Đầu tháng 7/2022, thông qua một vài mối quen biết, nhóm phóng viên hẹn gặp Sơn (tên đã được thay đổi, sống ở ngoại thành Hà Nội). Sơn từng là trùm nấu cao hổ có tiếng và hiện là người có mối quen biết rộng rãi với các đầu mối cung cấp cao hổ mà theo ông ta nói là đảm bảo sẽ lấy được "hàng xịn".
Vốn là một trùm buôn gỗ từ Lào về Việt Nam, Sơn nhanh chóng nhận ra lợi nhuận khổng lồ từ việc vận chuyển và giết hổ, nấu cao. Thời gian đầu, Sơn nhận vận chuyển hổ theo xe gỗ. Sau đó, ông ta đầu tư "học phí khủng" để học hỏi những người có kinh nghiệm về cách nhận biết xương hổ, cách nấu cao.
"Cao hổ mang lại siêu lợi nhuận nên bị làm giả không ít. Chính vì vậy, những người có tiền thường rủ nhau chung chi, mua hẳn một con hổ về thuê người nấu cao rồi chia nhau", Sơn kể.
Bản thân ông ta cũng đã nhận được đơn hàng như thế. Sơn chia sẻ, sau khi nấu nhiều bộ xương khô, ông ta nhận được một đơn hàng nấu hổ tươi nhập từ Lào về.
Thịt hổ mổ ra, Sơn và những người làm cùng không ai dám ăn. Họ đem số thịt này vứt xuống một ao cá nhưng hôm sau đã thấy cá nổi lềnh phềnh.
Sơn không rõ, hổ nguyên con được ngâm tẩm hóa chất hay bảo quản ra sao để đưa về Việt Nam mà khi ném thịt xuống ao, cá ăn xong lại chết trắng.
Lần đầu tiên nấu cao từ xương tươi, Sơn thu được 4kg cao hổ. Sơn chi 50 triệu đồng "thưởng" cho nhóm người canh nồi cao suốt 7 ngày để đảm bảo hàng không bị bớt xén trước khi giao cho khách.
Nhiều năm làm trong "nghề", Sơn đúc rút được không ít kinh nghiệm nhận biết xương hổ thật/giả, nấu cao và thẩm định cao hổ.
Sơn bảo: "Xương sườn vặn như dây thừng thì không thể là xương hổ giả được. Có cố mài giũa, làm giả thế nào cũng không thể bằng cách vặn của tự nhiên được. Sáu đốt sống cổ của hổ có gai ngược, khác hẳn các loài khác.
Đặc biệt, bộ phận quan trọng nhất là bánh chè hổ (xương đầu gối) có hình mắt phượng. Mắt phượng này được coi là "chứng chỉ" nhận diện xương của loài hổ, bởi không loài nào khác có mắt phượng như thế.
Về cao hổ, Sơn tự nhận chỉ cần ngửi qua, ông ta có thể biết được đó là hàng thật hay hàng giả, pha trộn những loại gì.
Theo Sơn, không có một công thức cố định về tỷ lệ xương hổ và số cao thành phẩm bởi nấu cho ra bao nhiêu cao và chất lượng như thế nào đều là do người điều hành - ở đây là các trùm buôn.
Chính vì giá bán từ 15-40 triệu đồng một lạng cao trong khi nguồn cung hổ nguyên liệu khan hiếm, đắt đỏ nên những trùm nấu cao buộc phải tìm cách "phù phép" cho các nồi cao.
"Để gia tăng lượng cao mỗi lần nấu, ngoài xương hổ, họ sẽ "độn đủ thứ" xương chó, xương lợn, xương dê, xương trâu, bò… Những loại xương này trải qua hàng loạt thao tác tinh xảo, tỉ mẩn như đục, mài, cạo, giũa cho giống xương hổ (để qua mắt khi khách hàng cần kiểm tra), ngâm, rửa, khử mùi trước khi cho vào nồi.
Không chỉ có thế, nồi cao hổ có thể còn thường được chế thêm một ít bột can xi, bột trát tường... Hai loại bột này vừa làm tăng trọng lượng vào tạo hiệu ứng như cao hổ thật", Sơn tiết lộ.
Theo lý giải của Sơn, dân sành cao hổ thường kháo nhau cách "test hàng" (kiểm tra hàng) như sau: Rượu cao hổ thật khi lắc sẽ thấy vẩn trắng ở dạng huyền phù (nổi lơ lửng), sau đó thật lâu mới lắng xuống. Phần vẩn trắng này chính là xương hổ chưa tan hết. Nếu lắc mà vẩn trắng lắng xuống ngay là đó là bột can xi, bột trát tường.
