Quảng Ninh đang khuyến khích
chuyên gia và các nhà đầu tư chung tay thực hiện lộ trình hình thành Thung lũng
dược liệu xanh Yên Tử hay Thung lũng cây thuốc Việt Nam vào năm 2020, đưa Quảng
Ninh trở thành trung tâm dược liệu mang tầm quốc gia.
Đầu tháng 11/2014 tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát
triển dược liệu Quảng Ninh” lãnh đạo Bộ Y tế vừa công bố Quyết định thành lập
Ban chỉ đạo xây dựng vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Quốc gia Yên Tử; Quyết
định thành lập Ban soạn thảo đề án xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc
Quốc gia Yên Tử.
Dự kiến lộ trình thực hiện của đề án Thung lũng cây thuốc Việt Nam tại Yên Tử có thể
được chia thành 3 giai đoạn. Từ năm 2012 - 2015 là giai đoạn hoàn thành việc xây
dựng các công trình và khai trương các hạng mục. Giai đoạn 2 từ năm 2016 - 2020
sẽ đưa Yên Tử trở thành “Vườn cây thuốc quốc gia” và tham gia phát triển kinh tế
địa phương.
Từ năm 2020 trở đi sẽ phát triển Yên Tử thành Thung lũng cây thuốc Việt Nam hay
Thung lũng dược liệu xanh Yên Tử.
PGS.TS Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục quản lý Y dược cổ truyền cũng khẳng định,
việc thành lập Ban chỉ đạo và Ban soạn thảo đề án xây dựng Vườn bảo tồn và phát
triển cây thuốc Quốc gia Yên Tử có ý nghĩa quan trọng. Bởi Vườn sẽ góp phần gìn
giữ nguồn gen, nhân giống dược liệu, từ đó tạo điều kiện cho các địa phương lân
cận trong tỉnh phát triển trồng, chế biến và tiêu thụ dược liệu.
Thung lũng dược liệu xanh Yên Tử hứa hẹn mở ra cơ hội liên kết, hợp tác doanh
nghiệp, HTX, qua đó xây dựng thành một chuỗi trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu
khép kín và chuyên nghiệp, tạo nguồn thu ổn định và bền vững từ dược liệu ở
Quảng Ninh.
Mặt khác, Quảng Ninh cũng kì vọng khi hình thành, Thung lũng dược liệu xanh Yên
Tử sẽ góp thêm vào bản đồ du lịch Việt Nam một địa danh thu hút du khách trong
và ngoài nước.
Cũng trong khuôn khổ “Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát
triển dược liệu Quảng Ninh” vừa qua, đại diện tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu đến
các nhà đầu tư về tiềm năng, thế mạnh chế biến và sản xuất, phát triển dược liệu
ở Quảng Ninh cũng như những cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa nhà đầu tư,
doanh nghiệp với các địa phương.
Quảng Ninh thuộc 1 trong 8 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh ở
VN, sở hữu trên 600 loài dược liệu, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, có giá
trị kinh tế cao như: Ba kích, hồi, quế, bình vôi, hoàng đằng, đẳng sâm, thổ phục
linh, nấm linh chi…
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư tạo ra các vùng trồng dược liệu tập trung,
quy mô lớn và từng bước phát triển công nghiệp dược, hiện Quảng Ninh đang không
ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao cạnh tranh.
Hàng năm Quảng Ninh còn dành một khoản ngân sách hỗ trợ các đề tài, dự án khoa
học công nghệ nghiên cứu về lĩnh vực nuôi trồng và phát triển nguồn tài nguyên
dược liệu, nghiên cứu sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm từ dược liệu.
Quảng Ninh đồng thời đang xây dựng chính sách hỗ trợ hoặc cho vay ưu đãi đối với
doanh nghiệp, cá nhân trong chuyển đổi cây trồng là dược liệu, trợ cước trợ giá,
đào tạo nghề nuôi trồng dược liệu...
B. An (tổng hợp)