- Sáng 14/11, đại biểu QH, Hòa thượng Thích Thanh Quyết đặt câu hỏi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thủy
điện, Chính phủ có giải pháp gì, cơ bản nào để khắc phục khiếm khuyết của thủy
điện.
>> Thủ tướng: Đảng hiểu rõ về tôi
Thủ tướng trả lời:
Trong kỳ họp QH này, Chính phủ đã có báo cáo về việc đầu tư, phát triển thủy điện. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có trình bày, giải trình. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng đã có trình bày. Tôi xin nói mấy ý kiến sau:
Trước hết, thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo,
tiềm năng lớn của đất nước. Đảng và NN ta chủ trương nhất quán khai thác sử dụng,
phát huy tiềm năng, lợi thế này để đáp ứng cho yêu cầu sản xuất, đời sống của
nhân dân, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết chất vấn Thủ tướng sáng 14/11. Ảnh: Minh Thăng |
Thời gian qua, thực hiện chủ trương này, chúng ta đã đạt một số kết quả quan trọng. Thủy điện đã đóng góp cho tổng sản lượng điện của cả nước đến hôm nay là 41% tổng sản lượng, công suất thủy điện phát điện là 47%, là rất lớn. Những năm qua chúng ta đủ điện, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhu cầu đời sống của nhân dân có đóng góp lớn của thủy điện.
Khi chủ trương khai thác xây dựng thủy điện, Đảng và Nhà nước ta, mà trực tiếp là Chính phủ cũng đề ra mấy yêu cầu:
Thứ nhất, trước hết phải đảm bảo yêu cầu an toàn về hồ đập, an toàn tính mạng của nhân dân. Đây là yêu cầu cao nhất. Dù hiệu quả tới đâu, nhưng không đáp ứng yêu cầu này thì không làm, là an toàn.
Thứ hai, khi xây dựng thủy điện phải đảm bảo cho được chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là di dân tái định cư đến nơi ở mới là phải điều kiện là từng bước có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.
Thứ ba, không tác động lớn, không tác động xấu đến môi trường sống. Chúng ta hết sức chú ý môi trường.
Thứ tư, phải đảm bảo hiệu quả phát điện và hiệu quả tổng hợp của dự án thủy điện, cả hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường.
Và một yêu cầu thứ năm tôi luôn nhắc các Bộ chức năng, trong việc này, muốn đảm bảo 4 yêu cầu trên là phải nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong lập dự án, xây dựng dự án, thẩm định, quá trình thi công, xây dựng cho tới vận hành phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Trên tinh thần đó, có thể nói, chúng ta cũng đã đạt được các kết quả tích cực như tôi trình bày ở trên nhưng cũng đã nảy sinh khiếm khuyết, bất cập mà dư luận nêu, ĐB nêu chất vấn tại phiên họp lần này.
Chính phủ trong các phiên họp trước đã thảo luận, chỉ đạo tập trung chỉ đạo với những chủ trương lớn thế này:
Thứ nhất, Chính phủ yêu cầu rà soát toàn bộ quy hoạch thủy điện trong cả nước. Bộ trưởng Công thương đã trình bày. Đã tiến hành rà soát lần thứ hai, rà soát lại xem quy hoạch có phù hợp, dự án nào trong quy hoạch nếu không đảm bảo các yêu cầu nêu trên thì loại bỏ khỏi quy hoạch. Tinh thần là phát huy tiềm năng lợi thế để xây dựng phát triển đất nước, nhưng nếu không đảm bảo yêu cầu nêu trên, tức không có lợi, tức lợi bất cập hại thì loại khỏi quy hoạch. Qua hai lần rà soát thì đồng chí Bộ trưởng Công thương báo cáo với tôi đã đưa ra khỏi quy hoạch 107 dự án, hôm qua đồng chí Bộ trưởng đã trình bày trước Quốc hội. Tôi đã tiếp tục yêu cẩu rà soát một cách nghiêm túc, căn cứ vào tiêu chi, yêu cầu Chính phủ đưa ra để rà soát, không chỉ trung ương và các tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại quy hoạch. Đó là chủ trương chúng tôi đã làm và đang làm rà soát quy hoạch.
Thứ hai, quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới các dự án thủy điện. Các dự án thủy điện dù đã có trong quy hoạch nhưng khi lập dự án, thẩm định dự án, quyết định cho phép đầu tư phải được thẩm định chặt chẽ. Như dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6. Dự án này là tiềm năng thủy điện lớn, được đưa vào quy hoạch nhưng khi xây dựng dự án phải được tiến hành thẩm định một cách chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Nếu không đạt các yêu cầu như tôi trình bày trên thì không làm.