"Đặc biệt, trong cao hổ không thể thiếu chất kích thích (thường là thuốc phiện). Thông thường dân nấu cao sẽ cho khoảng 3 "chỉ" thuốc phiện vào một nồi cao. Chính vì vậy mà khi dùng cao hổ, người dùng sẽ thấy "có tác dụng", thấy phê, thấy phấn chấn, bị đau thì cảm thấy bớt đau, ai yếu thì thấy khỏe, khoan khoái, quý ông uống vào lại muốn "yêu" vợ nhiều hơn, Sơn nói.
Chính nhờ những chiêu trò này mà các trùm buôn cao hổ có thể thu lời tiền tỷ dễ như chơi. Sơn kể, ông ta biết một trùm ở Bắc Giang gần như tuần nào cũng nấu cao hổ. Con gái của người này đi du học ở châu Âu, nhà sắm nhiều siêu xe, xây biệt thự, sân thể thao riêng…
Giá cao hổ đắt đỏ nên chỉ những người có tiền và thừa tiền mới tìm mua để dùng và biếu tặng như một món hàng thể hiện đẳng cấp. Chính vì vậy, những người này cũng sẽ đặt ra không ít yêu cầu khắt khe. Tuy nhiên, những tên trùm buôn cao hổ lâu năm thừa biết cách qua mặt.
Sơn cho hay, nhiều khách sẽ rủ nhau chung chi mua hổ nấu cao và lắp đặt hệ thống camera theo dõi toàn bộ quá trình nấu cao trong 7 ngày đêm. Nồi nấu có khóa cẩn thận. Tuy nhiên, từ xa, họ chỉ có thể quan sát được qua hình ảnh. Quá trình nấu cao phải chế thêm nước.
Người ta có thể pha thêm bột can xi, bột trát tường và đổ vào trong những lúc chế thêm nước như vậy. Ngoài ra, từ ống tay áo của người khuấy cao cũng có thể có những chiếc túi "bí mật" chứa bột can xi.
Khi họ khuấy cao, bột đó sẽ từ tay áo rơi xuống. Nếu chỉ nhìn qua camera thì sẽ không biết được thực tế thế nào. Về cơ bản, cao ra lò, người nấu cũng có đủ cách để bớt xén, bỏ túi trước khi giao lại cho khách.
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, thủ thuật của các đối tượng là luôn tạo ra… huyền thoại "chúa sơn lâm", dù các "ông bà" hổ chưa bao giờ đủ già để gọi là "ông", "ngài", cũng chưa bao giờ trông thấy rừng để được gọi là "chúa sơn lâm".
Khi PV Dân trí hỏi về nguồn hổ nấu cao, Sơn không ngần ngại tiết lộ: Hổ nấu cao là hổ nuôi ở trang trại bán hoang dã bên Lào về Việt Nam qua đường bộ và các hổ nuôi nhốt trái phép trong nước.
Hổ nuôi trái phép ở trong nước ít vận động, béo, nhiều mỡ, nên thường có giá thấp hơn hổ nhập ở Lào. Hổ ở Lào thường nhiều xương hơn nên khả năng sẽ nấu được nhiều cao. Tuy nhiên, cũng có con hổ xương nhiều nhưng thành xương mỏng.
Người đàn ông này kể, ở các trang trại này, hổ được cho ăn gà lợn thải loại từ các trang trại, hoặc thịt gia súc gia cầm chết vì dịch bệnh, hoặc thịt từ các sạp bán buôn thừa ế.
Hổ ở lẫn lộn, giao phối cận huyết bừa phứa rồi sinh con. Hổ được vận chuyển nguyên con hoặc cũng có thể chia nhỏ vận chuyển nhỏ lẻ nửa con hay 2/3 con một. Thường hổ sẽ bị moi hết ruột gan, bỏ bớt thịt chỉ giữ lại phần xương, đầu, bộ da (áo tơi) để khách lấy đó làm tin.
Một trùm buôn tiết lộ nếu không có "cửa" thì một cái lông hổ cũng không đi qua biên giới được, chứ đừng nói cả "chúa sơn lâm" to lớn và hung dữ thế kia. Nhưng bằng cách nào đó, hổ vẫn về Việt Nam.
Những kẻ buôn hổ con lẫn hổ trưởng thành đã bị bắt giữ rất nhiều trong thời gian qua, có cả Chủ tịch UBND xã ở tỉnh Thái Nguyên, thuê giết hổ tại nhà để nấu cao và bị bắt (tháng 1/2022). Các đường dây buôn bán hổ ở Điện Biên, Lai Châu bị bắt trong tháng 3/2022 này là sự thật nhãn tiền.
