- Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ đọc trước QH chiều 21/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  nói ,bài học điều hành rút ra trong nhiệm kỳ đó là phải chủ động và kịp thời xử lý mọi khó khăn phát sinh, khắc phục tình trạng dựa dẫm, trông chờ làm mất cơ hội.

5 năm: Tiềm lực kinh tế tăng

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, đây là nhiệm kỳ nhiều khó khăn, thách thức song Chính phủ đã tập trung lãnh đạo mang lại sự ổn định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Long Anh
Dù bị tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, song tăng trưởng kinh tế  giai đoạn 2006 - 2011 vẫn ở mức cao, 7%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD, vượt so với mục tiêu đề ra.

Quy mô, tiềm lực kinh tế 5 năm qua đã tăng lên. Chẳng hạn, quy mô DN tăng gấp 2 lần, vốn đăng ký tăng gần 6 lần. DNNN mà nòng cốt là các Tập đoàn và Tổng công ty đã đạt mức tăng trưởng bình quân 10%/năm. Các dịch vụ tài chính hoạt động sôi nổi, thị trường chứng khoán phát triển nhanh. Tổng vốn hóa thị trường chứng khoán có tổ chức vào cuối năm 2010 tương đương 40% GDP...

Trong suốt nhiệm kỳ, Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí như ban hành quy định về công  khai, minh bạch tài sản, đưa ra xét xử nhiều vụ việc tham nhũng mà dư luận quan tâm. "Đặc biệt, đã phát huy vai trò của nhân dân, báo chí trong giám sát, phản biện và đấu tranh với tham nhũng, lãng phí", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng phân tích một số yếu kém cần khắc phục về xây dựng thể chế, hiệu quả quản lý, bất cập trong văn hóa xã hội, cải cách hành chính và đối ngoại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái). Ảnh: Long Anh
Chẳng hạn, cơ chế quản lý đất đai vẫn bất cập. Các định chế tài chính, nhất là ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm vẫn chưa đủ mạnh. Thị trường tiền tệ, vàng chưa quản lý tốt. Việc kiểm tra, giám sát các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty nhà nước chưa đạt yêu cầu. Quản lý điều hành kinh tế vĩ mô chưa hiệu quả, còn lúng túng trong đảm bảo cân đối vĩ mô.

Dù Chính phủ xác định mục tiêu cải cách hành chính quyết liệt song bộ ngành được sáp nhập mà chưa giảm được biên chế cũng như giảm cấp phó. Đáng chú ý, vẫn chưa khắc phục được nguyên nhân cơ bản làm phát sinh tham nhũng, lãng phí.

Trong lĩnh vực xã hội, môi trường, Thủ tướng cũng thừa nhận nhiều hạn chế có tính chất cơ bản đã kéo dài nhiều năm như tinh trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khai khoáng ồ ạt. Những nguyên nhân trên đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người dân và chất lượng tăng trưởng chung.

Không mất phương hướng hành động

Từ thực tiễn trên, Thủ tướng đã rút ra bốn bài học về chỉ đạo để làm kinh nghiệm cho điều hành nhiệm kỳ tới.

Bài học đầu tiên đó là "tất cả vì lợi ích đất nước, nhân dân, quán triệt sâu sắc và thực hiện sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, bám sát chức năng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ". Chỉ có như vậy mới chủ động và kịp thời xử lý đúng đắn mọi khó khăn phát sinh, khắc phục tình trạng dựa dẫm, trông chờ làm mất cơ hội.

Các ĐBQH sẽ có phiên thảo luận tổ đánh giá báo cáo của Thủ tướng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Chẳng hạn, phải kiên trì thể chế kinh tế thị trường, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng.

Bài học thứ hai là kiên trì thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi giải quyết nhiệm vụ trước mắt phải kết hợp với tạo lập tiền đề dài lâu và bền vững.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu cao bài học coi trọng tinh thần trách nhiệm và đồng thuận xã hội. "Chỉ có tinh thần trách nhiệm cao, hành động khẩn trương, quyết liệt và tạo đồng thuận xã hội thì mới đạt kết quả", ông Dũng nói.

Bài học thứ tư là nghiêm túc quan điểm tập trung dân chủ, tạo đoàn kết để thống nhất và chung sức đồng lòng vượt khó. Theo Thủ tướng, phải phát huy tinh thần làm việc dân chủ, tập thể trong việc chuẩn bị các quyết định. Đồng thời coi trọng phản  biện xã hội, lắng nghe ý kiến nhân dân và cá chuyên gia. Tuy nhiên, dân chủ phải đi liền với tập trung, đề cao trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng khi lựa chọn và quyết định chính sách. Tránh tình trạng do dự, làm mất phương hướng hành động.

Thủ tướng cũng đề xuất với QH một số kiến nghị cho nhiệm kỳ tới. Trong đó, quan trọng nhất là sớm nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp. Từ đó sửa đồng bộ các luật về tổ chức để bảo đảm quyền dân chủ cũng như làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của hệ thống các cấp.

Trong điều kiện kinh tế đã vận hành theo cơ chế thị trường, Thủ tướng đề nghị QH giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm chủ động điều chỉnh một số chỉ tiêu cụ thể, báo cáo với QH tại kỳ họp gần nhất.


Trao đổi với báo chí về kết quả thanh tra sai phạm ở Vinashin, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho hay, hiện Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành việc thanh tra tại tập đoàn Vinashin nhưng đang đợi thông tin giải trình từ phía Tập đoàn.

Ông Truyền nói, tinh thần chung là thanh tra sẽ làm việc nguyên túc, thận trọng khách quan, chính xác và không bị tác động bởi bất cứ ý kiến nào. Trên cơ sở kết luận cuối cùng mới quy trách nhiệm của Vinashin cũng như trách nhiệm của các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, theo các kết quả thanh tra cho đến nay, tình hình sai phạm ở tập đoàn này về cơ bản đúng như Chính phủ và Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận.

"Số liệu có thể tăng lên hay giảm xuống nhưng vấn đề trách nhiệm đến đâu, của ai thì có lẽ kết luận của Thanh tra cũng giống với các kết luận đã có, không khác lắm. Chỉ khác một số yếu tố như bản thân đơn vị có nhiều cái họ đã làm sai, vừa qua các cơ quan chức năng cũng đã xem xét rồi nhưng sau một quá trình tìm hiểu đã nảy sinh thêm một số vấn đề. Mọi chuyện sẽ được quyết định sau khi có kết luận thanh tra", ông Truyền nói.

Lê Nhung