Thủ tướng đề nghị Bộ Công an làm rõ ngoài các hành vi cố ý làm trái, cần điều tra dấu hiệu tham nhũng trong vụ Vinashin để xử lý.

>> Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 (VACI)

Ngày 6/4, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp phiên thứ 14 đánh giá công tác quý I.

Theo Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Vũ Tiến Chiến, hai tháng qua, 52 tỉnh, thành trên cả nước không khởi tố, phát hiện được vụ tham nhũng nào. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo, cho rằng cần cẩn trọng phân tích bởi không thể chỉ dựa trên con số vụ việc được phát hiện xử lý nhiều hay ít để đánh giá tham nhũng tăng hay giảm. “Riêng với những việc đã phát hiện thì phải khẩn trương xử lý, bởi thực tế rất nhiều vụ bị kéo dài, hồ sơ trả đi trả lại nhiều lần, gây băn khoăn, nghi ngờ trong dư luận”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Vẫn khó xác định, xử lý người đứng đầu

Theo Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh, thành viên Ban chỉ đạo, trong công tác PCTN, khâu yếu hiện nay vẫn là xác định và xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Nhắc lại ví dụ điển hình là vụ Vinashin, ông Lê Hồng Anh cho rằng quá trình xử lý đến giờ vẫn chưa xác định được trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. “Bộ Công Thương quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, Bộ Nội vụ quản lý về công tác cán bộ thì phải có trách nhiệm gì trước việc Vinashin mua tàu cũ, việc cán bộ chủ chốt Vinashin sai phạm chứ!”.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với ông Nguyễn Đình Phách, người mới được bổ nhiệm làm chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng. Ảnh: Pháp luật TP.HCM


Đây cũng là băn khoăn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông nói nghị định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu ban hành từ lâu rồi nhưng đến nay áp dụng thực tế vẫn rất nhùng nhằng. Chẳng hạn tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở đơn vị thuộc sở thì giám đốc sở hay chủ tịch tỉnh là người đứng đầu? Nếu ở cấp cao hơn, thì chủ tịch tỉnh hay bí thư tỉnh mới là người đứng đầu?

Vụ tiền polymer: Đợi kết quả điều tra từ Úc
Các nghi vấn liên quan đến in tiền polymer, báo chí nước ngoài có nêu và ta mới chỉ có thông tin từ kênh này. Tôi đã giao Bộ Ngoại giao trực tiếp làm việc với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Úc đề nghị cung cấp thông tin. Họ trả lời chính thức là vụ việc đang điều tra, chưa có kết luận nên chưa thể cung cấp gì cả.
              Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nhắc lại vụ Vinashin, Thủ tướng nói: “Cơ quan điều tra đã phát hiện ở đây có hành vi cố ý làm trái. Còn các bộ được giao nhiệm vụ giám sát, kiểm tra thì lại không phát hiện việc làm trái này. Như thế, trách nhiệm là ở các bộ. Còn tôi là người đứng đầu Chính phủ có trách nhiệm vì các thành viên Chính phủ làm chưa tốt. Tôi nhận trách nhiệm trước dân, trước Quốc hội, trước Đảng là như thế”.

Làm trái vì hoa hồng?

Thủ tướng đề nghị Bộ Công an làm rõ ngoài các hành vi cố ý làm trái, cần điều tra dấu hiệu tham nhũng trong vụ Vinashin để xử lý. “Tôi không võ đoán nhưng việc mua tàu Hoa Sen, Thủ tướng đã có văn bản là không cho, thế mà hai năm sau vẫn mua về. Vậy có phải vì hoa hồng mà làm trái không? Việc mua nhà máy nhiệt điện cũ về đắp chiếu cũng vậy, có tham nhũng không?”, ông nhấn mạnh.

Với vụ Nông trường Sông Hậu, Thủ tướng chỉ đạo điều tra làm rõ mọi sai phạm, không vì nhân thân tốt của bị can mà “khoanh vùng” ngay từ khâu điều tra. Theo đó, mọi sai phạm cần được chỉ rõ, công khai; việc cân nhắc về nhân thân như tình tiết giảm nhẹ chỉ thực hiện khi xét xử.

Thủ tướng kết luận Ban chỉ đạo trung ương về PCTN trong thời gian tới cần đánh giá kết quả năm năm triển khai Nghị quyết Trung ương 3 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong PCTN, lãng phí. Qua đó có kiến nghị cụ thể để hoàn thiện thêm cơ chế xác định trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, đề xuất thêm về vấn đề kê khai, công khai tài sản; về áp dụng biện pháp đặc biệt trong điều tra tội phạm tham nhũng.

Thủ tướng nhấn mạnh PCTN thời gian tới phải tập trung phục vụ công tác bầu cử, không để người liên quan đến tham nhũng lọt vào Quốc hội, HĐND.

Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2011 với chủ đề: “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả” sẽ hỗ trợ kinh phí trực tiếp ít nhất 20 ý tưởng khả thi nhằm phòng chống tham nhũng theo chủ đề trên để thực hiện, mỗi khoản tài trợ lên tới 290 triệu đồng.      

Tất cả cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể ở cấp địa phương đều có thể gửi đề án tham gia chương trình. Vòng chung kết cuộc thi và diễn đàn Trao đổi tri thức - hai hoạt động chính của chương trình - sẽ được tổ chức ngày 18-19/8/2011 tại Hà Nội.

VACI do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các nhà đồng tài trợ: Chương trình Viện trợ phát triển Australia (AusAID), Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID-UK), Đại sứ quán Bỉ, Đại sứ quán Phần Lan và Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, mang tới môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người.

Theo Pháp luật TP.HCM,Tuổi Trẻ, TTXVN