- Buổi giao lưu giữa Chủ tịch QH và các thủ khoa của Hà Nội diễn ra không theo kịch bản sẵn có. Một thủ khoa hỏi: Khi Chủ tịch bằng tuổi chúng cháu, ông đã đặt mục tiêu gì cho cuộc sống?

Sau vài phút trầm lặng lắng nghe các ý kiến suôn sẻ, trôi chảy theo kịch bản, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bất ngờ đề nghị với các thủ khoa: "Cho tôi đảo lại chương trình nhé, vì hôm nay chúng ta đến đây là để gặp mặt thân mật chứ theo bài chuẩn bị sẵn thì không hay".

Những tràng pháo tay nhiệt liệt hưởng ứng vang lên và hàng loạt cánh tay hào hứng giơ cao để được đặt câu hỏi với vị lãnh đạo cao nhất Quốc hội.

Các thủ khoa hào hứng đặt câu hỏi với Chủ tịch Quốc hội

Chương trình giao lưu giữa các thủ khoa xuất sắc của Hà Nội với các lãnh đạo Quốc hội sáng nay (21/8) nhanh chóng biến thành một "seminar" nho nhỏ thảo luận về mục đích, lý tưởng sống của người trẻ và con đường để biến ước mơ thành hiện thực. Phút cuối, vẫn nhiều cánh tay ngậm ngùi đưa xuống vì không còn đủ thời gian.

 

Lý tưởng sống của bạn là gì?

Không theo chương trình dự kiến, Chủ tịch Quốc hội đã đặt ra ba vấn đề để các thủ khoa thảo luận. Đó là, lý tưởng, mục đích sống của các bạn là gì? Làm thế nào để phấn đấu đạt được những mục tiêu đó? Và cuối cùng, các thủ khoa có băn khoăn gì muốn hỏi các vị lãnh đạo Quốc hội và thành phố Hà Nội.

Cách gợi mở vấn đề khiến không khí buổi giao lưu ngay lập tức trở nên đầy hứng khởi, với hàng loạt cánh tay giơ lên.

Mai Văn Chung (thủ khoa khối kỹ sư xây dựng Pháp ngữ - ĐH Xây dựng) nhẹ nhàng, khúc chiết: "Nhà nghèo nên từ nhỏ tôi chỉ có một ước mơ là gia đình mình có cuộc sống tốt hơn. Nhưng trưởng thành rồi, tôi biết được rằng mong muốn thực sự của mình là trở thành một người tốt, sống có ích cho xã hội".

Mai Văn Chung (thủ khoa khối kỹ sư xây dựng Pháp ngữ - ĐH Xây dựng)
Con đường để thành người có ích, theo Chung, trước hết là nỗ lực cao nhất để phát triển được tốt nhất năng lực của bản thân, rèn giũa bằng tất cả nghị lực để vượt qua mọi khó khăn. Ngoài ra, phải tranh thủ mọi điều kiện mà hoàn cảnh khách quan mang lại. Việc đầu tiên Chung đã cố gắng để làm và làm được, là học tập để trở thành một kỹ sư giỏi.

 

Chung không giấu được niềm vui, vì đây là lần thứ hai cậu được đối thoại với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. 5 năm trước, cậu đã gặp Chủ tịch Quốc hội (khi đó là Phó Thủ tướng) với vai trò là thủ khoa đầu vào của ĐH Xây dựng.

Chung cũng bất ngờ "phỏng vấn" ngược: "Khi Chủ tịch bằng tuổi chúng cháu, xin hỏi Chủ tịch có lý tưởng gì và đã đặt mục tiêu gì cho cuộc sống và Chủ tịch đã làm gì để đạt được mục tiêu đó?".

Một thủ khoa khác đến từ Học viện Tài chính không giấu được ưu tư: "Cháu tin rằng trong số các bạn ngồi đây không nhiều bạn thực sự có được câu trả lời về một công việc mà các bạn ấy biết rằng mình thực sự yêu thích".

Theo bạn, để làm tốt một công việc, điều quan trọng là phải thực sự yêu thích, chỉ như vậy mới tạo ra thành quả đóng góp cho cuộc sống. Ước mơ và mục tiêu trong cuộc sống phải được cụ thể hóa, không thể nói một cách chung chung hay mơ hồ về việc "sẽ đóng góp gì đó cho xã hội".

Thủ khoa Học viện Tài chính cũng đặt câu hỏi cho Chủ tịch Quốc hội: "Bác có bí quyết nào để giúp những người trẻ chúng cháu nhận ra mình thực sự muốn làm gì không?". Câu hỏi đã nhận được những tràng pháo tay đồng tình.

