Chỉ đạo trên là một nội dung trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử tại phiên họp Ủy ban ngày 10/3, vừa được Văn phòng Chính phủ ra thông báo hôm nay, 24/3.
Khai thác, sử dụng trên diện rộng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tháng 7
Cùng với việc đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, trong kết luận phiên họp, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số giai đoạn tới.
Cụ thể, về thể chế, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành.
Bộ TT&TT khẩn trương tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ xem xét, ban hành; hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an triển khai hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối, chia sẻ, khai thác triệt để dữ liệu để giảm tối đa giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính (Ảnh minh họa: Internet) |
Về triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an triển khai hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối, chia sẻ, khai thác triệt để dữ liệu để giảm tối đa giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính, đến tháng 7/2021 khai thác, sử dụng chính thức trên diện rộng.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia là nhiệm vụ Bộ TN&MT được yêu cầu phải tập trung, bảo đảm đến tháng 7/2021 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định.
Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu
Đối với việc cung cấp DVCTT, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tập trung nguồn lực nâng tỷ lệ cung cấp DVCTT mức 3, 4 và tích hợp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2021, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, các DVCTT mức độ cao đã được phát triển để phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, tỷ lệ DVCTT mức 4 đạt khoảng 31%. |
Các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu phải sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; chủ động thực hiện kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan khác theo quy định tại Nghị định 47 năm 2020 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, đảm bảo 100% các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin.
Đáng chú ý, về triển khai chuyển đổi số, Thủ tướng chỉ đạo rõ, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Bộ TT&TT tăng cường quản lý, đẩy mạnh triển khai CNTT và viễn thông phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trường học cần tiếp tục duy trì phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội như đã được hình thành trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Doanh nghiệp CNTT đóng góp tích cực vào xây dựng Chính phủ điện tử
Cũng theo thông báo kết luận phiên họp ngày 10/3 của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tâm huyết, tích cực, chung sức, đồng lòng đóng góp cho thành công trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số thời gian qua.
Các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2016 - 2020 (Nguồn ảnh: egov.mic.gov.vn) |
Thủ tướng biểu dương Bộ TT&TT đã thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; biểu dương, đánh giá cao Văn phòng Chính phủ đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong việc xây dựng các nền tảng Chính phủ điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp CNTT như VNPT, Viettel, Vietnam Post, FPT, CMC, BKAV… trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, với quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực, chủ động tích cực của các bộ, ngành, địa phương, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, là điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Đặc biệt là việc ban hành, triển khai hiệu quả Nghị quyết 17 của Chính phủ và thiết lập, kiện toàn thống nhất bộ máy chỉ đạo triển khai xây dựng Chính phủ điện tử ở Trung ương là Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, còn các bộ, ngành, địa phương là Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. Hiện nay, Ủy ban đã được mở rộng chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh.
M.T
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số
Chính phủ vừa chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số gắn với hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.