- Nhà nước muốn giảm thời gian làm TTHC, nhưng số lượng thủ tục lớn, cán bộ không thể đáp ứng thời gian, đành "sai luật để không sai hẹn", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà phản ánh cái khó của cải cách TTHC.

Dân chỉ muốn không phải đi xin

Tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử hôm nay (28/8) ở Hà Nội, Bộ Nội vụ cho biết đang triển khai đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cải cách TTHC. Mục tiêu là đạt 60% năm 2015, 80% năm 2020.

{keywords}
Cần ứng dụng CNTT trong đánh giá sự hài lòng của dân về TTHC. 
Ảnh: Chung Hoàng

Theo ông Lê Mạnh Hà, việc đánh giá này khó thực chất vì mặc dù Chính phủ chỉ đạo giảm TTHC, giảm xin - cho, nhưng thực tế không giảm bao nhiêu mà còn tăng.

"Chúng ta đang cố gắng để người dân hài lòng với 100 thủ tục đang có, song người dân sẽ hài lòng hơn cả nếu chỉ phải làm 1-2 thủ tục. Vì cả khi 100 thủ tục đã thuận tiện, mà cán bộ vẫn nhũng nhiễu thì cũng như nhau", ông Hà nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: "Người dân đi đâu cũng phải xin, mà cứ xin là có tiêu cực. Đã tiêu cực thì đánh giá cách gì người dân cũng không hài lòng. Người dân muốn không phải đi xin là tốt nhất".

Ông Lê Mạnh Hà cũng phản ánh: Nhà nước đang CCHC bằng cách rút ngắn thời gian làm thủ tục, nhưng với nhiều thủ tục như vậy, thực sự cán bộ địa phương không thể đáp ứng yêu cầu về thời gian.

"Nhiều cán bộ đành 'sai luật để không sai hẹn': Hẹn dân, doanh nghiệp hẳn 60 ngày để hoàn thành thủ tục, còn hơn cứ hẹn đúng 10 ngày như luật định để rồi họ đến mà chưa có kết quả, phải khất, phải hẹn lại 10 ngày nữa", ông Hà nói.

Cho rằng người dân không quan tâm đến quy trình TTHC mà chỉ quan tâm đến kết quả, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định: Chính quyền "nói dối" là điều dân và doanh nghiệp sợ nhất.

Góp ý cho việc đánh giá sự hài lòng của dân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Thái Vĩnh Liệu kiến nghị ứng dụng CNTT: "Trước làm bằng phiếu, kết quả thường cao vì dân vị nể, sợ mất lòng cán bộ. Làm trên mạng, dân không còn ngại, nói thật lòng hơn".

"Phá hoại" nỗ lực của địa phương?

Cũng câu chuyện ứng dụng CNTT trong CCHC, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ: Thành phố đã làm từ 10 năm nay, nhiều thủ tục đã đạt mức người dân không phải đến cơ quan nhà nước. Tuy vậy, dân vẫn chưa thấy tác dụng của CCHC với đời sống.

{keywords}
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà: Quan chức nói còn không nghe, dân biết nói với ai. Ảnh: Chung Hoàng

"TP.HCM có lúc tưởng đã đi đầu, lại bị 'đánh' thụt lùi, do lỗi của các bộ, ngành trung ương", ông Hà bức xúc. "Thành phố đã triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng rất hiệu quả, nhưng sau đó Bộ Kế hoạch - Đầu tư 'áp' phần mềm dùng chung đến tất cả các địa phương, làm sụp đổ cách làm của thành phố, phá hoại những gì đang làm tốt, được người dân, doanh nghiệp ủng hộ".

"Hiện TP.HCM không đăng ký kinh doanh qua mạng được nữa, phải làm trên phần mềm của Bộ, thông tin phải xin bên ngoài về. Việc này ảnh hưởng rất lớn vì thành phố không có thông tin để chỉ đạo điều hành", ông Lê Mạnh Hà chỉ ra.

Ông Phạm Kim Sơn, GĐ Sở Thông tin - Truyền thông Đà Nẵng cho biết cũng "ngỡ ngàng" với phần mềm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

"Trong giáo dục cũng vậy, có một phần mềm quản lý tốt do một tập đoàn viễn thông lớn cung cấp miễn phí, nhưng Bộ Giáo dục - Đào tạo không cho Đà Nẵng dùng", ông Sơn nói.

Ông Lê Mạnh Hà kiến nghị "không nên áp đặt từ trên xuống, thiếu căn cứ thực tiễn, không nên phủ nhận sạch trơn nỗ lực của địa phương".

Nhưng việc tiếp thu đối với bức xúc này của TP.HCM vẫn chưa rõ vì "họ vẫn im lặng".

"Cứ nói là lắng nghe ý kiến người dân, nhưng đến quan chức nói mà việc nghe còn hạn chế, thì dân biết nói cho ai nghe", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định.

Chung Hoàng