Trường hợp ghép thận đầu tiên là cháu Bùi Bảo Nguyên (6 tuổi, ở Thái Nguyên). Cháu bé được phát hiện suy thận từ khi mới 10 tháng tuổi do chỉ có duy nhất một quả thận bên phải và quả thận này bị thiểu sản. Bên cạnh đó, bệnh nhi còn bị chậm phát triển thể chất do suy thận mạn. Đến nay, dù đã 6 tuổi nhưng cháu chỉ nặng 13.5kg, cao 100cm.
Tuy đã được các bác sĩ điều trị bảo tồn từ khi mới 10 tháng tuổi nhưng ngày 28/8 vừa qua, bệnh nhi có dấu hiệu tăng kali máu, mức lọc cầu thận giảm thấp và được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Các bác sĩ đã tiến hành thẩm phân phúc mạc đồng thời tiến hành hội chẩn và có chỉ định cho bệnh nhân ghép thận. May mắn sau một thời gian làm các xét nghiệm, cháu Nguyên có mẹ là người phù hợp để hiến thận.
Ngày 15/9, bệnh nhi được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ghép thận. Ths.Bs Lê Anh Dũng – Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Khó khăn trong quá trình phẫu thuật mà các bác sĩ gặp phải chủ yếu là do chiều cao, cân nặng của bệnh nhi thấp, hố chậu còn quá nhỏ nên các bác sĩ không thể đặt thận vào hố chậu như các trường hợp khác mà phải tiến hành đặt thận vào ổ bụng. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi sự phối hợp vô cùng chặt chẽ của cả ê-kíp.
Sau nhiều giờ đồng hồ, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công. 4 ngày sau ghép thận, tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt, cháu tỉnh táo, ăn uống tốt, tiểu nhiều (300 - 400ml/giờ), chức năng thận trở về bình thường. Bệnh nhi đã được chỉ định ra viện ngày 26/9.
Các bác sĩ tiến hành nội soi lấy thận từ người cho - Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi Hoàng Minh Sang (15 tuổi, ở Hà Nam) mắc suy thận mãn giai đoạn cuối, cũng đã được tiến hành ghép thận thành công ngày 26/8 vừa qua.
Bệnh nhi bị hoại tử bàng quang, phải phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng một đoạn ruột, khiến bàng quang mất chức năng ngay khi mới lọt lòng. Năm 2017, cháu Sang được chẩn đoán mắc suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
Theo Ts.Bs. Nguyễn Thu Hương, Bệnh viện Nhi Trung ương, việc thực hiện chạy thận giúp người bệnh duy trì sự sống nhưng chất lượng cuộc sống của trẻ rất thấp, chế độ ăn uống kiêng khem thường khiến trẻ còi cọc chậm lớn, kèm theo rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng như cao huyết áp, suy tim,... Nếu người bệnh được thực hiện ghép thận, chất lượng cuộc sống có thể gần được như trẻ bình thường và sự phát triển thể chất giống như trẻ bình thường.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã mạnh dạn chỉ định ghép thận cho bệnh nhân, đồng thời tập huấn kĩ càng cho cháu cách tự đặt sonde tiểu, tránh để nhiễm trùng đường tiết niệu.
“Khó khăn trong quá trình ghép thận cho bệnh nhi là một thách thức lớn do thận của người cho có bất thường mạch máu cả 2 thận. Sau khi nối mạch thận, các bác sĩ không thực hiện trồng niệu quản vào bàng quang được mà phải nối niệu quản người cho vào niệu quản người nhận.” –Ths.Bs Lê Anh Dũng, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ.
Sau khi ca phẫu thuật diễn ra thành công, công tác chăm sóc hậu phẫu cho bệnh nhi vẫn được các bác sĩ chú trọng đặc biệt. Cháu Sang hiện tái khám với tình trạng sức khỏe tốt, chức năng thận ổn định, không có tình trạng nhiễm trùng tiết niệu.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, tính tới nay, đơn vị này đã thực hiện thành công 33 ca ghép thận mở ra cánh cửa sự sống cho nhiều bệnh nhi suy thận giai đoạn cuối.
Tên nhân vật đã được thay đổi
Nguyễn Liên
Bị liệt sau phẫu thuật, người đàn ông bất ngờ tìm được giọng nói
- Sau ca phẫu thuật do tai nạn giao thông, ông T. bị liệt dây thanh quản, không thể nói khiến cuộc sống bị đảo lộn nhiều.