Tây Ninh có thêm một cực tăng trưởng

Tây Ninh là tỉnh biên giới, có đường biên giới đất liền giáp ba tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, với ba cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam), ba cửa khẩu chính, 11 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở.

Cho tới thời điểm hiện nay, Việt Nam và Campuchia hoàn thành 84% phân giới cắm mốc toàn tuyến, đang nỗ lực phân giới cắm mốc 16% còn lại. Các lực lượng chức năng tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ, kiểm soát biên giới, phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ chung; tạo điều kiện giao thương hàng hoá.

W-mocbai.png
Một góc cửa khẩu Mộc Bài

Thuộc địa bàn huyện Bến Cầu, nằm trên hành lang trục kinh tế xuyên Á, Mộc Bài là Khu kinh tế cửa khẩu trên bộ lớn nhất cả nước, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Tiểu vùng Mê Kông, kết nối TPHCM - Phnôm Pênh – BangKok, có độ mở giao thương lớn nên Mộc Bài có thể trở thành điểm trung chuyển quan trọng kết nối chuỗi sản xuất giữa Vùng Đông Nam bộ với Vương quốc Campuchia , khối ASEAN và quốc tế.

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài với tầm nhìn mới theo mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ, phát triển xanh và bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.

Quy hoạch này góp phần đưa Tây Ninh đóng vai trò quan trọng  trong kết nối hai cao tốc Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh và cao tốc Phnom Penh-Bavet (Campuchia); cùng với các kết nối liên vùng khác để hình thành mạng lưới phát triển, tương lai sẽ góp phần để Khu Kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài phát triển bền vững, căn cơ hơn.

Xây dựng cảng cạn đầu tiên ở khu vực biên giới

Tây Ninh đang tập trung lập đồ án điều chỉnh quy hoạch để phát triển Mộc Bài là trung tâm công nghiệp, đô thị, trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ logistics trong thời gian sớm nhất. Khi đi vào hoạt động, Cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài sẽ đáp ứng một phần nhu cầu của khu kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy kinh tế biên mậu, dịch vụ logistics, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài là cơ sở thứ 28 trong hệ thống các cơ sở cảng, hạ tầng dịch vụ logistics và là cảng cạn đầu tiên của Tân Cảng Sài Gòn gắn với cửa khẩu biên giới. Cảng nằm trong khu kinh tế cửa khẩu cảng Mộc Bài, thuộc địa phận xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh có tổng diện tích là 16,52ha do Công ty CP Tân Cảng Tây Ninh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 552 tỷ đồng. Dự án sẽ đầu tư xây dựng bãi container, kho CFS, kiểm soát, bãi đỗ và lưu xe cùng các trang thiết bị hiện đại gồm 3 cẩu RTG 6+1, 5 xe nâng hàng/rỗng, 50 xe đầu kéo, 50 rơ-moóc…

Dự kiến đến tháng 5/2024, cảng cạn Tân Cảng Mộc Bài sẽ đi vào khai thác, cung cấp đầy đủ các dịch vụ như: Kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container; kho tạm chứa hàng xuất nhập khẩu và container; sửa chữa và bảo dưỡng container; giao nhận các loại hàng hóa; gom và chia hàng lẻ đối với hàng chung chủ trong cùng container; đóng hàng, dỡ hàng ra khỏi container; vận chuyển hàng container từ cảng cạn đến cảng biển và ngược lại; nhận và gửi hàng hóa vận chuyển bằng container.

Xuân Quý và nhóm PV, BTV