Trích đăng bài phỏng vấn ca sĩ Thu Phương của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ trích trong cuốn sách "Thân phận và Hào quang" sắp được phát hành.
Thực ra cuộc ra đi của Thu Phương đến nay vẫn chưa hết ầm ĩ, không chỉ là câu chuyện của một người đàn bà bị dư luận cho là bỏ chồng, bỏ con, đạp đổ tất cả mà còn là câu chuyện làm mọi cách để ở lại Mỹ.
Rồi Thu Phương trở về. Mỗi lần về là một sự mới mẻ. Nhưng mỗi lần về, được điều gì đó cũng nhiều, và mất điều gì đó cũng không ít.
Thu Phương không giải thích gì ngoài nói về câu chuyện cuộc sống mới của cô và người chồng cũ khi hai người bỗng dưng trở thành hàng xóm. Và cũng lần đầu tiên, Thu Phương không né tránh bất cứ câu hỏi nào về cuộc hôn nhân với người đàn ông “đũa lệch” vốn để lại nhiều điều nghi hoặc.
Tôi chủ động và quyết định
Ca sĩ Thu Phương. |
- Tôi còn nhớ hồi chị mới đi, mẹ của chồng cũ có trả lời trên báo rằng, rất nhớ và thương cô con dâu dù là người nổi tiếng nhưng vẫn chăm chỉ làm những công việc gia đình. Giờ này, chị có còn là Thu Phương của ngày đó nữa không?
- Tôi vẫn là tôi của ngày đó và cũng là lúc tôi được làm điều đó một cách trọn vẹn nhất. Câu nói đó của mẹ anh Huy, là một trong những lý do để tôi biết mình nên giữ điều gì, và cũng là những gì trong một góc trong ký ức của tôi được lưu giữ lại, để nhớ về ngày xưa bằng những gì đơn giản mà sâu nhất.
Khi được nghe những điều đó, tôi biết là mình được yêu nhiều hơn và biết mình đã trả giá như thế nào dù ở một góc bình dị nhất của những thứ mình đã sống.
- Mỗi lần trở về, chị có ghé thăm họ chứ?
- Lần đầu tiên tôi về Hà Nội, và đi chung cùng với anh Dũng, cũng ghé qua thăm bố mẹ, tiếc là không có thời gian để ăn chung với gia đình một bữa cơm. Bố mẹ anh Huy vẫn dành cho tôi những tình cảm như trước, như chưa có chuyện gì xảy ra cả.
Bố mẹ anh Huy vẫn không hề coi tôi như người khách. Sự tiếp đón cũng như ngồi nói chuyện để hỏi han những gì hiện giờ, vẫn hết sức gần gũi. Và tuyệt đối, không ai đề cập đến những gì đã qua, đó là điều tôi nghĩ không phải ai cũng làm được.
Thực tế như anh biết đó, sau bao nhiêu chuyện ầm ĩ, có những người người ta muốn chờ đợi gọi lại chuyện để mà mổ xẻ, muốn nói cho bõ tức hoặc là tìm ra một câu trả lời cho thỏa mãn, khi một thời gian dài tôi không có câu trả lời.
Nhưng ở đây, bố mẹ hoàn toàn không làm thế. Tôi thấy mình lại một lần nữa may mắn, bởi vì mình vẫn còn được sống trong không khí một gia đình với những người làm cha làm mẹ rất học thức, và rất tinh tế.
Đến bây giờ cũng vậy, mối quan hệ giữa gia đình mới của tôi với gia đình anh Huy, mọi người không ai đề cập đến những gì nhạy cảm. Anh Dũng cũng là người đàn ông sau này trong cuộc sống của tôi cũng hoàn toàn tôn trọng, vì ai cũng có những khoảng lặng riêng.
Sau này, khi tôi đón hai con đi qua Mỹ, từ lúc đó đến giờ khi quay trở lại, tôi cũng chỉ dừng lại ở Sài Gòn rồi bay ngược lại Mỹ ngay, không có cơ hội quay trở lại. Bản thân gia đình tôi ở Sài Gòn giờ cũng sang Mỹ định cư, thành ra lý do cũng như cơ hội gặp lại bố mẹ không nhiều.
Ở trong một nếp nhà như thế, người ta vẫn đặt dấu hỏi, tại sao Thu Phương lại lấy anh “Dũng đen”, một người hoàn toàn về hình thức không tương xứng với chị, đấy là chưa nói đến không tương xứng được như Huy MC…
Trong cuộc hôn nhân này, tôi không thể dùng chữ “duyên” nữa vì nếu như vậy sẽ “cũ” quá. Hẳn mọi người vẫn nghĩ tôi là người sống coi trọng hình thức.
