Chính quyền thiếu trách nhiệm, nông dân hám lợi là nguyên nhân khiến việc Trung Quốc ồ ạt thu mua nông sản không rõ mục đích vẫn diễn ra.
Trước thực trạng thương lái Trung Quốc vào Việt Nam thu mua nông sản giá rất cao với mục đích không rõ ràng sau đó bỏ mặc nông dân, TS Lê Đăng Doanh - nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đặt câu hỏi: "Họ mua vì mục đích thương mại hay mục đích nào khác?".
TS Lê Đăng Doanh phân tích, việc mua lá cây điều, lá khoai lang hay mầm, rễ cây thảo quả là hành động phá hoại kinh tế, không phải hành động thương mại. Hành động thương mại tức là sự mua bán 2 bên cùng có lợi.
Theo TS Lê Đăng Doanh, cần có một nghiên cứu, khảo sát, báo cáo đầy đủ về các thủ đoạn, hành vi của thương lái Trung Quốc trên cơ sở đó, Bộ Công thương cần có hướng dẫn cụ thể, đối với thương lái không có lai lịch, đăng ký khi mua cần phải báo cáo và phải ngăn chặn về mặt pháp luật hoặc thông báo đến nông dân, địa phương để có biện pháp phòng ngừa, cảnh giác.
Thương lái Trung Quốc đang ồ ạt thu mua mầm thảo quả với giá cao. |
"Thương lái Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được. Các hành vi này chỉ mới thấy ở Việt Nam, chưa thấy ở các nước láng giềng khác", TS Lê Đăng Doanh nói.
TS Lê Đăng Doanh cho biết, để tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau, với nhiều mặt hàng khác nhau trong một thời gian dài một phần vì người dân hám lợi, thấy mua với giá cao ồ ạt đi trồng, thu mua, mong có thu nhập trước mắt. Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là do chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm.
"Đề nghị Quốc hội chất vấn với các cơ quan có trách nhiệm", TS Lê Đăng Doanh kiến nghị.
Đồng quan điểm GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cho biết, ý đồ của Trung Quốc khi ồ ạt thu mua các loại nông sản của Việt Nam là muốn phá hoại kinh tế, và sự quản lý chưa chặt chẽ của chính quyền địa phương là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo TS Võ Tòng Xuân, chính quyền địa phương đáng ra phải tập hợp những thương lái này lại, làm hợp đồng mua bán, nếu kinh doanh phải có đăng ký kinh doanh mới được kinh doanh.
TS Võ Tòng Xuân cũng chỉ ra, điểm yếu kém của Việt Nam là không có thâm nhập vào thị trường Trung Quốc để biết Trung Quốc đang cần gì hoặc mua các mặt hàng nông sản của mình để làm gì mà luôn trong thế thụ động để thỉnh thoảng Trung Quốc qua mua cái này cái kia, không biết mục đích mua để làm gì.
Theo quan sát và nghiên cứu của TS Trương Duy Hòa, TS Nguyễn Thành Văn, TS Nguyễn Hồng Quang (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) việc Trung Quốc thu mua ồ ạt nông sản giá cao với mục đích không rõ ràng không có ở các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan.
Mới đây, Bộ Công thương đã liên hệ với các sở Công thương và các sở chức năng tại các địa phương, chi cục Quản lý thị trường và cán bộ các Sở công thương đã trao đổi trực tiếp với nông dân các vùng miền.
Theo đó, yêu cầu việc mua đi bán lại với các thương lái phải có địa chỉ rõ ràng, có hợp đồng mua bán khi diễn ra việc mua nông sản, nhiều trường hợp khi được yêu cầu có đủ các điều kiện này, đã "lặn mất tăm".
(Theo Đất Việt)