Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo hơn kỹ năng mua sắm trực tuyến, thậm chí một bộ phận đáng kể người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến hơn so với mua sắm truyền thống.
Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” sau đợt dịch thứ tư.
Từ những khó khăn do phụ thuộc vào một kênh mua sắm duy nhất trong giai đoạn đại dịch, đông đảo khách hàng đã trở nên quen thuộc với hình thức mua sắm đa kênh và từ năm 2022, hình thức này sẽ trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo.
Ba lĩnh vực có mối quan hệ qua lại là bán lẻ trực tuyến (Online Retail), tài chính số (FinTech) và giao hàng chặng cuối (Last Mile Delivery) cùng tăng trưởng mạnh mẽ. Các lĩnh vực gọi xe và gọi đồ ăn công nghệ cùng nhiều lĩnh vực kinh doanh tương đối mới như giáo dục số (EdTech), bất động sản số (PropTech) hay chăm sóc sức khỏe số (HealthTech) có sự tăng trưởng nhanh.
Trong khi đó, dịch vụ tiếp thị số (Digital Marketing) gặp nhiều khó khăn và dịch vụ du lịch trực tuyến (Online Travel) suy giảm nghiêm trọng.
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022 với 90,6 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 85,9 điểm và kém TP.HCM 4,7 điểm. Đứng thứ ba trong bảng xếp hạng là Đà Nẵng với 36,6 điểm và có khoảng cách rất xa so với TP.HCM và Hà Nội.
Điểm trung bình của Chỉ số năm nay là 20,4 điểm. Vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa hai đầu cầu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM với các tỉnh thành còn lại.
Khảo sát của VECOM cho thấy tới tháng 3 năm 2022 có 44 địa phương trong số 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và vận hành sàn thương mại điện tử. Phần lớn các địa phương giao cho Sở Công Thương là đơn vị chủ quản.
Trước đó, báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain&Company đánh giá kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 31% so với năm 2020 và đạt quy mô 21 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tăng trưởng tới 53% và đạt quy mô 13 tỷ USD.
Thư Kỳ
Với giá 5 triệu đồng, chè đinh Tân Cương, một sản vật nổi tiếng của Thái Nguyên, được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Postmart. Đây là loại chè có giá đắt nhất trên sàn này.