Gia đình của 2 bé gái đã thiệt mạng vì thực hiện theo thử thách có tên gọi "Blackout" được lan truyền trên TikTok đã nộp đơn kiện lên tòa án thành phố Los Angeles (Mỹ) vì cho rằng các thuật toán nguy hiểm của TikTok đã khiến con gái của họ tiếp cận với thử thách được lan truyền trên mạng và là nguyên nhân gây ra cái chết cho con của họ.
Trung tâm Luật Nạn nhân Truyền thông Mạng xã hội (SMVLC) đã đại diện cho cha mẹ của 2 bé gái trong vụ kiện này. Đây là trung tâm cung cấp các hỗ trợ về pháp lý dành cho cha mẹ của trẻ em bị tổn hại khi sử dụng mạng xã hội.
"TikTok cần phải chịu trách nhiệm vì đã thúc đẩy các nội dung nguy hiểm gây chết người đến cho hai bé gái", luật sư Matthew P. Berman, nhà sáng lập của SMVLC, cho biết. "TikTok đã đầu tư hàng tỷ USD để cố ý thiết kế các thuật toán thúc đẩy nội dung mà nó biết là nguy hiểm và có thể dẫn đến cái chết cho người dùng".
Nguyên đơn đầu tiên trong vụ kiện là gia đình của bé gái Lalani Erika Rene Walton, 8 tuổi, đến từ thành phố Temple (bang Texas). Lalani được mô tả là một cô bé cực kỳ ngọt ngào và hướng ngoại, yêu thích ăn mặc như công chúa và chơi trò trang điểm.
Cô bé Lalani qua đời vào ngày 15/7/2021. Điều tra của cảnh sát xác định rằng cô bé tử vong vì thực hiện theo thử thách "Blackout" được lan truyền trên mạng xã hội TikTok.
Lalani được bố mẹ tặng cho chiếc điện thoại đầu tiên vào sinh nhật 8 tuổi và nhanh chóng "nghiện" xem các video trên TikTok. Cô bé thường xuyên đăng lên tài khoản của mình những video hát hoặc nhảy, với hy vọng có thể trở nên nổi tiếng trên TikTok.
Tháng 7/2021, gia đình bắt đầu phát hiện thấy trên cổ Lalani xuất hiện những vết bầm tím, mà cô bé giải thích rằng do tai nạn. Gia đình cô bé không hề hay biết Lalani đã tham gia thử thách "Blackout" mà cô học được trên TikTok. Vào ngày Lalani qua đời, cô bé đã giành nhiều giờ liên tục xem video trên TikTok và đăng tải video mình thực hiện thử thách "Blackout" lên trang cá nhân của mình.
"Cô bé tin tưởng rằng nếu mình đăng video quay cảnh thực hiện thử thách 'Blackout' thì có thể nổi tiếng trên TikTok, nên cô bé đã quyết định thử", đơn kiện viết. "Lalani chỉ mới 8 tuổi và không thể hiểu được mức độ nguy hiểm về những gì mà TikTok khuyến khích cô bé làm".
Nguyên đơn thứ 2 trong vụ kiện là gia đình của cô bé Arriani Jaileen Arroyo, 9 tuổi, đến từ thành phố Milwaukee (bang Wisconsin). Cô bé Arriani được sử dụng smartphone từ năm 7 tuổi và thường xuyên xem TikTok nhiều lần mỗi ngày. Cũng như Lalani, Arriani trở nên "nghiện" TikTok và thường xuyên đăng những video mình khiêu vũ lên nền tảng mạng xã hội này.
Vào tháng 1/2021, gia đình của Arriani đã cảnh báo cô bé về những thử thách nguy hiểm được lan truyền trên TikTok, nhưng Arriani đảm bảo với cha mẹ rằng cô bé sẽ không bao giờ tham gia các thử thách nguy hiểm này.
Tuy nhiên, vào ngày 26/2/2021, em trai 5 tuổi của Arriani đã phát hiện chị gái mình bất tỉnh trong tình trạng ngưng thở. Cô bé được nhanh chóng mang đến bệnh viện nhưng không qua khỏi. Nguyên do được xác định vì cô bé thực hiện theo thử thách "Blackout" được lan truyền trên TikTok.
"Không nghi ngờ gì nữa, TikTok biết rằng thử thách 'Blackout' nguy hiểm chết người đang lan truyền qua ứng dụng của mình và thuật toán của họ đang thúc đẩy nội dung thử thách này đến với trẻ em, bao gồm cả những người đã chết", đơn kiện cáo buộc.
