Theo Reuters và đài FRI, chiều 3/10, Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật trừng phạt Trung Quốc thao túng tiền tệ.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer, một trong những tác giả của dự luật này cho hay, dự luật trên sẽ được thông qua với số phiếu áp đảo tại Thượng viện trước khi chuyển sang Hạ viện xem xét.

Hôm 30/9, Thượng nghị sỹ Schumer nói: "Thời điểm đề nghị Trung Quốc một cách lịch sự đã qua rồi". Tuy nhiên, dự luật trên sẽ vấp phải sự phản đối của chính quyền Tổng thống Barack Obama và các nghị sỹ Cộng hòa tại Hạ viện.

Thượng viện Mỹ. Ảnh: Phương Loan

Nhiều quan chức Mỹ cho rằng các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện không có kế hoạch đưa dự luật ra thảo luận và bỏ phiếu, trừ phi đây là một trong những vấn đề chính trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2012.

Tuần trước, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney phát biểu với báo giới rằng chính quyền Obama sẽ xem xét lại dự luật và chưa đưa ra lập trường chính thức về vấn đề này.

Dự luật kêu gọi trừng phạt Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh nhiều nghị sỹ Mỹ bất bình trước việc chính quyền của Tổng thống Obama cũng như của người tiền nhiệm George W. Bush, trong các báo cáo thường niên, đã từ chối chính thức chỉ rõ Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, qua đó gây thiệt hại về kinh tế và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ (hiện lên tới 9,1%).

Trong một nghiên cứu gần đây của Học viện Chính sách kinh tế, kể từ năm 2001, thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã làm mất gần 2,8 triệu việc làm ở Mỹ.

Trong khi đó, hãng tin chính thức Tân Hoa của Trung Quốc ngày 2/10 đã cho đăng bài bình luận chế nhạo nỗ lực của các nghị sỹ Mỹ nhằm gây sức ép với Bắc Kinh về chính sách tiền tệ là "nông cạn và thủ đoạn", đồng thời cáo buộc Mỹ đang lặp lại thói quen cũ đổ trách nhiệm cho Trung Quốc.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) cuối tuần qua đã tái khẳng định việc duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và bình ổn giá cả tiếp tục là ưu tiên trọng tâm. Theo PBoC, kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh và ổn định, sức ép lạm phát đã dịu bớt song vẫn ở mức cao. Vì vậy, tỷ giá đồng nhân dân tệ cần được giữ ổn định ở mức cân bằng và hợp lý.

Tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc từng tăng lên 6,5% trong tháng 7, mức cao kỷ lục trong 37 tháng và hạ nhiệt xuống 6,2% trong tháng 8, song con số này vẫn là mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Để kiềm chế lạm phát, PBoC đã 3 lần tăng lãi suất cơ bản và 6 lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại.

Theo TTXVN