Ngành thuế hướng đến mở rộng
cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu
lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đạt trên 70%
tổng thu ngân sách nhà nước.
Đây là một trong 3 mục tiêu chính của kế hoạch cải cách chính sách thuế đến năm
2015.
Hoàn thiện hệ thống chính sách thuế
Theo Kế hoạch cải cách hệ thống thuế, giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ huy động thu
ngân sách nhà nước khoảng 23-24% GDP; trong đó từ phí và lệ phí khoảng 22-23%
GDP; tốc độ tăng trưởng số thu thuế, phí, lệ phí bình quân hàng năm 16-18% /năm.
Trong giai đoạn này các sắc thuế, phí và lệ phí chủ yếu gồm: thuế giá trị gia
tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất, nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp;
thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử
dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường; các loại phí và lệ phí.
Đồng thời, thuế môn bài sẽ được chuyển thành một khoản thu lệ phí quản lý hoạt
động kinh doanh hàng năm.
Tổng cục thuế sẽ hoàn thiện các chế độ thu từ tài nguyên, khoáng sản quốc gia
như: thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu đấu giá quyền khai thác khoáng sản
và thu từ dầu khí…
Kế hoạch cải cách hệ thống thuế cũng đưa ra lộ trình ban hành các văn bản pháp
luật về thuế nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách thuế.
Cụ thể: trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng
(2014); Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân (2012); Luật sửa đổi,
bổ sung Luật thuế tài nguyên (2015); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
(2014); lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 5/2013, kỳ 5/QH13 và trình Quốc hội thông
qua Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) vào tháng 10/2013 Kỳ 6/QH13;
trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
năm 2013; trình lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 5/2013, kỳ 5/QH13 và trình Quốc
hội thông qua Luật phí, lệ phí vào tháng 10/2013, kỳ 6/QH13.
Hỗ trợ người nộp thuế 24/24h
Một trong những nội dung quan trọng ngành thuế đặt ra là phấn đấu đến năm 2015,
Việt Nam sẽ là 1 trong 5 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức
độ thuận lợi về thuế.
Để đạt được điều này, ngành thuế sẽ thành lập ít nhất 3000 đại lý thuế và xây
dựng hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý thuế đáp ứng yêu cầu tự động hóa tối
thiểu 80.
Đối với người nộp thuế, ngành thuế đặt mục tiêu hỗ trợ tối thiểu 75% người nộp
thuế được tiếp cận đầy đủ và kịp thời các thông tin thay đổi về chính sách thuế,
thủ tục hành chính thuế và ít nhất 70% số lượng người nộp thuế hài lòng với các
dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp.
Ngành thuế sẽ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thủ tục hành
chính thuế chủ yếu bằng hình thức điện tử trực tuyến, tập trung thống nhất; tự
động hoá trong việc cung cấp thông tin tra cứu hỗ trợ người nộp thuế thực hiện
nghĩa vụ thuế thường xuyên 24/24 giờ. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các tổ
chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Ngoài ra, kế hoạch cải cách hệ thống thuế cũng hướng đến cung cấp dịch vụ để tối
thiểu có 60% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử; 50% doanh nghiệp
đăng ký thuế, khai thuế qua mạng Internet; tỷ lệ khai thuế đã nộp trên tổng số
tờ khai thuế phải nộp tối thiểu là 90%; tỷ lệ tờ khai thuế đúng hạn đạt tối
thiểu là 85%; tỷ lệ tờ khai thuế được kiểm tra tự động qua phần mềm ứng dụng của
cơ quan thuế đạt tối thiểu là 95%.
- Bùi Văn Nam (Tổng cục trưởng Tổng cục thuế)