- "Ngành y không được phép đào tạo cho "ra lò" những sản phẩm không đạt yêu cầu. Nếu đầu vào tuyển điểm thấp thì đầu ra phải có chất lượng..." Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định khi trao đổi với VietNamNet về hiện tượng "điểm thấp vẫn đậu ngành Y".
Năm 2012-2013, Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) năm đầu tiên tuyển
sinh ngành Bác sĩ đa khoa (khối B) với điểm chuẩn là 17 điểm và dược sĩ (khối A,
B) 15 điểm; Trường ĐH Hồng Bàng ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật y học (xét nghiệm y
khoa) bậc ĐH có điểm chuẩn NV1 bằng sàn khối B 14 điểm. Trường ĐH
Tây Đô (Cần Thơ) ngành Dược sĩ ĐH (khối A, B) và Điều dưỡng (khối B) đều có điểm
chuẩn trúng tuyển bằng sàn. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngành Điều dưỡng bậc
ĐH (khối B) và bậc CĐ các ngành Dược học, Kỹ thuật y học và điều dưỡng điểm
chuẩn NV1 cũng bằng sàn.... |
- Thưa Thứ trưởng, Dự án nghiên cứu, đánh giá cấp quốc gia về thực trạng công tác đào tạo và nhân lực y tế đã được khởi động. Xin ông cho biết việc làm này xuất phát từ những lí do nào?
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Có mấy vấn đề dự án cần tập trung đó là xem xét việc đào tạo về số lượng đã phù hợp chưa. Hiện nay chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực của ngành y tế, nhưng những chuyên khoa thiếu hết sức nghiêm trọng như chuyên khoa lao, giải phẫu bệnh, pháp y, tâm thần,...được tập trung nhiều hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. (Ảnh: Văn Chung) |
Thêm nữa, dự án cũng xem xét đến việc đào tạo hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu công việc chưa. Người được đào tạo sau thời gian bao lâu họ mới làm tốt được công việc chuyên môn của mình. Bởi, thực tế có người mới ra trường đã có thể làm chủ công việc nhưng có người mất từ 4 đến 5 năm hoặc hơn.
Từ đó sẽ có số liệu tổng hợp sinh viên tốt nghiệp trường này đáp ứng công việc nhanh hơn, tốt hơn còn trường kia lại kém hơn. Dựa vào các tiêu chí khác nhau để xếp hạng chất lượng đào tạo của các trường.
Dự án cũng thẩm định xem chương trình đào tạo như vậy đã phù hợp chưa? Có thể trước đây cách dạy và học như thế này là phù hợp nhưng bây giờ có các công nghệ mới, bệnh tật mới thì cần sửa chữa hay thay đổi, bổ sung như thế nào....
- Như vậy, chất lượng nguồn nhân lực ngành y đã được Bộ đưa vào tầm ngắm để đưa ra những giải pháp thực hiện. Ông có suy nghĩ gì trước việc các trường ngoài công lập cũng bắt đầu tham gia đào tạo các ngành y?
Việc thiếu nhân lực y tế là rõ ràng. Nguồn nhân lực hiện nay đa số do các trường công đào tạo. Tuy nhiên, không phải vì thiếu mà tăng số lượng lên một cách dồn dập. Bởi cũng chỉ với số lượng thầy như vậy thì không thể tăng số lượng trò lên quá nhiều. Cơ sở cũng không đủ để đáp ứng cho số lượng quá lớn.
Giờ có trường tư đảm bảo được những yêu cầu này thì rất tốt. Thậm chí ở các nước còn có cạnh tranh nhau là điều đáng mừng để khẳng định sản phẩm của trường A, trường B là tốt và có những trường chưa tốt. Các trường phải tính toán nhu cầu, điểm đầu vào và khả năng đào tạo để đảm bảo tốt nhất việc dạy và học.
Dự án nghiên cứu như đã nói vì thế phải chỉ rõ số lượng cần thiết cho từng ngành là bao nhiêu để đào tạo nguồn nhân lực không lãng phí.
- Ông có đồng quan điểm khi xã hội nhìn nhận, nhân lực y tế liên quan đến chăm sóc sức khỏe, tính mạng của con người nên phải đào tạo tinh hoa và có chất lượng. Đứng trước thực tế, điểm đầu vào của thí sinh thi ngành y vào nhiều trường chỉ bằng hoặc hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT một chút (khối B: 14 điểm). Điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?
Hiện nay vì cơ chế thị trường nên thí sinh có thể không đỗ trường công thì vào trường tư. Song không phải đáng lo ngại đến thế. Các trường tư tuyển những đối tượng đó, tôi cho cũng là được. Họ không phải quá kém và họ có khả năng tiếp cận kiến thức được đào tạo trong nhà trường.
Các sinh viên năm nhất Trường ĐH Y Hà Nội thực hành tại phòng thực tập của khoa Hóa học. (Ảnh: Văn Chung) |
Những trường mới mở không bao giờ họ muốn làm mất uy tín, bán đi thương hiệu của họ đâu. Tôi hi vọng, chất lượng đào tạo trong tương lai không chỉ ngang ngửa mà có trường tư sẽ phát triển hơn các trường công giống như bên Mỹ.
Nếu cho rằng đào tạo ở trường tư không tốt chỉ là cảm nhận và cần những đánh giá chi tiết.
- Để đánh giá không cảm tính, theo ông công tác kiểm định chất lượng cần sự phối kết hợp thế nào giữa Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT?
Sự phối kết hợp giữa hai Bộ hiện vẫn duy trì. Cụ thể, một số trường đào tạo ĐH y đang do Bộ GD-ĐT quản lí ví dụ Trường ĐH Y Thái Nguyên, Trường ĐH Y dược Huế. Hoặc trường do Bộ Y tế quản lí nhưng bằng cấp do Bộ GD-ĐT cấp. Đó là sự kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả.
Với trường nào cũng thế, muốn mở ngành đào tạo thì phải có thẩm định đã đủ điều kiện hay chưa. Kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra khi có sự cố. Nếu không đạt yêu cầu thì đóng cửa.
Tôi là ủng hộ sự tham gia của các trường tư. Nhưng phải làm nghiêm túc, không được phép đào tạo ra sản phẩm kém chất lượng, không sử dụng được.
Với ngành y, quá trình học kéo dài 6 năm. Dù đầu vào là 14 hay 15 điểm nhưng anh có quyết tâm và ý chí vươn lên thì vẫn học tốt được. Ở Mỹ, tuyển đầu vào không quá khắt khe, nhưng quá trình học sẽ sàng lọc theo hình chóp, càng lên cao càng nhỏ dần. Còn ở Việt Nam, đầu vào và đầu ra chênh nhau không đáng kể - đó mới là vấn đề đáng ngại.
- Xin cảm ơn ông!
- Văn Chung (thực hiện)