Ngày 27/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020. Theo đó, trong thời gian này, VNPT và Viettel sẽ hoàn thành việc tái cấu trúc trong hoạt động viễn thông nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.
VNPT và Viettel sẽ bắt đầu tái cấu trúc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. |
Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ đường dây thuê bao cố định đạt 20-25 đường dây/100 dân; tỷ lệ thuê bao Internet băng thông rộng cố định 15-20 thuê bao/100 dân; tỷ lệ băng thông rộng di động 35-40 thuê bao/100 dân.
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 40-45% tỷ lệ hộ gia định sử dụng điện thoại cố định; 35-40% tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet, và 55-60 tỷ lệ người sử dụng Internet.
Phủ sóng thông tin di động đến trên 95% dân số cả nước, các tuyến đường giao thông, quốc lộ, tỉnh lộ, các điểm trọng yếu kinh tế, quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, Thủ tướng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng viễn thông phải đạt khoảng 1,2-1,5 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Tổng doanh thu viễn thông đạt từ 15-17 tỷ USD, chiếm khoảng 6-7% GDP.
Quyết định cũng yêu cầu cơ cấu lại thị trường viễn thông trên cơ sở tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, theo hướng cho phép chuyển giao, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp viễn thông nhằm hình thành 3-4 các tập đoàn, tổng công ty mạnh, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả hạ tầng, nguồn lực, và tài nguyên viễn thông.
Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc tập trung kinh tế, và việc quản lý, phân bổ nguồn lực tài nguyên viễn thông một cách hợp lý để chống xu hướng độc quyền hóa trong hoạt động viễn thông.
Đặt biệt Thủ tướng khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông “vươn” ra thị trường nước ngoài.
Việc tái cấu trúc các tập đoàn lớn, như VNPT đã được bàn đến từ nhiều tháng nay. Và, Quyết định mới của Thủ tướng yêu cầu đến năm 2020 phải hoàn thành việc tái cấu trúc VNPT và Viettel trong hoạt động viễn thông nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Quyết định bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10 tới.
Trước đó, tại đề án tái cấu trúc của VNPT, tập đoàn này chủ trương hợp nhất MobiFone và VinaPhone thành Tổng công ty Thông tin di động VNPT (gọi tắt là VNPT - Mobile). VNPT đề nghị không cổ phần hóa MobiFone, thay vào đó, sẽ cổ phần hóa toàn bộ VNPT cùng các công ty chủ lực sau năm 2015. Tập đoàn này cho biết sau khi đề án tái cấu trúc được Thủ tướng phê duyệt sẽ làm công tác chuẩn bị, triển khai các nội dung công việc để hình thành bộ máy tổ chức trong VNPT.
Trong khi đó, tại báo cáo chuyên đề về tái cơ cấu Viettel đến năm 2015 , Viettel cho biết sẽ tái cấu trúc “theo cách riêng” là tiếp tục áp dụng mô hình, cơ cấu tổ chức quản lý gồm tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc. Viettel sẽ không lựa chọn mô hình hội đồng thành viên hay chủ tịch công ty để quản lý, điều hành như nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện nay.
Theo Khôi Linh - Dantri