Đặc biệt, trong đơn kiện của mình, SMVLC cũng đã liệt kê ra ít nhất 7 trường hợp trẻ em tử vong vì thực hiện theo thử thách "Blackout" trên TikTok. Ngoài trường hợp của 2 bé gái Lalani và Arriani ở trên, còn bao gồm một cậu bé 10 tuổi tại Ý tử vong vào tháng 1/2021; em bé 12 tuổi sống tại bang Colorado qua đời vào tháng 3/2021; em bé 14 tuổi tại Úc qua đời vào tháng 6/2021; em bé 12 tuổi tại bang Oklahoma qua đời vào tháng 7/2021 và một em bé 10 tuổi tại bang Pennsylvania qua đời vào tháng 12/2021.
Đơn kiện cũng đã liệt kê một số khiếu nại chống lại TikTok, bao gồm việc thuật toán của mạng xã hội này giúp quảng bá các nội dung có hại đến người dùng chưa đủ tuổi và không có thông điệp cảnh báo nào với người dùng hoặc người giám hộ về tính chất "gây nghiện" của ứng dụng.
Hiện TikTok chưa đưa ra bình luận gì về vụ kiện nhằm vào mình.
"Blackout" và những thử thách nguy hiểm chết người lan truyền trên TikTok
"Blackout challenge" (Thử thách mất ý thức tạm thời) là thử thách mà những người tham gia sẽ phải sử dụng một sợi dây bất kỳ để tự siết cổ mình (hoặc sử dụng bất kỳ hình thức nào để gây ngạt thở) cho đến khi rơi vào trạng thái mất ý thức tạm thời. Những người tham gia sẽ quay video quá trình thực hiện thử thách rồi chia sẻ lên mạng xã hội TikTok.
Đáng chú ý, đây không phải là thử thách nguy hiểm chết người duy nhất được lan truyền rộng rãi trên TikTok. Trước đó, nhiều thử thách và trò đùa nguy hiểm cũng đã được người dùng mạng xã hội này chia sẻ và lan truyền, trong đó có không ít trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra với những người tham gia thử thách.
Chẳng hạn như trò đùa có tên gọi "thử thách đồng xu" cũng đã được chia sẻ nhanh chóng trên TikTok khiến nhiều người lo ngại. Theo đó, những người tham gia thử thách này sẽ cắm củ sạc smartphone vào ổ cắm, rồi sử dụng một đồng xu thả vào khoảng hở giữa củ sạc và ổ cắm điện. Khi đó, đồng xu sẽ tiếp xúc với phần chân cắm bằng kim loại bị hở ra và gây nên hiện tượng tóe lửa do đoản mạch. Những người tham gia thử thách sẽ quay lại video hiện tượng xảy ra rồi chia sẻ lên TikTok.
Nhiều cơ quan chức năng cũng đã phải lên tiếng cảnh báo về "thử thách đồng xu" khi người thực hiện thử thách này có nguy cơ bị điện giật tử vong hoặc có thể gây ra hỏa hoạn.
Hay thử thách có tên gọi "Skullbreaker" (Thử thách "Vỡ hộp sọ") cũng đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội TikTok. Những ai tham gia thử thách sẽ đứng thành nhóm 3 người thẳng hàng theo chiều ngang, 2 người đứng ở 2 bên sẽ lừa người đứng giữa nhảy lên, sau đó sẽ đá mạnh vào hai chân của người đứng giữa khi họ vẫn đang ở trên không khiến người này bị ngã ngửa ra sau. Trên thế giới đã có nhiều trường hợp bị thương khi thực hiện thử thách "Skullbreaker". Thậm chí, có ít nhất một trường hợp đã tử vong vì trò đùa này; đó là một nữ sinh 16 tuổi đến từ Brazil, người đã bị ngã rồi chấn thương sọ não.
Sở dĩ mạng xã hội TikTok thường là nơi bắt nguồn và lan truyền những trò đùa nguy hiểm vì đây là mạng xã hội nhắm đến giới trẻ, là lứa tuổi thường thích thực hiện những trò đùa mạo hiểm mà không nghĩ tới hậu quả.
(Theo Dân Trí, T.G/WHM)
Thử thách chặn đầu xe tải gây chết người của TikTok
Ít nhất 2 người trẻ Indonesia đã thiệt mạng khi lao ra chặn đầu xe tải đang chạy theo thử thách “thiên thần của cái chết” (angel of death), theo Insider.