Nổi tiếng là kẻ phong lưu, đa tình, Tào Tháo chiêu mộ cả phương sĩ để nghiên cứu phòng trung thuật (thuật phòng the), rồi dùng đám cung nữ làm vật “thí nghiệm” của mình.
Tạo hình Tào Tháo trong poster phim "Đại chiến Xích Bích". Ảnh: Sina.com. |
Tào Tháo (155 - 220), tức Ngụy Vũ đế, tự là Mạnh Đức. Thời nhỏ được gọi là A Man, người huyện Tiêu, nước Bái (tức huyện Bạc, tỉnh An Huy ngày nay). Cuối thời Đông Hán, Tào Tháo dần mở rộng sức mạnh quân sự của mình sau khi trấn áp thành công cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng do Trương Giác cầm đầu.
Năm Sơ Bình thứ ba, tức vào năm 192, họ Tào chiếm được Duyện Châu. Đến năm Kiến An thứ nhất, Tháo đón Hán Hiến đế và hộ tống về Hứa Xương. Sau đó, với danh nghĩa của Hiến đế, kẻ gian hùng trực tiếp ra lệnh, trước sau tiêu diệt được những thế lực cát cứ như Lữ Bố…
Trong trận chiến Quan Độ, sau khi đại phá thế lực hùng hậu của Viên Thiệu, Tào Tháo dần thống nhất miền Bắc Trung Quốc. Tới năm Kiến An thứ 13, họ Tào được tiến vị làm thừa tướng, dẫn quân tiến xuống phía Nam, nhưng bị liên quân của Tôn Quyền và Lưu Bị đánh bại trong trận chiến Xích Bích nổi tiếng.
Sau khi ép Hiến đế phong mình là Ngụy Vương, Tào Tháo cho lập con thứ Tào Phi làm thế tử. Tào Phi ôm mộng bá vương, cướp ngôi nhà Hán, tự xưng là hoàng đế và lập ra nước Ngụy, rồi truy tôn cha mình là Vũ đế.
Nếu trên chính trường, Tào Tháo là kẻ gian hùng lắm mưu nhiều kế, thì trong tình trường, ông ta cũng nổi danh thiên hạ bởi sự phong lưu, háo sắc của mình.
Họ Tào được cho là đã xây dựng Đồng Tước Đài, rồi tuyển mỹ nữ nức tiếng trong thiên hạ đem về hưởng lạc. Gian hùng này còn chiêu mộ phương sĩ (ý chỉ những người cầu tiên học đạo thời xưa) nghiên cứu nghệ thuật phòng the. Vô số cung nữ đã bị Tào Tháo đem ra làm “thí nghiệm”, cốt thỏa mãn ham muốn của bản thân.
Trong “Lâm chương chí” có đoạn: “Năm Kiến An thứ 15, Tào Tháo cho xây dựng Đồng Tước Đài tại phía Tây Bắc Nghiệp Thành. Đài này cao 57 trượng, có hơn trăm gian nhà chính, cửa sổ đều bằng đồng, chạm rồng, ánh nắng chiếu rọi. Bên trên có con chim bằng đồng, cao một trượng năm thước, mở rộng đôi cánh tựa như đang bay”.
Ngoài ra còn có “Kim Phượng Đài” nằm ở phía Nam Đồng Tước Đài, được xây dựng vào năm Kiến An thứ 18. Đài này cao 8 trượng, có tới 109 gian thất. Ở phía Bắc Đồng Tước Đài là “Băng Tỉnh Đài”, xây năm Kiến An thứ 19, có một trăm bốn mươi gian, giếng sâu 15 trượng.
Còn theo Baidu, Đồng Tước Đài nằm tại huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Sau khi đánh bại Viên Thiệu, Tào Tháo cho xây dựng ba đài Đồng Tước, Kim Hổ (còn có tên gọi khác là Kim Phượng), Băng Tỉnh. Đó chính là “Nghiệp tam đài” được chép lại trong sử sách Trung Quốc. Tới cuối thời nhà Minh, Đồng Tước Đài về cơ bản đã chẳng còn gì, chỉ trơ một góc của nền đài sót lại trên mặt đất.
Đồng Tước Đài xây xong, mỗi gian đều có một mỹ nữ tuyệt sắc. Khi còn sống, họ Tào mặc sức hoan lạc, tới tận phút lâm chung vẫn dặn dò, ra lệnh cho đám mỹ nhân vào những ngày mồng một, ngày rằm hằng tháng phải ở trên Đồng Tước Đài mà cất cao giọng hát, cốt để cho kẻ gian hùng dưới suối vàng được thưởng thức. Nhưng rốt cuộc, những người đẹp ấy lại bị con trai của Tháo là Tào Phi thu nạp về cung để hưởng dùng. Trải bao thăng trầm lịch sử, ngày nay, Đồng Tước Đài – chốn ăn chơi, hưởng lạc một thời của Tào Tháo đã bị phong trần lịch sử chôn vùi.
Theo Kienthuc