Thưa các ĐB Đồng Nai, nhân đây tôi trình bày luôn, là với tinh thần đó, dự án này đang ở khâu là Bộ Tài Nguyên và Môi trường lập hội đồng để thẩm định về đánh giá tác động môi trường và sau khi thẩm định sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Xin báo cáo đại biểu, với các yêu cầu tôi trình bày, cái nào không đảm bảo, tác động xấu đến môi trường, không đảm bảo được 5 yêu cầu nêu trên thì không làm. Tức quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới, cơ quan chức năng phải thẩm định nghiêm túc và chịu trách nhiệm về sự thẩm định của mình, cơ quan quyết định cho phép cũng phải chịu trách nhiệm về việc cho phép của mình, mà phải đảm bảo các yêu cầu Chính phủ đề ra như tôi trình bày.
Thứ ba, rà soát lại tất cả các dự án thủy điện hiện có. Hiện có rồi phải rà soát lại với tinh thần không đạt yêu cầu cũng phải có phương án xử lý. Cụ thể mấy việc tôi yêu cầu các đồng chí rà soát thế này: một, hồ đập có an toàn không, không an toàn phải dừng lai sửa chữa, bổ sung. Không an toàn dứt khoát không làm. Hai, rà soát tái định cư, tái định cư giờ dân sống thế nào, nếu chưa đạt yêu cầu Đảng và Nhà nước đề ra là có điều kiện sống tốt hơn là phải đề xuất cơ chế, chính sách cơ chế đặc thù như Chủ tịch QH hôm qua nói. Việc này đang làm, đã có chính sách cụ thể rồi nhưng các địa phương nói chưa đủ, chúng tôi đang làm để đạt yêu cầu đặt ra. Rà soát việc trồng rừng các chủ đầu tư cam kết. Vì khi lập dự án, các chủ đầu tư đều cam kết là sẽ đầu tư trồng lại rừng. Nhưng giờ tỉ lệ đạt thấp như ĐB ở Quảng Nam nêu. Giờ làm việc cụ thể với các dự án, do thiếu đất hay có đất không làm, có đất không trồng rừng thì buộc phải làm. Còn thiếu đất thì tính toán yêu cầu nộp tiền để trồng ở địa phương khác. Không biết hôm nay các đồng chí thực hiện đến đâu, tôi chưa kiểm tra lại việc này nhưng tinh thần là như thế.
Việc thứ ba, rà soát cái đang hiện có, là phải rà soát từng hồ thủy điện, hồ thủy lợi phải có quy trình vận hành hồ chứa. Nếu trên một dòng sông mà có nhiều đập thủy điện thì phải có quy trình vận hành liên hồ chứa. Làm sao bảo đảm tiêu chí đề ra là cắt lũ, góp phần chống lũ, rồi điều tiết nước, đáp ứng điều tiết nước cho sinh hoạt, sản xuất đời sống nhân dân, cải thiện môi trường. Phải làm nghiêm túc, cái nào làm chưa tốt thì bổ sung.
Đối với thủy điện Sông Tranh, xin phép Chủ tịch Quốc hội nói thêm một chút:
Tại kỳ họp này, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH đã thực hiện giám sát thủy điện Sông Tranh và có báo cáo gửi ĐBQH. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Trịnh Đình Dũng đã có giải trình thêm trước QH.
Đến hôm nay, các chuyên gia, chuyên ngành trong
nước, cả 2 công ty tư vấn hàng đầu của Nhật, Thụy Sĩ báo cáo đập thủy điện sông
Tranh bảo đảm an toàn. Các Bộ chức năng như Công thương, Xây dựng, Khoa học -
Công nghệ, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện khoa học
xã hội Việt Nam cũng đều báo cáo thủy điện sông Tranh an toàn.
Nhưng với ưu tiên cao nhất là an toàn tính mạng của người dân, sẽ phải thực hiện ngay các việc sau: Trước hết, chưa tích nước để phát điện cho mùa lũ này.
Chính phủ cũng giao Hội đồng nghiệm thu nhà nước lập tổ công tác, thường xuyên túc trực ở đập để theo dõi mọi diễn biến động đất, kịp thời có phương án báo cáo Chính phủ.
Chính phủ cũng thuê các chuyên gia tư vấn hàng đầu đến từ Nga, Nhật Bản, Ấn Độ... có mặt ở hiện trường để theo dõi mức độ an toàn của đập.
Một biện pháp cũng rất quan trọng là công bố, công khai thường xuyên đầy đủ thông tin cho dân, hướng dẫn dân các kỹ năng đối phó động đất.
Cùng với đó là tiếp tục đền bù, chi trả bồi thường cho những người dân có nhà bị nứt, hư hỏng do động đất, cũng như tiếp tục nghiên cứu về các thiệt hại khác có thể làm tổn hại người dân.
Hội đồng nghiệm thu nhà nước và các bộ liên quan cũng phải tiếp tục tiến hành hội thảo để lắng nghe ý kiến, tranh thủ tri thức của các nhà khoa học, chuyên gia có trách nhiệm nhằm đảm bảo công trình thủy điện này vừa làm được nhiệm vụ phát điện, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa đảm bảo yêu cầu cao nhất là an toàn cho người dân.
Chính phủ cam kết làm hết sức, làm mọi việc có thể để đạt được mục tiêu này.
X.Linh - T.Chung ghi