Dĩ nhiên, nói là không coi trọng là không đúng. Nhưng, anh Dũng đâu đến nỗi… xấu xí, đàn ông to cao khỏe mạnh.
Tôi đến với anh Dũng bởi vì thứ nhất, anh Dũng là một người đàn ông thực sự, từ cách suy nghĩ đến cách cư xử. Đáng quý hơn, anh ấy là một người đàn ông của gia đình, là một người cha, một người chồng đúng nghĩa. Cái đó tôi cần. Cái đó có thể trong quá khứ anh Huy chưa đủ, và có thể cái đó những người khác không có.
- Có mâu thuẫn không, khi anh Dũng có nói với tôi, trước khi gặp chị, anh Dũng là một người không hề có ý định lập gia đình, không cần một người vợ. Nhưng điều đáng nói là, nhiều người bạn của anh Dũng đã “cảnh báo” với chị, anh Dũng là một người đàn ông rất… trăng hoa?
- Đúng là anh Dũng có suy nghĩ đó, và cũng có người nói với tôi điều như anh vừa nhắc. Nhưng cuộc đời tôi luôn có những bất ngờ mà chính tôi cũng không nghĩ sẽ lại như thế.
Sau câu chuyện công việc, chúng tôi chia sẻ với nhau nhiều, có những đêm nói chuyện điện thoại đến 6 - 7 tiếng đồng hồ. Có thể đời sống của anh Dũng từ nhỏ là tự lập, rồi anh qua Mỹ, anh có mọi thứ, nên anh sống không cần đến một cuộc hôn nhân nào cả.
Đến khi anh Dũng nhận ra con người sống khao khát một cuộc sống gia đình ấm cúng, một người chồng có trách nhiệm và một người cha mẫu mực với các con như thế nào, thì mọi suy nghĩ của anh ấy dường như thay đổi. Một sự thay đổi ngoạn mục.
Trước khi chúng tôi đến với nhau, là lúc tôi đang đánh một ván bài lớn của cuộc đời, mà tôi phó mặc không biết mình sẽ thua hay là thắng, chỉ biết mình là người dũng cảm đánh nó. Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc.
Chính những điều đó khiến anh Dũng thấy rằng cái tôi cần là cái gì, đơn giản thôi, đó là một cuộc sống bình dị. Tôi sẵn sàng bỏ sự nghiệp ra làm thứ yếu để đi tìm hạnh phúc, như một người leo núi chỉ mong mình leo tới đỉnh. Nếu ngã giữa chừng, tôi vẫn tiếp tục leo.
Điều đó, cô bé Thu Phương 14 tuổi rời Hải Phòng lên Hà Nội cũng chỉ để đi tìm. Và ca sĩ Thu Phương rời Việt Nam để đi Mỹ, cũng là tìm nó. Để rồi khi thấy điều đó, chính anh Dũng cũng thay đổi suy nghĩ, rằng hôn nhân là thứ có thật, là sự hy sinh và bù đắp chứ không phải là cái gì đó không thật. Và thế là chúng tôi đến với nhau.
- Thực tế, nhiều người vẫn nghĩ chị lấy anh Dũng chỉ là giải pháp tình thế trong giai đoạn chị rất khó khăn ở đất Mỹ. Để rồi hôn nhân như một sự cộng sinh, và mọi thứ trong cuộc sống gần như chị đều chịu sự điều khiển của chồng, vì một lẽ đơn giản là chị không thể làm khác?
- Suy nghĩ đó chỉ đúng có một chút thôi, khi anh Dũng đóng vai trò điều khiển, đó là điều khiển các con tôi để chúng có một tương lai rõ ràng. Điều làm tôi cảm động, anh Dũng nói, anh là một kỹ sư và anh hiểu được ở đất Mỹ học thức rất quan trọng nên anh muốn các con phải là những người có học thức, để các con có thể nắm bắt bất cứ mọi cơ hội trong cuộc sống của mình.
Trước khi đến với anh Dũng, giữa tôi và anh ấy là mối quan hệ giữa ca sĩ và ông bầu, một sự cộng sinh lạnh lùng. Tôi sòng phẳng đến mức khi đặt vấn đề mua nhà cho bố mẹ tôi ở Sài Gòn, tôi vay tiền anh Dũng để rồi đi hát trừ dần. Anh Dũng tôn trọng mọi quyết định đó.
