòng gần 2 tháng qua kể từ khi dự thảo Thông tư được công bố, các mức lãi suất trên thị trường đã có sự thay đổi đáng kể. Lãi suất huy động của một số ngân hàng đã giảm về mức 6%/năm, thậm chí là 5%, song song với đó, lãi suất cho vay cũng giảm, có gói chỉ còn 7,5%. Lãi suất huy động và cho vay cùng giảm trong khi mức ưu đãi vẫn giữ nguyên 6% đã khiến nó trở nên lạc hậu và kém hấp dẫn.
Đó còn chưa kể một số vấn đề đang vướng hiện nay là người vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn thông thường thì mới được vay hỗ trợ. Với các đối tượng chưa có nhà ở sẽ khó đáp ứng yêu cầu về tài sản đảm bảo theo quy định, ngay cả trường hợp người vay thế chấp bằng chính căn nhà mua thì sẽ gặp vướng mắc về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó những căn hộ có diện tích từ 70m2 trở xuống hiện tại không nhiều, có thì bây giờ mới đang xây dựng, chính vì vậy tìm được những căn hộ này với giá từ 15 triệu /m2 trở xuống là rất khó khăn.
Như vậy, gói 30.000 tỷ đồng có lẽ chỉ khả thi với phần dành cho các DN vay để phát triển nhà ở xã hội, còn với người mua nhà vẫn tồn tại nhiều khó khăn và kém hấp dẫn.
Trần Thủy