Việc triển khai Dự án 8 hướng đến thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em
Dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đây là lần đầu tiên, trong chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi có riêng một dự án thành phần về thúc đẩy bình đẳng giới.
Lào Cai tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”
Chiều 5/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức hội nghị triển khai dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.
Năm ngoái, các hoạt động của dự án được triển khai bám sát yêu cầu định hướng của của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Lào Cai. Các mô hình, hoạt động triển khai đã đạt được kết quả tích cực, được cán bộ, hội viên phụ nữ, Nhân dân đón nhận.
Nổi bật là, đối với nội dung 1 “Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em”, các cấp hội đã thành lập được 324 tổ truyền thông cộng đồng và tổ chức 9 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành cho 852 thành viên tổ truyền thông cộng đồng.
Đối với nội dung 2 “Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”, các cấp hội đã hỗ trợ 7 tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ.
Đối với nội dung 3 “Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn triển khai thành lập, vận hành mô hình của dự án và thành lập 63 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi…
Năm 2023, Dự án 8 sẽ tiếp tục được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”; xây dựng chương trình truyền thông trên các kênh truyền thông đại chúng và tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông qua các cuộc triển lãm lưu động. Hỗ trợ các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai củng cố, nâng cao chất lượng mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã được thành lập, khảo sát. Tổ chức các cuộc đối thoại chính sách, lựa chọn nội dung đối thoại phù hợp, thiết thực, giải quyết được những vấn đề đang đặt ra, vấn đề bức xúc, khó khăn của phụ nữ trong xã hoặc cụm thôn, bản...
Cao Bằng tổ chức 306 cuộc đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn/bản
Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Địa bàn triển khai dự án tại các xóm đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III, II, I theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 và các quyết định sửa đổi, bổ sung (nếu có), xã an toàn khu, xã biên giới. Cụ thể, 28 xóm thuộc 14 xã khu vực I, 19 xóm thuộc 6 xã khu vực II, 949 xóm thuộc 126 xã khu vực III, trong đó có 118 xóm biên giới thuộc 40 xã biên giới, 130 xóm thuộc 26 xã an toàn khu.
Trong thời gian triển khai Dự án 8, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: Thành lập 125 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động; tổ chức 306 cuộc đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn/bản; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; 42 cuộc tập huấn hướng dẫn về giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn; 33 cuộc tập huấn về lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã; 115 cuộc tập huấn về lồng ghép giới cho cán bộ thôn, xóm; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về hành động giới, lồng ghép giới trong các tổ, nhóm, câu lạc bộ về truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, địa chỉ tin cậy động đồng, câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi...
Dự án 8 giai đoạn 1 của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam triển khai theo 4 nội dung
Nhằm triển khai Dự án 8 hiệu quả, năm ngoái, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo điểm.
Theo Kế hoạch, sẽ triển khai đồng loạt các mô hình, hoạt động can thiệp của Dự án 8 tại một số địa phương đại diện theo vùng miền trên toàn quốc, từ đó làm cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Dự án 8 và lan tỏa, nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, có 8 tỉnh đại diện các vùng miền (miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Đông Nam bộ) sẽ triển khai theo Kế hoạch chỉ đạo điểm, gồm: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng. Tại mỗi tỉnh sẽ lựa chọn 1 xã phù hợp để tập trung nguồn lực và can thiệp toàn diện các mô hình của Dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.
Các mô hình, hoạt động chỉ đạo điểm sẽ bám sát nội dung, yêu cầu của Chương trình theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn, kế hoạch thực hiện Dự án 8 giai đoạn 1 của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam và gắn với nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Cụ thể, sẽ triển khai theo 4 nội dung:
Thứ nhất, thành lập và duy trì các mô hình của Dự án: Thành lập và vận hành hoạt động của các Tổ truyền thông cộng đồng; Thành lập mới/hoặc củng cố nâng chất lượng và vận hành hoạt động Địa chỉ tin cậy cộng đồng; Củng cố, nâng cao chất lượng mô hình hiện có/hoặc thành lập mới và duy trì mô hình Tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản; Thành lập, vận hành Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi tại trường học (cấp trung học cơ sở) và tại cộng đồng.
Thứ hai, các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ: Hỗ trợ phát triển sinh kế, hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩn nông sản.
Thứ ba, các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh: Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị; Phát triển năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị;
Thứ tư, triển khai các hoạt động đảm bảo tiếng nói và vai trò của phụ nữ trong các vấn đề kinh tế xã hội tại địa phương.
Ngoài ra, các mô hình, hoạt động cần được triển khai đồng bộ, đảm bảo tiến độ, hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế địa phương; các ban, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
Gia Lai:
Nhằm thúc đẩy công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang đồng loạt triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.
Bà Rơ Chăm H’Hồng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai (Trưởng ban Điều hành Dự án 8) cho biết: Với vai trò là cơ quan chủ trì, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tích cực, chủ động xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Dự án; Thành lập Ban điều hành Dự án cấp tỉnh để chỉ đạo tổ chức thực hiện Dự án; Xây dựng kế hoạch giai đoạn và kế hoạch năm tới các sở, ngành và địa phương; Nắm bắt tình hình và kịp thời hỗ trợ Hội LHPN các huyện, thị xã tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Dự án tại địa phương…
Cụ thể, Dự án 8 sẽ được triển khai tại 15 huyện, thị xã của tỉnh, trong đó, chú trọng triển khai 4 nội dung: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng; Hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và Người có uy tín trong cộng đồng tại 42 xã, 192 thôn đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh chọn 5 điểm triển khai Dự án 8 tại huyện Ia Pa, Mang Yang, Đak Đoa, Krông Pa và Phú Thiện. Tại đây, sẽ thành lập các tổ truyền thông cộng đồng; Địa chỉ tin cậy cộng đồng ở địa phương; Hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, trẻ em nghèo ở địa phương để thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản; Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi.
Cùng với đó, tại các địa phương, cấp huyện, Hội LHPN tỉnh đã giao Hội LHPN huyện chủ trì tham mưu thực hiện Dự án 8. Đến nay, 15/15 huyện, thị xã đã được phân bổ kinh phí hoạt động năm 2022 và 7/15 huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Dự án.