Qua Mỹ, tôi khó khăn, và khó khăn nhất lúc đó là cái khó khăn của một người mẹ xác thì ở Mỹ, hồn thì ở Việt Nam và đau đớn khi xa con, anh Dũng đã hiểu và là người đứng sau để yểm trợ cho mọi quyết định của tôi. Giữa cái hiểu để chia sẻ, để chung tay khác với việc hiểu mà ra điều kiện. Anh Dũng là trường hợp thứ nhất.
- Tại sao mọi người không đặt câu hỏi: Lý do gì mà một người đàn ông đi lấy một người đã có hai đứa con, đó là những chiếc ba lô trên một hành trình rất nặng?
- Tôi chỉ nói đơn giản, khi đón hai con sang, nếu anh Dũng là người ích kỷ, anh sẽ có thể làm cho quy trình giấy tờ chậm lại, hoặc không bảo lãnh. Chỉ từ những công việc như thế thôi, nên có thể khẳng định con người anh ấy như thế nào.
Tôi nghĩ, anh Dũng nhìn thấy ở tôi những điều mà từ xưa đến giờ anh chưa thấy. Anh cũng hiểu được sự chịu đựng của tôi, và bắt đầu từ đó dẫn đến một tình yêu quá lớn. Anh sẵn sàng hy sinh mọi thứ và anh Dũng cũng có nói, anh sẵn sàng quên cả bản thân anh, miễn sao không thấy tôi khóc, chỉ muốn Phương hạnh phúc thôi.
Người ta chỉ nhìn anh Dũng bề ngoài, nhưng bên trong tuyệt vời hơn tất cả sự tưởng tượng. Tôi cũng khẳng định, mọi sự lựa chọn là của tôi, và tôi chủ động hết mọi thứ trong những lựa chọn về cuộc sống cũng như trong công việc, anh Dũng là người tôn trọng tất cả mọi quyết định của tôi, chứ không phải tôi là con rối của anh ấy.
Trong gia đình, anh ấy làm rất tốt vai trò của một người chồng, một người cha, để tôi cảm thấy yên tâm mình được đặt đúng vị trí của một người phụ nữ.
Để con không thấy có ba mẹ… riêng
Thu Phương và người chồng hiện tại Dũng Taylor. |
- Chị nói, anh Dũng cho chị làm một người phụ nữ đúng nghĩa, và cho con chị một người cha mẫu mực. Thẳng thắn thế, chị không sợ làm tổn thương người hàng xóm, cũng là người chồng cũ của chị ư?
- Anh Huy cũng nhận ra điều đó, và chúng tôi đều hành xử vì cái chung: tương lai của các con. Việc một ngày chúng tôi ngồi lại để giải quyết những vấn đề con cái như những người bạn, là một điều tôi chưa từng được chuẩn bị và tôi không bao giờ ngờ tới.
Điều may mắn của tôi là anh Dũng hoàn toàn không có khái niệm con riêng con chung. Anh Dũng làm tất cả những gì có thể được miễn sao tôi hạnh phúc.
Anh muốn bù đắp những gì tôi mất mát trong 5 năm nên khi hai đứa trẻ đến, anh yêu thương gần như hơi quá, cũng làm cho hai đứa trẻ quá tải tình thương. Thế nên phải căn chỉnh làm sao để vừa là yêu thương, vừa là dạy dỗ, vừa để các cháu biết được khuôn khổ.
Chuyện với anh Huy, anh Dũng tương đối tế nhị, nhưng lại rất chân thành. Trước đây khi mọi chuyện mới xảy ra, anh Huy chẳng thèm nói chuyện với anh Dũng. Thẳng thắn mà nói, với sự chân thành của anh Dũng, anh Huy cũng nhận ra có những việc lẽ ra là của anh Huy, nhưng trước đây anh Huy đã không làm.
Và rồi khi biết anh Dũng đón các con sang, hai người đã nói chuyện, hiểu nhau để rồi từ đó chúng tôi là những người bạn, cùng nhau lo cho các con.
Việc của chúng tôi là, làm cho con cảm thấy chúng có thêm một ông bố và một bà mẹ đúng nghĩa, chứ không phải cho con trẻ cái cảm giác so đo về bố nào bố đẻ bố nào bố không đẻ.
- Vậy anh Dũng đã làm gì, để các con thấy được điều đó?
- Như tôi đã nói, một người mẹ có thêm hai đứa con, như là người vác hai cái ba lô quá nặng. Anh Dũng không phải là người nâng giùm vác hộ, mà là người mở những cái ba lô đó ra, xem ngăn nào của bố, ngăn nào của mẹ. Ngăn của mẹ là giáo dục đạo đức và những cách ứng xử Á Đông, để con không quên nguồn cội. Anh Dũng chuẩn bị những tri thức, kiến thức cần thiết cho con hòa nhập.
