Hơn 1000 binh sĩ Mỹ đã tới Israel để tham dự một sự kiện được hứa hẹn là cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước tới nay giữa hai quốc gia.

Tập trận Mỹ - Israel
Trọng tâm của tập trận lần này là phòng thủ tên lửa đạn đạo. Một loạt hệ thống chống tên lửa đạn đạo sẽ kết hợp chặt chẽ trong cuộc tập trận, bao gồm hệ thống Arrow và hệ thống Vòm Thép ở tầm gần. Vòm Thép đã chứng tỏ khả năng đánh chặn tên lửa phóng từ Gaza.

Mỹ đang triển khai các thành phần của các khẩu đội pháo Patriot tại Israel, bao gồm cả các phiên bản mới nhất của hệ thống này.

Có khoảng 3500 lính Mỹ tham gia vào cuộc tập trận, một số tại Israel; rất nhiều binh sĩ tại căn cứ ở châu Âu, cũng như một tàu ngầm trang bị rađa Aegis ở Địa Trung Hải.

Cuộc tập trận có tên Austere Challenge 2012 là tập trận lần thứ 6 trong chuỗi tập huấn phòng thủ tên lửa đạn đạo do hai nước tổ chức.

Đáng ra, tập trận diễn ra từ nhiều tháng trước nhưng sau đó bị hoãn có thể là do yêu cầu của Israel; có một số thời điểm khó khăn do có lo ngại rằng Israel bất ngờ tấn công các mục tiêu cơ sở hạt nhân của Iran.

Vì một số lý do mà quy mô các thiết bị của Mỹ triển khai tại Israel cũng bị thu hẹp.

Cuộc tập trận là một lời nhắc đầy uy lực đối với tất cả mọi cáo buộc của phe Cộng hòa trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ rằng chính quyền Obama vẫn là một người ủng hộ kiên định đối với Israel, quan hệ quân sự giữa hai nước vẫn mạnh mẽ.

Mối đe dọa từ hai mặt trận

Cuộc tập trận này sẽ kéo dài từ hai đến ba tuần, với một loạt các tình huống giả định  tên lửa nhằm bắn vào Israel từ hai phía. Mục đích là để xem rất nhiều các yếu tố đa dạng của các hệ thống trên mặt đất và trên biển như rađa, lá chắn quân sự… hoạt động cùng nhau như thế nào trong một mối đe dọa phức hợp như vậy.

Trong một số giai đoạn sẽ có tập trận bắn đạn thật.

Người phát ngôn của Mỹ muốn nhấn mạnh rằng Austere Challenge 2012 tập trung vào việc nỗ lực kết hợp trong quân sự, và không liên quan tới cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cũng như bất kỳ căng thẳng nào trong khu vực.

Tuy nhiên, tầm quan trọng trước mắt của cuộc tập trận thì rất rõ ràng. Khả năng Israel tấn công Iran vào ngay lúc này không được đề cập, nhưng nếu như việc đó thực sự diễn ra và một trong những cách mà Tehran có thể đáp trả là sử dụng các tên lửa đạn đạo.

Các tên lửa có thể được phóng đi từ chính Iran, hoặc từ đồng minh của họ là Hezbollah ở Li-băng. Họ có thể phóng vô số tên lửa nhằm vào Israel.

Cùng lúc đó, các nhóm thánh chiến ở Dải Gaza có thể nã hỏa tiễn vào Israel, tạo thành hai mặt trận tên lửa mà cuộc tập trận đang mô phỏng.

Iran dọa sẽ dùng tên lửa Sajil để đáp trả ‘bầm dập’ nếu như Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Tehran.

Austere Challenge 2012 cũng có lợi đáng kể cho Mỹ về mặt thực tiễn kể từ khi Israel triển khai một trong những hệ thống chống tên lửa đạn đạo tinh vi nhất thế giới.

Còn trong chừng mực rộng hơn nữa, với số tiền do Mỹ cấp kinh phí, đây là một nguyên mẫu quy mô nhỏ mà Mỹ muốn thể hiện trước các đồng minh NATO.

Do vậy, việc thực hành cách thức hoạt động của các hệ thống viễn thông và cảnh báo sớm của Mỹ có thể kết hợp với Israel và các tên lửa đánh chặn trên mặt đất của Mỹ sẽ mang lại rất nhiều bài học quý báu.

Về phương diện hàng hải cũng rất quan trọng khi các tàu tuần dương của Mỹ trang bị Aegis. Các tàu này triển khai tại Địa Trung Hải có nhiệm vụ đóng vai trò thường trực trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo do NATO đề xuất đang dần được kết hợp với nhau. 

Nhưng với tất cả tính năng phi thường của công nghệ, các câu hỏi vẫn là về hiệu quả của phòng thủ tên lửa trong một cuộc chiến thật sự. 

Chẳng hạn, Israel có thành công đáng kể với hệ thống Vòm Thép nhưng các cơ chế phòng thủ của hệ thống này chưa từng bị tấn công liên tục từ một số lượng lớn tên lửa có thể phóng ra trong một cuộc chiến với quy mô đầy đủ. 

Chiến thuật hiển nhiên nhất mà bất kỳ kẻ thù nào của Israel có thể sử dụng là khiến cho các hệ thống phòng thủ tê liệt trong các đợt oanh tạc dữ dội.  

Xét về khía cạnh đó thì chưa thể nói điều gì về khả năng phòng thủ tên lửa vốn chỉ là một phần trong một chuỗi phản ứng lớn hơn đáp trả đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo đầy phức tạp. 

  • Lê Thu (theo BBC)