Nguồn cung cấp hổ con cho các làng nuôi hổ trái phép ở Việt Nam hầu hết là từ Lào, một số từ Thái Lan. Việc nuôi hổ cũng diễn ra hết sức tinh vi. Họ đào hầm tối, đóng kín bưng, giấu kĩ cả tiếng hổ gầm gừ trong lãnh địa dưới lòng đất.
Độc giả chắc hẳn vẫn còn nhớ, đàn hổ 17 con bị nuôi trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An được giải cứu hồi tháng 8/2021 đều được nuôi trong "ngục tối", ở dưới lòng đất. Chúng được cho ăn và cho sử dụng các loại thuốc kích thích để tăng trọng lượng khẩn cấp vì giá hổ hơi trên "chợ đen" có giá tới 7 triệu đồng/kg.
T. "hổ", bà trùm buôn hổ ở Cao Bằng cũng đã kể với phóng viên khi chúng tôi vào vai nhân viên đi mua hổ nấu cao biếu sếp. T. nói, thường thì họ mang hổ đông lạnh từ nước ngoài về chứ ít vận chuyển hổ nguyên con, vì có thể nó gầm dễ lộ, nuôi nấng "ông ba mươi" dọc đường cũng vất vả và nguy hiểm.
Giá hổ tươi nguyên con bao giờ cũng cao hơn nhiều so với hàng đông lạnh. Khi vận chuyển họ gây mê hổ, lúc giao hàng "ngài" tỉnh cho khách xem rồi hổ bị giết ngay sau đó, ném xương vào vạc lửa 7 ngày đêm.
Lúc làm ăn to và quen mối, khách và chủ ít khi yêu cầu có cả da, đầu, lông hổ mà chỉ cần bộ xương đã làm sạch để nấu cao. Họ cũng biết thịt hổ ngậm toàn hóa chất vận chuyển xuyên quốc gia nên sẽ không ăn loại thịt này.
"Vả lại, khi bắt được bộ xương hổ bị buôn bán sử dụng trái phép, cơ quan chức năng cũng khó, cũng ngại xử lý - nếu không có các "tín hiệu nhận biết quan trọng" là đầu, da, lông hổ đi kèm. Nếu bị bắt mà chỉ có mỗi nồi xương hổ hoặc xương đã nấu nhuyễn, không có da, đầu hay chân hổ, thì tôi đã an toàn tới 80%", T. nói.
Cứ như vậy, những miếng "cao hổ lốn" được đông đảo người rỉ tai nhau lén lút mua về rồi dùng từ năm nay qua tháng khác. Họ cứ nghĩ cao hổ xịn, tuyệt vời và phát huy tác dụng trứ danh.
Song thật ra, ngay cả cao hổ thật đi nữa cũng sẽ là hổ nuôi trong ngục tối, suốt đời "ngài" chưa thấy ánh mặt trời, cơ thể tẩm toàn hóa chất khi chăm sóc, khi giết mổ cấp đông và vận chuyển nên uống cao đó vào bổ béo đâu chưa rõ mà chỉ thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ không tốt tới sức khỏe.
Trong thời đại mạng xã hội bùng nổ, người bán người mua dễ dàng giao dịch, những trùm buôn lại như được "mọc thêm cánh" khi chỉ cần khéo léo quảng cáo, họ đã có thể dễ dàng tìm thấy nhiều "tín đồ" của cao hổ.
Càng nhiều người mua, họ càng có "động lực" mổ hổ, nấu cao, càng pha chế thêm nhiều phụ gia, xương chó, mèo, chất kích thích… để tăng lợi nhuận. Loài hổ quý hiếm vì thế ngày càng cạn kiệt và bị đối xử tệ bạc.
Nhìn nhận trong bối cảnh khi mà các bi kịch do dịch bệnh hiện nay đã khiến cả thế giới phải lao đao, thì ai cũng hiểu, vật chủ trung gian lây truyền các dịch bệnh (như Covid-19) là do chúng ta đã xâm hại động vật hoang dã, cao hơn, chúng ta làm đứt gẫy sự cân bằng của chuỗi sinh thái. Do đó, việc bảo vệ các loài hoang dã còn là bài toán an nguy của chính sức khỏe và tính mạng con người.
Việc khẩn cấp lúc này là cần sự chung tay hành động và giám sát của cả cộng đồng, cần vào cuộc liên tục và thực tâm hơn nữa, để bảo vệ các loài nguy cấp quý hiếm; cũng là bảo vệ chính cuộc sống của mỗi chúng ta.
(Theo Dân Trí)