Nhiều bạn trẻ khác cũng chia sẻ những mục tiêu và lý tưởng thiết thực gắn với đặc thù công việc. Chẳng hạn, các thủ khoa khối lực lượng vũ trang bày tỏ mong muốn góp sức bảo vệ chủ quyền quê hương, biển đảo. Các nữ thủ khoa sư phạm thổ lộ ước mơ sống có ích trong từng công việc nhỏ nhất và truyền tình yêu nghề, lý tưởng cho thế hệ sau...

'Còn nhiều việc thấy tiếc'

Lắng nghe những chia sẻ nhiệt thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhanh chóng "tóm lược": "Ý kiến của các bạn đã tự bổ sung cho nhau rồi. Như các bạn vừa chia sẻ thì có thể thấy rằng mục tiêu và  lý tưởng sống của các  bạn trẻ là mong thành một công dân Việt Nam tốt, có đức, có tài, sống có ích, yêu nước và phụng sự Tổ quốc".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (giữa)

Cho rằng trở thành thủ khoa chưa thể gọi là "nhân tài" nhưng bước khởi đầu này phải được xem là tiền đề để phát triển năng lực cá nhân, trở thành những người tài, Chủ tịch Quốc hội gửi gắm: "Các thủ khoa đã trải qua một cuộc sàng lọc rồi, nên tự cho phép mình phải suy nghĩ cao hơn để không chỉ trở thành công dân tốt mà phải là người có đức, có tài. Các bạn được quyền nghĩ đến việc trở thành các nhà  khoa học, nhà quản lý, nhà ngoại giao, doanh nhân... Các bạn phải trở thành những nhà khoa học, trí thức đầu đàn cho đất nước trong tương lai".

 

Chủ tịch Quốc hội gửi gắm, khi các  bạn trẻ đã xác định được mục tiêu cụ thể cho mình rồi, điều quan trọng là phải có đủ ý chí và nghị lực rèn luyện để theo đuổi mục tiêu, biến mục tiêu thành hiện thực. Từ những thành tích đạt được, mỗi thủ khoa đi xa đến đâu còn phụ thuộc vào sức bật của từng người.

Chia sẻ về ước mơ thời trẻ, Chủ tịch Quốc hội cười hóm hỉnh: "Khi được phân công đi học Tài chính, tôi không thích gì ngành Tài chính. Nhưng sau thời gian tìm hiểu tôi thấy ngành Tài chính rất hay, và từ người không yêu thích Tài chính mà tôi lại trở thành Bộ trưởng Tài chính".

Do vậy, theo ông, nếu ai đó chọn được đúng chuyên ngành mình yêu thích là một điều rất tốt. Nhưng nếu lựa chọn ban đầu đó chưa đúng với mong muốn thì cần phải đặt ra những mục tiêu cụ thể để dần dà tìm hiểu về công việc mình sẽ làm. Bởi, chỉ khi nào thực sự yêu thích, gắn bó với một công việc và nỗ lực cao nhất thì mới đạt được kết quả như mong muốn.

"Quan trọng hơn ước mơ phải là ý chí, hoài bão. Các bạn còn trẻ, nếu xao nhãng sẽ mất đi cơ hội. Như tôi bây giờ nhìn lại cũng còn nhiều việc thấy tiếc", Chủ tịch Quốc hội tâm sự.

Ông Nguyễn Sinh Hùng cũng dành ít phút chia sẻ những việc đã làm trong cuộc đời để gặt hái thành công: "Cả đời phải phấn đấu, cố gắng. Tôi tích lũy dần dần qua nhiều công việc. Mỗi việc được giao tôi đều cảm thấy nặng lòng, đều phải nhờ đến sự hỗ trợ của đồng sự, bạn bè....".

Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội không quên khích lệ tinh thần các thủ khoa trẻ bằng dẫn chứng về sức trẻ của các thế hệ đi trước, từ những chiến công của vua Quang Trung cho đến các nhà cách mạng và nhà khoa học đã ghi dấu ấn trong lịch sử từ khi còn rất trẻ.

"Biết đâu trong các bạn sẽ có người trở thành đại biểu Quốc hội. Từ nhỏ tôi cũng không ước mơ trở thành Chủ tịch Quốc hội. Nhưng, cuộc đời không thể biết thế nào được...", ông Hùng kết luận.

Lê Nhung - Ảnh: Lê Anh Dũng