Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ ban hành nhằm mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe, bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.

Một trong các nội dung quan trọng được nêu trong chương trình là vấn đề tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học, với những chỉ tiêu quan trọng như: 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa; 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định...; 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định.

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học. Bộ tài liệu này được soạn thảo bởi nhóm chuyên gia giáo dục và dinh dưỡng y khoa.  

W-bua an hoc_duong_vnn.jpeg
Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Khuê, quận Long Biên, Hà Nội hào hứng với bữa ăn trưa tại trường. Ảnh: Minh An

Theo các chuyên gia, bữa ăn bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, sự phát triển về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của học sinh.

Học sinh được thụ hưởng bữa ăn học đường với các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cân đối, phù hợp trong trường học không những giúp các em nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý rối loạn dinh dưỡng như thiếu vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm mà còn xây dựng thói quen dinh dưỡng lành mạnh. 

Theo hướng dẫn của nhóm chuyên gia gồm các nhà giáo dục và dinh dưỡng y khoa, thực đơn bữa ăn học đường cần bảo đảm đa dạng thực phẩm. Chế biến gồm có món xào, món mặn, món canh, món tráng miệng.

Nên đạt tối thiểu trên 10 loại thực phẩm khác nhau, có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó nhóm chất béo là bắt buộc, gồm: nhóm thực phẩm giàu chất đạm (thịt, cá, thủy sản, trứng, đậu đỗ...), chất béo (dầu ăn, mỡ), chất bột đường (cơm, mì, phở, bún...), rau, trái cây, sữa.

Cùng đó, thực đơn mang tính khả thi, chế biến hợp lý bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, phù hợp theo quy định và điều kiện của từng cơ sở. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm sẵn có ở địa phương và chế biến phù hợp với khẩu vị của học sinh.

Đặc biệt, để phòng các bệnh lý không lây nhiễm, các chuyên gia khuyến cáo thực đơn bữa ăn học đường cần hạn chế sử dụng đường và muối. Lượng đường không quá 15g/học sinh/ngày. Muối không quá 4g/ngày đối với học sinh tiểu học; không quá 3g/ngày đối với trẻ dưới 5 tuổi; không nên cho gia vị, muối vào thực đơn của trẻ dưới 1 tuổi; nên sử dụng muối iod trong chế biến thức ăn.  

Trẻ em tuổi học đường cần thực hiện:

- Ăn đủ 3 bữa chính trong ngày, không bỏ bữa sáng, không ăn tối quá muộn và không ăn trước khi đi ngủ.

- Ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể.

- Hạn chế ăn uống đồ ngọt như bánh, kẹo, kem, chè, nước ngọt đóng chai, nước trái cây có thêm đường… để phòng chống sâu răng và béo phì.

- Hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều chất béo như gà rán, khoai tây chiên, thức ăn rán ngập dầu, mỡ, phủ tạng động vật (tim, gan, bầu dục…).

- Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều muối như: xúc xích, dăm bông, bim bim, mì ăn liền, dưa muối, cà muối và các món kho, tim, rang mặn.

- Hạn chế chấm thức ăn vào gia vị mặn (nước mắm, xì dầu, bột canh, muối).

(Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Minh An