Mối quan hệ tốt đẹp giữa OPCW và Việt Nam

Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, không thể không nhắc đến việc các quốc gia thành viên đã hoàn thành việc tiêu hủy vũ khí hóa học theo khai báo, đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng của tổ chức khi chuyển từ sứ mệnh phá hủy sang sứ mệnh ngăn chặn và phòng ngừa việc sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học.

Ảnh minh hoạ

Đại sứ Ngô Hướng Nam khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để tiếp tục duy trì và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa OPCW và Việt Nam.

Đại sứ cũng mong muốn OPCW tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trong việc xem xét, tuyển dụng cán bộ Việt Nam làm việc tại OPCW và Trung tâm Hóa học và Công nghệ (Chemtech); hỗ trợ nâng cao năng lực của Việt Nam thông qua các hoạt động đào tạo của OPCW; hỗ trợ các thiết bị phân tích mới hoặc đã qua sử dụng khi nâng cấp Trung tâm Hóa học và Công nghệ Chemtech để nâng cao năng lực cho các phòng thí nghiệm của Việt Nam.

Tổng Giám đốc Fernando Arias hoan nghênh Đại sứ Ngô Hướng Nam được bổ nhiệm làm Đại diện Thường trực của Việt Nam tại OPCW; bày tỏ tin tưởng Đại sứ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước nói chung và OPCW nói riêng; ghi nhận những đề xuất của Đại sứ Ngô Hướng Nam và phản ứng tích cực về khả năng OPCW cung cấp thiết bị phân tích hóa học cho các phòng thí nghiệm ở Việt Nam.

Việt Nam đã phê chuẩn tất cả điều ước quốc tế về giải trừ, chống phổ biến WMD

OPCW là một tổ chức liên chính phủ với 193 thành viên, được hình thành nhằm thực thi Công ước về Vũ khí Hóa học 1997 (CWC), với mục tiêu phấn đấu xóa bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn vũ khí hóa học vì an ninh, ổn định và phát triển toàn cầu.

Việt Nam là một trong những nước thành viên đầu tiên của Công ước và luôn tham gia một cách đầy đủ và tích cực trong OPCW.

Trước nguy cơ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và nạn khủng bố gia tăng, Việt Nam đã phê chuẩn tất cả điều ước quốc tế về giải trừ, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Vũ khí hủy diệt hàng loạt hay còn gọi là vũ khí hủy diệt lớn là các loại vũ khí được chế tạo, sản xuất có khả năng sát thương, hủy diệt trên diện rộng, gây tổn thất rất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, môi trường sinh thái và gây hoảng loạn về tâm lý, tinh thần con người. Nó gồm: Vũ khí hạt nhân, vũ khí phóng xạ, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học và các vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong lịch sử từng ghi nhận hành động sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để đạt mục đích khủng bố.

Thấy được sự tàn khốc của WMD, các nước trên thế giới đã họp và thống nhất xây dựng các hiệp ước, công ước ngăn chặn: Năm 1968 ra đời Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (tiếng Anh viết tắt là NPT); năm 1972: Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí sinh học (tiếng Anh viết tắt là BWC); năm 1993: Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học (tiếng Anh viết tắt CWC); năm 1996: Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (tiếng Anh viết tắt là CTBT). Việt Nam luôn tỏ rõ là thành viên tích cực khi tham gia vào các hiệp ước, công ước trên. 

Trước những bất ổn an ninh chính trị ở các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là tình trạng ly khai, khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo thì nguy cơ sử dụng WMD để đạt các mục đích vẫn luôn hiện hữu. Sự tan rã của những cơ chế kiểm soát vũ khí hạt nhân, chủ trương hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân gần đây gây ra không ít lo lắng và đe dọa cuộc sống hòa bình nhân loại, làm tăng các nguy cơ xung đột, chiến tranh. 

Từ những vấn đề quan trọng này, vào cuối năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (gọi tắt là Nghị định 81). Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao là Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và Binh chủng Hóa học được giao là Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia; đồng thời tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, tập huấn, hội thảo, huấn luyện, diễn tập... từng bước đưa Nghị định 81 đi vào thực tiễn, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Việt Nam.

Tính đến nay, Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (gọi tắt là Cơ quan thường trực 81) đã hoạt động tích cực và đạt những kết quả đáng ghi nhận, từng bước đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về WMD cho nhân dân; đồng thời tích cực hoàn thiện mạng lưới, đón đầu, sẵn sàng những phương án để hóa giải các nguy cơ và phòng, chống khủng bố liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Kiều Nga và nhóm PV, BTV