Thay vì đi chợ hay siêu thị, nhiều bà nội trợ đã chọn mua thực phẩm tại những cửa hàng bán sản phẩm sạch, có chứng nhận rõ ràng.

So với hàng chợ, thực phẩm tại các cửa hàng thực phẩm sạch đẹp hơn nhiều do được sơ chế kỹ càng, đóng gói cẩn thận và có chứng nhận đi kèm. Phần lớn cửa hàng này do nhà vườn tại các địa phương về TP.HCM xây dựng và tổ chức bán hàng.

Có chứng nhận và đẹp

Hơn nửa giờ nhưng có vẻ chị Phạm Thị Diệp Thúy (quận Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn chưa lựa xong các loại rau tại cửa hàng Dalat GAP trên đường Điện Biên Phủ (quận 3). Hết chọn từng búp xà lách lô lô đỏ, chị Thúy lại với qua đám bông cải xanh tươi nằm trên kệ. “Tôi mua rau củ quả ở đây được mấy tháng rồi, do đi đường tình cờ thấy bảng hiệu ghi thực phẩm sạch” - vừa nói chị Thúy vừa lựa từng củ khoai lang bỏ vào túi.

Theo chị Thúy, mỗi lần đến đây chị đều mua gần như tất cả các loại rau củ cửa hàng đang có “để dành ăn cả tuần cho cả nhà”. Số tiền chi nhiều nhất cho một lần mua của chị lên đến hơn 3 triệu đồng, nhưng lúc ít cũng không dưới 1,5 triệu đồng khiến chị dường như trở thành khách VIP ở đây. “Biết là giá cao hơn ở chợ hay siêu thị không dưới 20% nhưng quan trọng là rau củ quả được trồng an toàn, không dùng hóa chất độc hại”, chị Thúy hồ hởi nói.

 

Khách hàng chọn mua sản phẩm ở một cửa hàng thực phẩm sạch tại TP.HCM

{keywords}

Trả tiền cho hi vọng

Điểm chung ở hầu hết khách hàng tìm đến cửa hàng rau sạch là mua lấy sự yên tâm cho bản thân và gia đình dù giá cao. Chị Nguyễn Thị Mộng Vân (Bình Thạnh) mua cà rốt, bông cải, rau xanh tại một cửa hàng rau sạch tại quận 3 để nấu ăn “cho người nhà đang có bệnh” cho biết nhìn thấy thứ nào cũng sạch sẽ, tươi mới nên yên tâm mua về dùng.

Chị Bạch Ngọc Hà, chủ cửa hàng Rau Ngon, cho biết rau củ trước khi đóng gói để bán đã được sơ chế và rửa kỹ càng đủ tiêu chuẩn để khách hàng mua về có thể chế biến ngay mà không cần rửa. Còn ông Nguyễn Xuân, phụ trách cửa hàng Dalat G.A.P Store, cho biết toàn bộ hàng hóa ở đây đều được trang trại trên Đà Lạt “rót” về mỗi ngày. “Cứ 4h sáng, hàng được chở đến cửa hàng, sau đó chúng tôi tiến hành vô bao, đóng gói để kịp 7h mở cửa. Chính vì vậy rau củ quả đều mới, tươi, ngon như lấy từ trang trại”, ông Xuân giải thích.

Nhà vườn về phố làm thương hiệu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết cửa hàng thực phẩm có chứng nhận và thương hiệu riêng tại TP.HCM như Dalat GAP, Rau Ngon, Organica, Gà Việt... đều do các chủ trang trại từ Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương... đầu tư. Do đã có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (như VietGAP, Global GAP hay Organic) nên phần lớn sản phẩm của các trang trại này đều được xuất khẩu, một phần nhỏ được đưa về các thành phố lớn.

“Chúng tôi dành đến 75% sản lượng sản xuất để xuất khẩu, trong đó có thị trường khó tính bậc nhất là Nhật, nên thị trường nội địa chỉ mới là những bước chân đi chập chững”, ông Nguyễn Hải Bình, giám đốc điều hành Công ty TNHH Dalat GAP, cho biết. Theo ông Bình, công ty này đang hoàn chỉnh chiến lược marketing, quảng bá trong thời gian tới với mục tiêu nâng tỷ lệ rau quả cung ứng cho thị trường nội địa sẽ tăng lên mức 50% hoặc hơn.

Ông Như Sinh, chủ cửa hàng Gà Việt trên đường Đỗ Quang Đẩu (quận 1), một trong số ít những đơn vị phân phối thịt gà có chứng nhận VietGAP, cho biết nếu như ở rau quả đạt chứng nhận VietGAP là chuyện bình thường thì đối với ngành chăn nuôi để có chứng nhận này rất khó, số trang trại chăn nuôi đạt chứng nhận này chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Hiện chúng tôi đang liên kết với một số đối tác để hoàn thiện khâu giết mổ, đóng gói nhằm mở rộng mạng lưới bán hàng tại TP.HCM trong thời gian tới” - ông Sinh nói.

Đặc biệt, theo khẳng định của ông Như Sinh, Gà Việt là một trong những nơi có giá bán thịt gà rẻ nhất tại TP.HCM hiện nay, do công ty loại bỏ các khâu trung gian để giảm giá cho người tiêu dùng. “Thời gian qua báo chí đã nói nhiều đến việc người chăn nuôi bán rẻ, người tiêu dùng mua đắt nên chúng tôi giảm tối đa khâu trung gian” - ông Sinh nói.

Theo chị Bạch Ngọc Hà, cửa hàng Rau Ngon là một hướng đi mới của Công ty TNHH Tân Đông, đơn vị chuyên xuất khẩu thực phẩm sang thị trường châu Âu. “Tất cả sản phẩm tại cửa hàng chúng tôi đều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu nhưng được bán với giá thậm chí còn rẻ hơn ở chợ và siêu thị khoảng 10%, vì chúng tôi đưa trực tiếp từ trang trại đến người tiêu dùng, không qua khâu trung gian”, chị Hà cho biết. Ngoài ra, cửa hàng Rau Ngon còn cam kết với khách hàng khi mua sản phẩm về nhà thấy rau không đẹp, ăn không ngon có thể đem đến đổi lại.

Ngày càng nhiều thực phẩm tiêu chuẩn cao

Khác với thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP (Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của VN) ngày càng trở nên phổ biến, tiêu chuẩn quốc tế Global GAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) đòi hỏi điều kiện canh tác khắt khe hơn, có sự quản lý các loại phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật nghiêm ngặt và phải do một tổ chức nước ngoài chứng nhận. Ngoài ra, thế giới ngày một sử dụng nhiều hơn thực phẩm có chứng nhận hữu cơ (organic food). Đây là loại thực phẩm không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay hóa chất tăng trưởng độc hại trong quá trình sản xuất và chế biến.

(Theo Tuổi trẻ)