Chuyện thưởng Tết cho giáo viên chênh nhau rất lớn từ thành thị tới miền núi, từ các cấp bậc của trường học. Có nơi giáo viên được thưởng gần chục triệu đồng, có nơi chỉ được một cân giò bò hay chỉ là quà biếu của bà con dân tộc gửi cho, là cân măng khô hay con gà.

Nơi chục triệu đồng, nơi vài trăm ngàn
Năm nay, nhiều giáo giáo viên THPT tại TPHCM đã bớt âu lo hơn khi mức thưởng cuối năm lên đến con số chục triệu đồng. Các trường thưởng cao tập trung ở các quận trung tâm như quận 1, 3, Phú Nhuận… Và một số trường ở “vùng ven” như quận 9, Thủ Đức… có mức thưởng cũng kha khá đủ làm cho những giáo viên hàng chục năm theo nghề giáo chưa biết đến khái niệm thưởng Tết được an ủi phần nào.


Giáo viên miền núi được thưởng Tết con gà hay cân măng khô do bà con dân tộc gửi.

Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) có mức thưởng khoảng 1,5 triệu đồng. Nhiều trường tiểu học, mầm non ở khắp các quận, huyện ký nhận tiền thưởng 200.000 đồng đến 500.000 đồng như mức các năm trước.

Thậm chí nhiều trường còn không có mức thưởng nào khác chỉ biết chờ hoàn toàn vào mức thưởng Tết cho giáo viên từ UBND TP. Năm 2010, mỗi cán bộ - giáo viên khối các trường thuộc Sở GD-ĐT TPHCM được thưởng 600.000 đồng/người.

Khác với TPHCM, Hà Nội không quy định mức thưởng Tết cho giáo viên mà tùy thuộc vào từng trường. Do vậy, mỗi trường có mức thưởng Tết khác nhau, có trường thưởng cao nhất là 3,8 triệu đồng, có trường, giáo viên không có tiền thưởng.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD- ĐT Hà Nội cho biết: “Sở GD- ĐT không quy định mức thưởng Tết cho giáo viên, việc này tùy thuộc hoàn toàn vào quyết định của từng trường”. Mỗi trường học ở Hà Nội có cách thưởng khác nhau tùy thuộc vào kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm hàng năm của nhà trường. Do vậy, thường các trường thưởng Tết cho giáo viên tháng lương thứ 13.

Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Kạn Nguyễn Văn Bền ngậm ngùi: “Là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, nên Bắc Kạn không có tiền hỗ trợ giáo viên. Giáo viên cắm bản gắn bó với đồng bào dân tộc, cả năm vất vả nhưng nhiều khi mức thưởng chỉ là con gà hay cân măng bà con quý mà gửi cho”.

Trường Tiểu học Trương Công Định, TP Vũng Tàu thưởng Tết cho mỗi giáo viên một cây giò bò trị giá hơn 100 nghìn đồng. Cán bộ giáo viên các trường tiểu học ở Bà Rịa - Vũng Tàu có mức thưởng chỉ từ 50 - 100 nghìn đồng/người.

Khối các trường THPT ở Bà Rịa - Vũng Tàu có mức thưởng cao nhất dao động từ 400 nghìn đến một triệu đồng/người.

Tiền thưởng Tết cho giáo viên từ đâu?
Mức thưởng tiền triệu chỉ ở một số trường được lý giải là tiến kết dư rơi vào cuối năm, trích từ các khoản quỹ tự có của trường như tiền thu căng-tin, giữ xe, cho thuê địa điểm dạy ngoại ngữ, tin học… Đây là nỗ lực của các trường để bên cạnh giá trị tinh thần còn có món quà vật chất để giáo viên bớt lo lắng khi năm mới về, có điều kiện tập trung hơn vào chuyên môn

Theo "truyền thống" từ trước đến nay, trong danh mục chi trả cho GV của các trường không có khoản tiền thưởng Tết. Lý do: Trường không phải là doanh nghiệp, không có nguồn thu thì lấy đâu ra kinh phí để chi. Và vì thế, bao nhiêu năm qua, ngành giáo dục gần như không tồn tại khái niệm thưởng Tết.

Nghịch lý đó tồn tại một cách tự nhiên trong xã hội suốt thời gian qua. Trong khi đó, các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đều có tiền thưởng Tết, thưởng lương tháng 13. Ngay cả những đơn vị hành chính sự nghiệp, được khoán biên chế cũng có tiền thưởng Tết. Đó là chưa nói đến những ngành có mức thưởng cao như ngân hàng, điện lực... với những món tiền thưởng từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng. Nghịch lý đó càng làm cho giáo viên tủi thân khi mỗi độ Xuân về, Tết đến.

Những trường có điều kiện, chủ yếu ở TP, thị xã, tận dụng được mặt bằng cho thuê giữ xe, học ngoại ngữ ban đêm, căng-tin..., được Công đoàn tích góp lại, cuối năm chia cho anh chị em vài trăm ngàn đồng. Một số địa phương có nguồn thu tương đối cũng chi cho giáo viên vài trăm ngàn đồng. Nhiều trường ở nông thôn với sự nỗ lực của hội phụ huynh, Tết đến cũng cố gắng dành cho giáo viên phần quà khi là gói trà, gói kẹo nhỏ, chủ yếu để an ủi về mặt tinh thần.

Cô Trinh, giáo viên tiếng Anh một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, cho biết cô đã mua sắm một số hàng hóa thiết yếu chuẩn bị cho Tết như dầu ăn, mắm muối, bia… từ tuần trước. Lễ tết Tây, gia đình cô không hề mua sắm, vui chơi gì. Chưa lĩnh tiền thưởng Tết nhưng biết năm nay cũng thưởng từ 300.000 - 500.000 đồng như mọi năm nên cô phải "chạy Tết" sớm.

Chồng cô cũng là giáo viên một trường THCS nên cô thấy Tết nhà mình khổ… gấp đôi nhà khác. “Năm ngoái cầm tiền thưởng Tết của hai vợ chồng chỉ mua được mấy ký nếp, cân thịt, ít năm muối là hết. Nhờ hai bên nội ngoại nên Tết còn rôm rả một chút chứ vợ chồng lo không nổi”, cô bộc bạch.

Tú Uyên (Tổng hợp từ Báo Dân Trí, Người lao động, Tiền Phong)