Đối với cá nhân tôi, tôi thấy khả năng của mình tương đối hạn hẹp vì mình sống ở nước ngoài chưa được bao lâu để thấy mình đủ văn hóa để nói chuyện với con. Mỗi ngày tụi nhỏ phát triển rất là nhanh và cập nhật cuộc sống cũng nhanh không kém.
Tôi phải cố gắng để các con có được một đời sống tinh thần đầy đủ. Tất cả những gì xa hơn nữa, về kiến thức, định hướng… tất cả tôi trông chờ vào anh Dũng, người cần thiết trong cuộc sống của tôi và những đứa trẻ. Điểm cô giáo gửi về thấp, hay trường có vấn đề gì, hay đi học trễ, là anh Dũng phải sinh hoạt rõ ràng. Mỗi ngày anh Dũng giao, truyền hình không được xem quá hai tiếng, làm đủ bài. Nó biết hết.
Anh Dũng có nhiều sự đòi hỏi, ví dụ anh cũng muốn thể hiện những thành quả của mình, vì anh đang nuôi dưỡng hai đứa trẻ không do mình sinh ra, như một người trồng cây, nên anh luôn chăm bón, săn sóc miễn sao nó đơm hoa kết trái được tốt.
Các con không phải có căn bản ở nước ngoài nên rất khó, nhưng anh chăm lo mỗi ngày để làm sao cháu có thể phát huy được bản thân đối với môi trường nước Mỹ, mà vẫn giữ được tình cảm cha con đúng nghĩa để các cháu không phải suy nghĩ: đây không phải là cha đẻ ra mình.
Nhưng nói chung, hai đứa trẻ cũng luôn muốn học hỏi và lắng nghe, đó là công của anh Dũng.
- Chị có bao giờ nghĩ, khi anh Dũng thương và lo cho các con quá, sẽ phần nào làm mờ hình ảnh người cha đẻ trong suy nghĩ của các cháu?
- Nói công bằng là các con tôi gần gũi anh Dũng nhiều hơn cha đẻ của nó. Hồi còn ở Việt Nam, các con háo hức sang Mỹ để được gặp “ông Tây” và thương “ông Tây” lắm, khi mỗi lần chúng gặp “ông Tây” ở Thái Lan.
Đứa trẻ nó cũng có cách cảm nhận của nó và nó sẽ lớn lên, nhận thức sẽ thay đổi. Cái chính là người lớn phải làm sao để đứa trẻ sống đúng.
Dù lần đầu làm cha nhưng anh Dũng rất có kinh nghiệm trong giáo dục trẻ con.
Anh Dũng từng nói với tôi, tình thương dành cho các con phải công bằng, không có chuyện thiên vị. Và phải để các con thấy bố mẹ là chung, nên không có chuyện cái gì không xin được Daddy (anh Dũng), thì sang xin bố Huy.
Ví dụ như bé Hải, năm 16 tuổi, nó biết bố Huy chiều nó, nên nó dùng cái đó như lợi thế. Nó đòi anh Dũng mua cho nó ba cái bông mũ ba màu khác nhau, anh Dũng hỏi tại sao, nó nói một cái con chơi, hai cái con cho hai đứa bạn. Anh nói, anh mua cho con một cái chứ không mua cho hai đứa bạn được. Nếu con muốn, con lấy tiền lương mà mỗi tuần anh cho con, con mua cho hai đứa bạn.
Thế là nó đi tìm bố Huy của nó để xin hai cái kia. Sau đó, anh Dũng với anh Huy sẽ phải làm việc chặt chẽ với nhau để nó thấy không phải cái gì không xin được Daddy thì sẽ xin bố Huy.
- Qua bao biến cố, dù mọi chuyện có là những kết thúc có hậu nhưng khi sống cạnh nhau, lại cùng chung tay giải quyết vấn đề con cái hẳn sẽ không tránh được những cái giật mình sót lại từ quá khứ của chị và anh Huy. Điều đó chị có sợ rằng nếu mình không cẩn thận, mọi thứ sẽ rối tung?
- Mọi chuyện giờ thật bình thản và mọi người hoàn toàn tôn trọng cuộc sống của nhau và có ý thức xây dựng. Người lớn hoàn toàn đủ văn minh, đủ văn hóa để hiểu.
Đối với những cặp vợ chồng có những bất cập trong hôn nhân khi ở cạnh nhau, cũng là một thử thách lớn. Và việc của những đứa trẻ quả là một bài toán khó, chúng tôi cũng không ngoại lệ.
