"Vua" lá sương sâm
Theo lời giới thiệu của nhiều tiểu thương bán sương sâm tại chợ, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Nguyễn Quang Định - người được mệnh danh là "vua" lá sương sâm ở Quảng Nam.
Theo ông Định, sương sâm thuộc họ dây leo, trước đây mọc dại ở rừng núi. Ngày trước, người dân Quảng Nam thường đi tìm lá của cây này về làm thạch giải khát, nhưng chưa có người nào đưa về trồng.
Năm 2013, khi ông vào miền Nam để làm việc thì vô tình biết được mô hình trồng lá sương sâm. Thấy lạ mắt, lại mang hiệu quả kinh tế cao, nên ông quyết định mang giống về quê trồng thử nghiệm trên đất đồi khô cằn.
Sau một thời gian học cách chăm sóc, tưới tiêu, ông bất ngờ thấy loại cây này phát triển tốt, thích ứng với thời tiết nắng nóng ở địa phương và đặc biệt khả năng chịu hạn rất cao.
"Những ngày đầu, tôi trồng theo kinh nghiệm học từ miền Nam là chủ yếu, dần dần sáng tạo thêm để phù hợp hơn. Đến nay nói về kinh nghiệm trồng sương sâm, tôi rất tự tin mình nắm vững", ông Định nói.
Theo ông Định, sương sâm có ưu điểm là dễ trồng và chỉ sau một thời gian ngắn là có thể thu hoạch được. Đó là chưa nói đến việc trồng sương sâm trong thời gian càng lâu, thu hoạch thường xuyên sẽ giúp đọt non mọc nhanh, lá thu được nhiều hơn, cho năng suất cao.
Sương sâm là loại ưa nước nhưng không được tưới quá nhiều, tránh bị ngập úng. Nếu đất không tơi xốp và thoát nước thì bệnh hại có điều kiện phát triển mạnh, gây chết.
Ngoài ra, dọn gốc sạch để tránh sâu rầy trú ẩn, giúp đọt non ra nhiều và phải nắm bắt được thời điểm để cột dây sương sâm lên giàn, tránh trồng cây với mật độ dày để những lá phía dưới gốc không bị thiếu ánh sáng.
"Nếu chăm sóc tốt thì chỉ sau 5-6 tháng có thể thu hoạch. Dây càng lớn thì năng suất càng cao. Cây rất dễ trồng. Trong thời gian phát triển, cây cần được cung cấp đủ nước tưới, làm giàn chắc chắn là được", ông Định chia sẻ.
Mặt hàng không sợ bị ế
Với gần 10 năm "ăn ngủ" với cây sương sâm, ông Định đã tự tay thiết kế hệ thống tưới nước tự động và che gốc bằng bạt để hạn chế thoát hơi nước, hạn chế cỏ dại mọc.
Vườn sương sâm cũng được đầu tư, bố trí rất bài bản và khoa học. Mỗi gốc sương sâm đều trồng trụ sắt vững chắc. Hàng sương sâm cách nhau khoảng 0,5 mét, có rãnh thoát nước chống ngập úng.
Đặc tính của sương sâm là dây leo, để tiết kiệm diện tích, ông cũng thiết kế giàn leo bằng dây và đưa lên cao thay vì giàn trồng bằng trụ thấp ở dưới. Nhờ vậy, trên cùng một diện tích đất, ông có thể trồng nhiều dây sương sâm và dễ thu hoạch, tránh đổ ngã.
Hiện nay, gia đình ông Định đã đầu tư hơn 3.000 m² đất trồng cây sương sâm. Sắp tới, ông sẽ đầu tư trồng thêm 2.000 m² để cung ứng lá sương sâm ngược vào cho khách hàng ở miền Nam.
Theo ông Định, từ khi trồng loại cây này (từ 10 năm nay), chưa khi nào mặt hàng này bị ế ẩm. Sau khi có sản phẩm, khách hàng đến tận vườn thu mua chứ không phải mất công chở đi bỏ mối ở nơi xa.
Lá được xuất bán với giá từ 100.000-150.000 đồng/kg. Vào những tháng nắng nóng, người dân có nhu cầu giải nhiệt, làm mát cơ thể nên sương sâm có lúc "cháy" hàng.
"Lá đạt chất lượng thì khoảng 25 ngày sẽ được thu hoạch một lần. Bình quân 500 m2 vườn trồng, tôi thu được 200-300 kg lá. Với diện tích hiện tại, một năm tôi có thể thu được 20 tấn lá sương sâm, thu nhập khoảng 2 tỷ đồng", ông Định nói.
Bà Võ Thị Thu Vân (53 tuổi), tiểu thương bán sương sâm tại chợ Tam Kỳ cho biết, lá sương sâm của ông Định có tiếng tại nơi đây, vì không có thuốc trừ sâu nên được thị trường ưa chuộng.
"Một ngày, tôi có thể bán được một thau gần 10 kg thạch sương sâm. Lá sương sâm chỉ cần xay, giã nát với nước lọc rồi chờ kết đông. Thạch này có màu xanh tự nhiên làm xoa xoa, giải nhiệt rất tốt", bà Vân nói.
Một số hình ảnh về khu vườn trồng của ông Nguyễn Quang Định:
(Theo Dân trí)
Trồng loài sâm chỉ hái lá, cứ bán 1 ký lá giá 70.000 đồng
Tại ấp Ninh Quới, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) mô hình trồng cây sương sâm (còn gọi là cây lá sâm) theo hướng tập trung, an toàn của gia đình anh Trần Văn Hòa đã góp phần đáp ứng nhu cầu của thị trường.