Nhiều DN lớn trong nước thuê CEO quản lý. Việc thuê sếp ngoại lúc nào cũng được chú ý, ầm ĩ nhưng khi bước vào thực tế kinh doanh không phải lúc nào cũng như trông đợi.

Các tin liên quan

Thiếu gia 8x thử thách làm sếp thời khó khăn

Khó khăn, doanh nghiệp trông cậy sếp già

Kinh doanh lận đận, liên tiếp đổi sếp cầu may

 Thuê Tây làm cho ta

Tờ trình ứng viên được đề cử, ứng cử vào chức danh Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2013 - 2017 của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) vừa công bố có thêm Ông David Alexander Newbigging. Hiện tại, ông David không nắm giữ cổ phiếu REE nhưng được đề cử bởi cổ đông nắm giữ 27,65 triệu cổ phiếu REE là Platium Victory Pte Ltd.

Xu hướng những doanh nhân nước ngoài được bổ nhiệm ban lãnh đạo của DN trong nước gần đây khá phổ biến. Làn sóng cậy nhờ sếp ngoại bắt đầu mạnh mẽ nhất từ năm 2010-2011 với câu chuyện xôn xao tại Techcombank khi ngân hàng này thay tổng giám đốc đã gắn bó 12 năm, ông Nguyễn Đức Vinh bằng ông Simon Morris, quốc tịch Anh, làm người kế nhiệm.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính khi đó cho rằng, Techcombank đã có một giai đoạn cực kỳ thành công với vị CEO Việt cũ. Tuy nhiên, ở một giai đoạn phát triển mới, với kỳ vọng mới việc chọn một sếp ngoại có lý lịch hoành tráng được khá nhiều người ủng hộ. Vị sếp mới được kỳ vọng sẽ có thể hỗ trợ Techcombank duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ ở một quy mô mới, một môi trường khó khăn và cạnh tranh hơn.

{keywords}

Hồi cuối tháng 3/2012, Maritime Bank thông báo bổ nhiệm tổng giám đốc mới là ông Atul Malik người Ấn Độ với kỳ vọng công tác quản trị, điều hành sẽ bắt kịp thông lệ quốc tế đưa ngân hàng ngày càng tiến xa.

Trước đó, trong lĩnh vực ngân hàng, CEO ngoại đầu tiên được nhắc đến là ông Lau Boon Tuan, quốc tịch Singapore, đến với Ngân hàng Mekong Bank, có trụ sở ở Tiền Giang.

Hiện tượng người nước ngoài làm việc ở các vị trí cao nhất tại các DN trong nước ngày càng nhiều. Trường hợp ông In Suk Ko (nguyên Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Hàn Quốc, kiêm Tổng Giám đốc Hyundai Investment) được bổ nhiệm vào vị trí tổng giám đốc Bitexco hồi đầu năm 2011; ông Laude, quốc tịch Pháp, về nắm quyền tổng giám đốc Đồng Tâm năm 2008; ông Chad Ovel, người Mỹ làm tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA; ông Ogawa Takeo cũng chính thức được bổ nhiệm làm giám đốc Công ty FPT Nhật Bản đầu năm 2010; ông Madhur Maini làm tổng giám đốc và thành viên HĐQT Tập đoàn Masan…

Mục tiêu của việc bổ nhiệm các nhà lãnh đạo ngoại không gì khác ngoài việc tận dụng kinh nghiệm, quan hệ, hiểu biết… của họ để doanh nghiệp phát triển, vươn rộng ra thế giới. Tuy nhiên, việc cậy nhờ sếp ngoại không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Những khó khăn gần đây của không ít DN phải nhìn nhận lại vấn đề.

Dấu ấn cá nhân chưa rõ nét

Hoạt động của các nhà lãnh đạo ngoại tại nhiều doanh nghiệp trên thực tế có nhiều điểm đáng ghi nhận với sự phát triển khá nhanh của Masan, lợi nhuận và tài sản tăng khá mạnh ở Mekong Bank…

Tuy nhiên, có một điều mà các nhà đầu tư nhận thấy ở nhóm các nhà lãnh đạo ngoại là dấu ấn cá nhân của đội ngũ này chưa thực sự ấn tượng so với những kỳ đặt ra.

Trên thực tế, ai cũng biết năm vừa qua, các ngân hàng đã gặp rất nhiều khó khăn, nợ xấu ngập đầu do nhiều thị trường như BĐS, chứng khoán… suy giảm. Cho nên, nhiều sếp ngoại về ngân hàng nhưng vẫn có kết quả kinh doanh không như mong đợi khi lợi nhuận sụt giảm mạnh so với năm trước đó. Thậm chí, có lúc nảy sinh những vấn đề nằm ngoài dự báo và tầm kiểm soát.

{keywords}

Còn tại Maritime Bank, mặc dù CEO là người nước ngoài mà kỳ vọng là để công tác quản trị, điều hành sẽ bắt kịp thông lệ quốc tế nhưng tình hình công bố thông tin của ngân hàng này cũng khá thiếu cập nhật.

Cho tới thời điểm gần cuối tháng 3/2013, giới đầu tư vẫn chưa biết tình hình hoạt động của đơn vị này trong năm 2012 hay 6 tháng đầu năm 2012 như thế nào? Báo cáo thường niên mới chỉ có tới năm 2011 với lợi nhuận giảm khá mạnh so với năm liền trước.

Giới đầu tư thực sự không ấn tượng với dấu ấn cá nhân của các nhà lãnh đạo ngoại. Họ không thấy bóng dáng của những vị “tướng”, không thấy được những quyết định mang tính đột phá hay những bước đi đầy chắc chắn ở một số doanh nhân nội ‘gạo cội”.

Nhiều trong số các CEO ngoại có hồ sơ rất hoành tráng nhưng dường như sự thể hiện ở các DN Việt Nam chưa được như vậy. Rất có thể, tình hình khó khăn chung đã làm khó các doanh nhân này. Nhưng một phần lý do có lẽ còn nằm ở mối quan hệ thực sự giữa hai bên trong nước và nước ngoài.

Ở các doanh nghiệp mà CEO ngoại đồng thời là cổ đông, việc trao quyền đổi mới phát triển kinh doanh còn bị hạn chế, chưa nói tới các doanh nghiệp mà CEO ngoại thuần túy được thuê. Khúc mắc còn nằm ở chỗ, để CEO được thuê (cả nội và ngoại) làm tốt công việc thì một điều quan trong là họ phải được tin tưởng và giao toàn quyền. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản với tầm phát triển của các doanh nghiệp Việt hiện nay.

Bên cạnh đó, còn một vấn đề là nhiều khi CEO ngoại giỏi chuyên môn nhưng để làm kinh doanh thành công là họ cần phải hiểu được môi trường kinh doanh Việt Nam. Đây có lẽ cũng là những rào cản khó vượt qua.

Huấn Tú