Một nhóm các cô gái trẻ tạo dáng cười lớn trước ống kính camera, sau khi đeo thử những thứ phụ kiện như kính hồng, tóc giả, bờm hình tai thỏ và mũ có in hình chú lợn. Ở một quầy khác của studio, một cô gái khác đang ngồi uốn tóc.
Xong xuôi, tất cả chen chúc, đứng sát vào nhau trong chiếc buồng chụp ảnh chật hẹp, chờ máy ảnh bắt lại các khoảnh khắc của cả nhóm. Kết thúc, một dải ảnh lấy liền xuất hiện ở khe trả hình phía dưới, theo CNN.
Đó là khung cảnh quen thuộc diễn ra tại hàng trăm quầy chụp hình lấy ngay (photo booth) mới mở ở Seoul. Không gian này thường có 3-6 gian hàng mở liền kề nhau, vận hành tự động 24h/ngày, không có nhân viên túc trực.
Kể từ sau đại dịch, những "studio mini" này trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất của giới trẻ Hàn Quốc. Trên các con đường chính của khu vui chơi Hongdae, các quầy photo booth có mặt ở mọi ngóc ngách, đi vài bước lại bắt gặp một quầy.
Nhóm bạn cùng nhau tạo dáng trong buồng chụp ảnh tại một photo booth ở khu Itaewon. |
Nơi giải trí rẻ tiền và hút khách
Sinh viên đại học 20 tuổi Choi Hui-je cho hay anh ghé quầy chụp hình mỗi khi đi chơi với bạn bè, khoảng 5 đến 7 lần/tháng. Có tuần, Choi chụp ảnh lấy ngay tới 5 lần.
"Đó là địa điểm không thể thiếu trong mỗi lần tụ tập. Chúng tôi đi ăn, hát karaoke, uống cà phê, và sau đó là đi chụp ảnh 'sống ảo' cùng nhau”, Choi kể lại.
Jenny Dall'alba, 19 tuổi, sinh viên ở thành phố phía nam Busan, ước tính cô đã đi chụp ảnh theo phong cách "mì ăn liền" này hơn 70 lần trong vài năm qua.
"Với tôi, đây không phải xu hướng nhất thời, mà như một thói quen cần phải làm mỗi khi đi đâu với bạn bè", Jenny giải thích.
Nếu những bức ảnh "sống ảo" được chụp bằng điện thoại có thể qua hiệu ứng, ứng dụng làm đẹp, nhiều bước chỉnh sửa để cuối cùng ra tấm hình ưng ý, máy ảnh tại quầy photo booth sẽ chỉ chụp 4 tấm liên tiếp và in ra ngay sau đó.
Các ngôi sao K-pop và nhân vật hoạt hình nổi tiếng thường xuất hiện trên các khung hình. Thông thường, các gian hàng cung cấp thêm mã QR để khách hàng có thể tải xuống phiên bản kỹ thuật số cho các bức ảnh của họ.
Với những dải ảnh in trong chốc lát, kích thước vừa phải, dễ dàng bỏ túi, người trẻ thích lui tới các gian hàng chụp ảnh lấy ngay với lý do này. |
Quan trọng hơn, những bức ảnh này gợi nhớ về một thời kỷ niệm đã qua, khi chụp ảnh bằng smartphone chưa thịnh hành và các ứng dụng chỉnh sửa gương mặt chưa ra đời.
Vào đầu những năm 2000, kiểu chụp ảnh này có thời gian "làm ăn phát đạt", khi máy ảnh kỹ thuật số bắt đầu phát triển. Còn giờ, sự quay trở lại của trào lưu Y2K giúp trào lưu này một lần nữa sống dậy. So với ngày trước, chất lượng hình ảnh, ánh sáng được thiết kế trong buồng chụp đã có nhiều cải tiến.
Với hơn 245 địa điểm ở khu vực thủ đô Seoul và hơn 200 địa điểm khác trên toàn quốc, Life4Cuts chiếm thị phần lớn trên thị trường. Thương hiệu này ước tính có 2 triệu người ghé thăm các photo booth của họ mỗi tháng.
Trên nền tảng Instagram, hơn 1,1 triệu bài đăng, gắn thẻ #Life4Cuts bằng tiếng Hàn, từ các ngôi sao K-pop đến những người có ảnh hưởng trên mạng, đều khoe các tấm ảnh chụp lấy liền của họ.
Dall'alba, người giữ tất cả ảnh từng chụp trong một chiếc túi, cho biết mình thích sáng tạo bằng cách chọn các đạo cụ và khung hình khác nhau. Cô nói thêm rằng bạn bè mình thích tạo dáng giống các thành viên trong những nhóm nhạc K-pop và sẵn sàng chụp đi chụp lại nhiều lần để ra kết quả ưng ý nhất.
Trên mạng, nhiều tài khoản ra đời, nội dung chỉ chuyên hướng dẫn cách chụp ảnh, tạo dáng với nhiều tư thế khác nhau cho cả cá nhân và nhóm bạn khi đứng trong quầy photo booth.
Khách hàng chọn lựa phụ kiện trước khi vào chụp ảnh. |
Một vốn bốn lời
Các chủ doanh nghiệp ở Hàn Quốc coi các "studio mini" này là một cơ hội đầu tư an toàn.
Kim Joo-hyun mở trụ sở của Life4Cuts tại Busan vào năm 2020, khi nhà hàng của anh bắt đầu gặp khó khăn trong đại dịch. Không cần giấy phép của chính phủ để hoạt động, người đàn ông có thể thành lập một cửa hàng trong vòng chưa đầy một tháng, với khoản đầu tư tương đối vừa phải là 180 triệu won (134.000 USD).
"Suy nghĩ chung của số đông là đây là hình thức kinh doanh không mất nhiều vốn và công sức. Trong khi đó, lợi nhuận có thể lên tới 50%", Kim nói.
Ban đầu, Kim từng hoài nghi về việc liệu các photo booth có phải là xu hướng nhất thời, dễ nổi lên nhưng nhanh chóng hết sức hút hay không. Sau khi đưa vào vận hành, anh thấy có nhiều khách hàng trẻ bắt đầu đưa gia đình, người thân lớn tuổi và thậm chí dẫn cả chó vào chụp chung.
Điều đó khiến Kim vững tin hơn vào mô hình kinh doanh của mình, đồng thời tìm cách mở rộng chúng.
“Khách hàng có thể mua được hạnh phúc nhỏ bằng những tấm hình vật lý, có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng cho vào ví hay lồng vào ốp điện thoại. Khi nhìn vào các tấm ảnh, họ bắt gặp được chính mình trong những khoảnh khắc vui tươi, thoải mái nhất", anh giải thích.
Khía cạnh hữu hình của các bức ảnh là điều đặc biệt thu hút đối với thế hệ gen Z ở xứ sở kim chi. Với Choi, các tấm hình còn có sức gợi nhớ hơn thế.
“Chúng tôi biết rõ tuổi trẻ sẽ không kéo dài lâu. Những bức ảnh này dùng để lưu lại những khoảnh khắc quý giá", cô khẳng định.
Theo Zing