Gần đây, đoạn clip ghi lại hình ảnh blogger du lịch Khoai lang thang ăn thứ trái đặc sản miền Tây chua chua, chát chát - trái bần nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng.
Với nhiều người miền Bắc, thứ trái này lạ từ cái tên đến hình dáng, mùi vị. Nhưng với những ai sinh ra và lớn lên ở miền Tây thì trái bần là món quà thiên nhiên ban tặng, gắn liền với tuổi thơ. Do vậy mà khi xem đoạn clip, nhiều người cảm thấy như cả tuổi thơ ùa về, thấy hình ảnh những ngày chèo ghe hay lội bùn ra hái bần, lau qua qua rồi chấm vào đĩa muối ớt cay sè. Thứ trái ấy dân dã mà 'gây nghiện', gây nhớ thương.
"Trái bần còn sống (xanh) thì chát còn khi chín rồi thì chua. Nhưng không phải cái chua bình thường mà cái hậu chua nó đọng lại cuống lưỡi. Ăn vô là thấy kích thích vị giác", Khoai lang thang chia sẻ về vị của thứ trái tên "nghèo khó" trong clip.
Đoạn clip gây chú ý của blogger Khoai lang thang
Bần sống ở bùn nước, có rễ phụ mọc nhô lên khỏi mặt bùn. Từ xa xưa, dân gian vẫn thường nói rằng ở đâu có sông, có vàm, có cù lao… ở đấy có “rừng bần”. Ở Việt Nam, cây bần thường mọc ven bờ biển hay vùng cửa sông các tỉnh Nghệ An, Hải Phòng và Hà Tĩnh nhưng nhiều hơn cả là mọc ven sông, rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhờ bộ rễ có khả năng chịu ngập và tái sinh chồi mạnh, cây bần dễ phát triển ở những rừng ngập mặn nhiệt đới, nơi có nhiều bãi bồi, bãi bùn. Nhờ đó, chúng có khả năng chống mặn và giảm sạt lở, đồng thời là nơi cư trú cho các loài thủy sản như tép, cá tra.
Trái bần là đặc sản dân dã của người miền Tây (Ảnh: Eric Nguyễn)
Trái bần có hình tròn, hơi dẹt, đuôi nhọn, phần cuống chỉa ra như các cánh ngôi sao. Lớp vỏ ngoài màu xanh lá cây khi còn non có vị chát nhưng khi chín thì chuyển sang màu hơi vàng, thoảng hương thơm nhẹ. Lúc chín tới bần vừa chua, vừa thơm, ngọt, ăn một lần sẽ nhớ mãi, vì vị của nó rất đặc biệt không giống loại trái cây nào.
Bần sinh trưởng tự nhiên nên trái rất sạch, an toàn. Bà con miền Tây sử dụng loại trái này làm nguyên liệu cho nhiều món ăn khác nhau.
Bần xanh chấm muối ớt là món ăn tuổi thơ của trẻ em miền Tây mỗi mùa hè. Vị chua chua, chát chát đọng lại cuống lưỡi, thêm chút mằn mặn, cay cay. Những đứa trẻ cũng thường hái bần mang về cho mẹ cho bà để họ cắt nhỏ chấm mắm sặc, mắm rô. Món ăn này cũng "đưa cơm" ra trò.
Bần chín dùng để nấu canh chua, lẩu cá thay trái me, sấu. Khi dùng trái bần sẽ cho ra vị chua thanh và mùi thơm rất đặc biệt. Đây là món ăn yêu thích vào mùa hè của các gia đình miền Tây. Hiện nay, nếu đến miền Tây tham quan, nhất là trong mùa hè, du khách không khó tìm được các quán ăn phục vụ món canh chua, lẩu nấu từ trái bần.
Canh chua nấu bần là món ăn giải nhiệt mùa hè (Ảnh: @arian_huynh)
Bần chín ngoài nấu canh chua, lẩu cá thì hay được các bà, các mẹ đem kho cá. Tới khi cá gần chín mới dầm trái bần ra. Tương tự như me, sấu, người ta cũng dùng bần để cho vào nước canh rau muống, rau khoai lang, tạo vị chua thành, thơm thơm.
Mứt bần được làm từ trái bần sau khi nghiền thành bột, rồi nấu lên với đường phèn. Loại mứt này vẫn giữ được vị chua chua và hương thơm đặc trưng của trái bần, nhưng có thêm vị ngọt thanh của đường phèn, khiến nó thành món ăn vặt được nhiều người yêu thích.
Ngày nay, với công nghệ hiện đại, bần được chế biến thành nước cốt, mứt để du khách dễ dàng mua làm quà mang về miền xa.
Ngoài trái bần, người miền Tây còn chế biến bông bần khi còn búp hoặc chỉ mới hé nở, để làm món gỏi. Sau khi hái về, hoa bần được tách ra, lấy phần cánh, bỏ cùi và trái nhỏ bên trong, sau đó đem ngâm nước muối, để ráo.
Người miền tây thường trộn hoa bần với tép, cá sặc hoặc thịt heo thái nhỏ, gia giảm thêm giấm chua, chanh, đường sao cho phù hợp khẩu vị. Gỏi hoa bần có thể xem là món đặc sản ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng).
Bần chấm mắm cá “gây nghiện”. (Ảnh: Cậu Hai Niển
Trái bần có tính hàn nên được ưa chuộng vào mùa hè vì có công dụng giải nhiệt rất tốt. Ở một số nơi còn xem bần là thuốc, dùng để trị tiểu buốt, hoặc làm cao giảm bong gân khá hiệu quả. Ngày nay trái bần được xuất khẩu sang nhiều nước Canada, Đức, Úc...
Thế mới thấy, thứ quả này tên thì "nghèo khó" mà độ ngon thì "giàu có"!
Linh Trang (Tổng hợp)