Trong 3-5 năm nữa, Việt Nam cam kết sẽ xoá bỏ thuế quan đối với mặt hàng sữa theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. Tuy nhiên, giá sữa chưa chắc đã giảm ngay theo thuế.
Chia sẻ tại cuộc họp báo chiều 20/8 về đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam-EU, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hơp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đã đạt nội dung cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 11 nhóm hàng quan trọng với lộ trình 3-15 năm.
Trong đó, lộ trình dài nhất được áp dụng đối với thuốc lá, xì gá, cam kết trong 15 năm mới xoá bỏ thuế quan. Kế đế là mặt hàng thịt gà, đồ uống có cồn, ô tô các loại dưới 3,0 lít sẽ được xoá bỏ thuế quan sau 9- 10 năm.
Nhiều mặt hàng được cam kết dỡ bỏ thuế trong 7 năm như máy móc thiết bị, gỗ, hoá chất, xe máy, linh kiện phụ tùng.
Đáng lưu ý, sữa là dòng sản phẩm có lộ trình thực hiện xoá bỏ thuế ngắn nhất, chỉ sau 3-5 năm.
Đây là một trong các mặt hàng mà Bộ Tài chính hiện nay đang kiểm soát khá gắt gao bằng cơ chế giá trần, kéo dài đến hết năm 2016 với nguyên nhân, giá sữa vừa qua không giảm tương ứng với đầu vào nhập khẩu.
Trả lời cho câu hỏi, liệu khi thuế giảm, giá sữa ngoại ở Việt Nam liệu có giảm hay không, ông Hà Duy Tùng nói: "Về nguyên tắc, thuế giảm thì doanh nghiệp sẽ giảm chi phí. Tuy nhiên, giá sữa tại Việt Nam có giảm theo thuế hay không, lại còn phụ thuộc vào cơ chế phân phối, điều tiết trên thị trường của doanh nghiệp".
"Tác động có thể nhìn rõ nhất là có thể có khả năng, khi giảm thuế nhập khẩu từ EU thì sẽ có sự dịch chuyển thương mại khu vực nhập khẩu. Hiện nay, sữa ngoại ở Việt Nam nhập khẩu từ nhiều nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và cả EU. Các doanh nghiệp có thể sẽ chuyển sang nhâp khẩu sữa từ châu Âu nhiều hơn", ông Tùng cho biết.
Dù vậy, sữa cũng là một mặt hàng được cam kết xoá bỏ thuế quan theo Hiệp định thương mại tự do ký giữa ASEAN và Úc, ASEAN và New Zealand mà trong đó Việt Nam là một thành viên tham gia. Theo các hiệp định này, lộ trình xoá bỏ thuế quan sữa nhập từ hai thị trường trên vào các nước ASEAN sẽ bắt đầu từ năm 2016-2018.
Do vậy, trong 4-5 năm tới, sữa ngoại sẽ có thuế bằng 0% từ Úc, New Zealand và EU nên sẽ có sự cạnh tranh công bằng giữa các khu vực này.
"Chúng tôi cùng kỳ vọng thuế nhập khẩu giảm sẽ là một yếu tố giúp giá sữa nhập vào Việt Nam giảm", ông Tùng chia sẻ.
Hiện nay, thuế nhập khẩu sữa từ EU, Mỹ vào Việt Nam là 10%, từ New Zealand là 5%.
Thị trường Việt Nam hiện có hơn 700 mặt hàng sữa đang chịu sự điều tiết theo cơ chế giá trần kéo dài đến hết năm 2016. Trong đó, có nhiều nhãn hàng sữa châu Âu như các loại sữa bột cho trẻ em Celia, Gallia, Physiolac, Kandy, Nutriben nhập từ Pháp, sữa Aptamil, Hipp từ Đức, sữa Friso, Nan nhập từ Hà Lan...
Phạm Huyền