Trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đã trở thành vấn đề “sống còn”, giúp doanh nghiệp vừa duy trì, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội bền vững để hoàn thành mục tiêu xây dựng nền kinh tế số và phát triển bền vững.
Với mục tiêu chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó, doanh nghiệp được xác định đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9.549 chữ ký số của công ty, doanh nghiệp sử dụng để ký số, xác thực, thực hiện trong các giao dịch điện tử dưới các hình thức cung cấp thiết bị và sử dụng như Token, Sim, HSM, Smart...; hơn 90% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh; 100% doanh nghiệp đã hoàn thành việc đăng ký phát hành, sử dụng hoá đơn điện tử.
Cùng với đó, hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử như: Phần cứng máy tính, camera điện thoại, sản phẩm cảm biến, anten điện thoại, sạc điện thoại, mô tơ, bản mạch.
Là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số trong lĩnh vực cấp nước tập trung của tỉnh, Công ty cổ phần Cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc tích cực đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng hệ thống giám sát, điều khiển tự động tại các nhà máy, xí nghiệp trực thuộc; áp dụng phần mềm quản lý trên mạng lưới cấp nước Aquasoft và bản đồ eKMap, giúp tối ưu hóa cách thức quản lý tài nguyên, dễ dàng cập nhật thông tin và bảo đảm tính chính xác, hiệu quả trong quản lý, khai thác thông tin mạng lưới cấp nước.
Cùng với đó, công ty sử dụng phần mềm City Work quản lý thông tin khách hàng trên nền tảng điện toán đám mây, giúp việc chăm sóc khách hàng trở nên nhanh chóng, thuận tiện, có thể thực hiện ngay trên máy tính hoặc điện thoại di động thông minh.
Phần mềm này còn được sử dụng trong công tác quản lý tài chính, kế toán, cùng với việc áp dụng các phần mềm như: Bravo, SpeedMain… giúp công ty thực hiện chuyển đổi phương thức phát hành hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, kế toán, bảo đảm tính chính xác.
Đồng thời, để thuận tiện cho khách hàng, công ty phối hợp với các ngân hàng thương mại cổ phần áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mà thông qua tài khoản ngân hàng và các ví điện tử. Đến nay, 100% khách hàng của công ty thanh toán tiền nước qua ngân hàng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc Đỗ Thanh Hải cho biết: Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác điều hành, quản lý, trước tiên tập trung vào các hoạt động chính như sản xuất nước, quản lý khách hàng, quản lý tài chính, kế toán...
Hiện, mạng lưới cấp nước sạch của công ty đã trải khắp 8/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tập trung trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Năm 2023, sản lượng nước sản xuất của công ty đạt hơn 10,4 triệu m3, tăng 4% so với năm 2022; sản lượng nước tiêu thụ đạt gần 9,2 triệu m3, tăng 5% so với năm 2022; tỉ lệ thất thoát nước sạch giảm ở mức dưới 12%.
Về mảng cung cấp dịch vụ số, toàn tỉnh hiện có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 5 nhà mạng, gồm: Viettel Vĩnh Phúc, VNPT Vĩnh Phúc, FPT Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist và VTVcab.
Các doanh nghiệp đã đầu tư hơn 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%, trong đó đã có 2 trạm phát sóng 5G của Viettel Vĩnh Phúc.
Là doanh nghiệp hàng đầu cung cấp dịch vụ số, Viettel Vĩnh Phúc sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh xây dựng nền kinh tế số và kiến tạo xã hội số.
Bên cạnh việc đầu tư, tập trung xây dựng hạ tầng số, nền tảng số, tiên phong phủ sóng mạng 5G, Viettel Vĩnh Phúc còn chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp, cung cấp các dịch vụ trên nền tảng số với nhiều phần mềm được đánh giá là giải pháp hữu ích, được nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng như nền tảng quản lý tiêm chủng, khám chữa bệnh từ xa, dịch vụ thu phí không dừng ePass, dịch vụ Viettel Money, dịch vụ kê khai thuế qua mạng, hệ thống phần mềm quản lý trường học…
Cùng với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, dịch vụ liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt cũng được khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tích cực phát triển với mạng lưới với gần 240 máy ATM, gần 900 máy POS được lắp đặt tại các cơ sở kinh doanh, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế…
Đặc biệt, 100% các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó một số cơ sở y tế đã triển khai thiết bị đọc thẻ căn cước công dân gắn chip thay cho việc khai báo thẻ bảo hiểm y tế.
Tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt của tỉnh đạt trên 80%; thanh toán tiền nước đạt hơn 83%; trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức qua hệ thống ngân hàng đạt 100%.
Triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đánh giá mức độ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai các kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó, tích cực triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 1 năm, hộ kinh doanh tại địa phương xây dựng thương hiệu số, hiện diện online tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.biz.vn”.
Hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký tài khoản, truy cập và sử dụng ứng dụng báo cáo đánh giá kết quả chuyển đổi số; thường xuyên cập nhật, đăng tải kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có tối thiểu 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, đến năm 2030, tỉnh có hơn 1.100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo Thu Thủy (Cổng Thông tin giáo tiếp tỉnh Vĩnh Phúc)