Tôi, anh Dũng cũng như vợ chồng anh Huy đều có một suy nghĩ giống nhau: Người lớn, giải quyết những vấn đề của người lớn. Còn với đứa trẻ, có một điều duy nhất là tình thương đối với chúng.
Hoàn toàn 4 người đều cho con một niềm hãnh diện với bạn bè là chúng có thêm một bố, một mẹ nữa. Để thấy rằng tình yêu của 4 người dành cho con không có gì khác nhau. Một người chúng gọi là Daddy, một người chúng gọi là bố, nó rất khác biệt.
Và chúng luôn biết, những điều nói với bố không có nghĩa là daddy không biết vì giữa daddy và bố đều có những cuộc nói chuyện dẫn đến quyết định cuối cùng là chăm lo cho các con.
Anh Huy cũng không ngại khi anh Dũng chăm sóc, yêu thương con đến như thế. Dĩ nhiên anh Dũng cũng có cách nhìn nhận của anh rất riêng vì anh không sống ở môi trường văn hóa Việt Nam, lại là người chồng trong một cuộc hôn nhân tương đối nhạy cảm.
Con của chúng tôi không sống giữa hai luồng tình cảm, mà chỉ chung một luồng dù có đến hai ông bố và hai bà mẹ. Bổn phận của tôi hay những người lớn trong câu chuyện này là để đưa đứa trẻ đi đến một cái đích cần đến của nó bằng tình thương và trách nhiệm của tất cả mọi người. Quanh đi quẩn lại cũng là giá trị con người, mỗi ngày phải nỗ lực.
- Đến bây giờ, khi Thu Phương đã an phận, cũng không thể xóa được suy nghĩ rằng chị rất nổi loạn. Tóm lại, chị thuộc tuýp nào?
- Tôi không nghĩ mình là người nổi loạn mặc dù mình cá tính, thẳng thắn đến mức mất lòng. Tôi sống nghệ sĩ lắm, không toan tính đắn đo thiệt hơn. Nếu tôi ham hố danh vọng các thứ thì tôi đã không như ngày hôm nay.
Những gì tôi muốn, đều đặt giá trị gia đình và đạo đức hơn tất cả mọi thứ, cho đến giờ phút này điều tôi có được là một gia đình trong tay mình sau bao nhiêu biến cố tôi phải trải qua trong cuộc đời.
Tôi lựa chọn và tôi chịu trách nhiệm. Tôi đi tìm hạnh phúc cũng đồng hành với việc đi tìm sự bình yên. Tôi có mục đích sống rõ ràng và tôi cũng không phủ nhận, bên cạnh đó có rất nhiều hệ lụy, có nhiều nước mắt, có nhiều hy sinh.
Cái cuối cùng khi tôi thấy được, là điều mình muốn mình đã có được. Đó là giá trị hạnh phúc. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ bất cứ một cái gì nếu nó là của mình, nhất là giá trị thực sự của hạnh phúc.
Người đàn bà trong tôi sẽ an phận nếu như có được một giá trị đích thực. Và bây giờ, tôi có thể ngắn gọn, tôi an phận. Tôi phải cảm ơn những đổ vỡ vì giá trị tìm được sau những mất mát đó.
Hai đứa trẻ của chúng tôi hiện giờ dù hòa nhập rất nhanh nhưng lại rất Việt Nam, vì nó được sống trong môi trường gia đình. Anh Dũng sống ở nước ngoài rất lâu nhưng cá tính cũng như chiều hướng của anh, thì luôn nhìn về giá trị dân tộc.
Chúng tôi vẫn đi chùa, vẫn sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt nữa, chúng tôi gặp nhau ở một điểm lớn, gia đình là quan trọng nhất. Tôi vẫn đi chợ mỗi ngày dù lái xe đi chợ hết 40 phút lái xe cả đi lẫn về. Chúng tôi vẫn nấu ăn mỗi ngày và bắt buộc phải có bữa cơm gia đình.
"Thân phận và Hào quang" là cuốn sách mới xuất bản của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ. Đây là cuốn sách hé lộ góc khuất cuộc đời của những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam. Hoàng Nguyên Vũ đặt những câu hỏi sắc sảo, đôi khi phê phán, và luôn xoáy thẳng vào những góc khuất của người mình gặp. Nhưng đồng thời, những câu hỏi của Vũ, cách anh khai thác câu chuyện, rất có tình, thể hiện sự cảm thông với người đang chia sẻ với thế giới bên ngoài nỗi buồn, thậm chí bất hạnh của họ. Kết quả là người đọc cảm nhận những ngôi sao tươi sáng trong “hào quang” ấy đều có “thân phận” mỏng manh giữa chốn nhân gian. |
Trích "Thân phận và hào quang"
Theo Zing