Trước đây, công cụ quảng bá du lịch thường được sử dụng là các kênh truyền hình, báo chí, hoặc các loại hình tuyên truyền trực quan như: tờ rơi, tờ gấp, bản đồ… và phải trả một khoản kinh phí lớn, cũng như mất nhiều thời gian để hình ảnh điểm đến du lịch phát huy tác dụng và thu hút du khách.

Ngày nay, công nghệ hiện đại trở thành một công cụ hữu hiệu để truyền thông và xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch.

Tại Thanh Hóa, quảng bá du lịch trên nền tảng số được xem là con đường nhanh nhất đưa hình ảnh du lịch của tỉnh đến gần với du khách trong và ngoài nước. Tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch với các hoạt động như: số hóa di sản, số hóa ẩm thực, các sản phẩm du lịch số, thanh toán không dùng tiền mặt, vé điện tử…

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh là một trong những địa điểm du lịch được chọn để thực hiện chuyển đổi số. Bước đầu, công nghệ Smart travel platform (nền tảng du lịch thông minh) và hệ thống thuyết minh tự động đã được đưa vào ứng dụng tại đây để phục vụ khách du lịch. 

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Tính năng nổi bật của công nghệ Smart travel platform là hỗ trợ tối đa cho người dùng trong việc thu thập thông tin, tìm địa điểm du lịch, điểm cung cấp dịch vụ thông qua tour du lịch ảo 360 độ và thực tế tăng cường AR. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, tải ứng dụng Smart travel platform thành công là du khách hoàn toàn có thể tìm hiểu trước về điểm đến qua tour ảo được thiết kế giống hoàn toàn thực tế.

Cùng với đó, việc truyền thông về điểm đến trên các nền tảng số cũng được tỉnh Thanh Hóa quan tâm đẩy mạnh nhằm kết nối đa chiều. Thông qua ứng dụng công nghệ trong hoạt động quảng bá, hình ảnh nổi bật về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh được giới thiệu rộng rãi, sống động đến du khách trong nước và quốc tế.

Mã QR code giới thiệu các điểm trong Khu di tích.

Việc phát triển ứng dụng du lịch thông minh không chỉ là xu hướng mà còn góp phần tạo ra diện mạo mới cho điểm đến cũng như ngành du lịch. Thực tế, các ứng dụng đã làm tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm, đồng thời công tác quản lý Nhà nước về du lịch sẽ hiệu quả hơn. 

Công nghệ thuyết minh tự động thông qua quét mã QR Code cũng đã được Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh triển khai từ cuối năm 2019, với tổng số 28 điểm trong toàn bộ khu di tích.

Nội dung thuyết minh tại các điểm tích hợp trong hệ thống này được xây dựng một cách khoa học, đảm bảo tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc điểm đến. Ngoài tiếng Việt, những nội dung thuyết minh được dịch sang tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách nước ngoài. Mặt khác, đây còn là giải pháp nhằm giảm tải cho đội ngũ thuyết minh viên trong những ngày đông khách.

Trước khi triển khai dự án Sản phẩm du lịch thông minh, Ban Quản lý Khu di tích cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm chuyển đổi số hoạt động du lịch. Từ năm 2009, Ban Quản lý đã xây dựng trang web riêng, đăng tải các thông tin, hình ảnh, video clip… liên quan đến Khu di tích lên nền tảng Internet. Thông qua trang web này, du khách có thể tìm hiểu thông tin về khu di tích, đặt vé tham quan từ trước.

Đoàn kiều bào tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Tham gia hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, tháng 4 vừa qua, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa cho ra mắt công trình "Thanh niên chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa, du lịch".

Công trình này được Tỉnh Đoàn kết hợp với công ty về truyền thông số thực hiện số hóa trên nền tảng Website VR, cung cấp thông tin về 8 điểm di tích lịch sử cấp Quốc gia và tổng quan du lịch của thành phố Sầm Sơn.

Tỉnh Đoàn Thanh Hóa ra mắt công trình "Thanh niên chuyển đổi số trong quảng bá di tích lịch sử, văn hóa, du lịch".

Việc số hóa, tích hợp thông tin, hình ảnh về các điểm di tích trên nền tảng này mang đến trải nghiệm thực tế ảo 360 độ, cho phép người sử dụng nhanh chóng tiếp cận thông tin về các địa điểm, xem toàn cảnh của địa điểm một cách trực quan.

Ngoài ra, các đoàn viên thanh niên thành phố Sầm Sơn cũng tiếp tục rà soát, tổng hợp dữ liệu, tích hợp lên mã QR Code hoặc các nền tảng số những địa điểm khác của thành phố vào danh sách quảng bá du lịch. 

Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ là một trong những đơn vị ứng dụng nền tảng số trong du lịch. Ngoài việc hợp tác với doanh nghiệp viễn thông thực hiện dự án sản phẩm du lịch thông minh, Trung tâm lắp đặt tại mỗi điểm di tích của Khu di sản Thành nhà Hồ một Maker, tích hợp mã QR Code. Khi du khách quét mã QR Code có thể cập nhật ngay các thông tin liên quan, giúp việc quảng bá thông tin về Thành nhà Hồ trở nên dễ dàng.

Trung tâm cũng đang tiến hành số hóa các hiện vật tại gian trưng bày, sau đó chuyển sang lưu trữ ở dạng file mềm trên các nền tảng số. Điều này cho phép phục vụ nhanh chóng nhu cầu lưu trữ, tìm hiểu thông tin của cán bộ, nhân viên Trung tâm cũng như du khách. 

Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Ứng dụng công nghệ số là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là trong thời điểm ngành du lịch đang phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay. 

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch còn là giải pháp quan trọng để ngành du lịch Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách trong năm 2023, trong đó có hơn 610 nghìn lượt khách quốc tế.

Bình Minh và nhóm PV, BTV