Phần lớn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và ngân sách của năm 2010 đạt và vượt, trong đó có tốc độ tăng trưởng GDP, thu ngân sách và giảm bội chi, nhưng chỉ tiêu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại không đạt. CPI bình quân năm 2010 tăng đến 9,19% so với năm 2009 khiến các thành viên Thường vụ QH rất lo ngại.

Báo cáo có thể thấp hơn thực tế

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết CPI năm vượt xa mức dự báo 8%, chủ yếu do biến động giá ở những nhóm hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. CPI tháng 1/2011 tăng 1,74% so với tháng 12/2010, dự báo tháng này còn tiếp tục tăng cao.

Muốn kinh tế phát triển tích cực, nâng cao đời sống nhân dân thì lạm phát và CPI phải tăng thấp hơn tốc độ tăng
trưởng GDP. Ảnh: Hoàng Hà (VNE)
 

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình đề nghị sớm có số liệu cập nhật đến hết tháng 2 vì chắc chắn giá cả tăng trong dịp Tết sẽ còn khiến chỉ số CPI nóng hơn nhiều.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên lo ngại con số nêu ra trong các báo cáo có thể vẫn còn thấp hơn thực tế, con số thực thậm chí có thể cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP.

Ông Kiên dẫn chứng một số nước như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ vừa giữ được tốc độ tăng trưởng GDP cao, vừa kiềm chế được lạm phát và đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp để mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát được điều chỉnh hợp lý hơn. “Nói gì thì nói, muốn kinh tế phát triển tích cực, nâng cao đời sống nhân dân thì lạm phát và CPI phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP”.

Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh hệ lụy của sự mất cân đối này chính là những thách thức phải đối mặt trong năm 2011. “CPI cao sẽ tác động đến việc sử dụng các công cụ lãi suất của ngân hàng. Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, mà sản xuất kinh doanh bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của nhân dân, người lao động”, ông Kiên phân tích.

Đặc biệt, CPI quá cao cũng khiến tỉ lệ giảm nghèo không còn nhiều ý nghĩa, vì rất nhiều đối tượng cận nghèo bị đẩy xuống mức nghèo, điều này ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của nhân dân.

Ông Lê Quang Bình đề nghị CP sớm công bố công khai các biện pháp kiểm soát lạm phát và giá cả tăng phi mã. “Giá lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng tăng nhanh, khiến người nghèo và người thu nhập trung bình ‘đi chợ như là bị móc túi’”, ông Bình nói.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì cho rằng cần tập trung nghiên cứu ngay từ bây giờ dự báo CPI của năm 2011, với một loạt mặt hàng như điện, nước, xăng dự báo sẽ đồng loạt tăng giá, để có biện pháp đối phó kịp thời.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh đến công tác chỉ đạo điều hành. Ông cho biết khi QH thông qua chỉ tiêu lạm phát tính theo CPI tăng không quá 7% là đã tính đến những yếu tố rủi ro của một nền kinh tế chưa ổn định, nhưng các cơ quan thừa hành lại công khai con số là không quá 8%.

“Nghị quyết QH ra thì cứ ra, cơ quan chấp hành cứ làm theo ý mình thì không để đảm bảo tính hiệu lựa của Nghị quyết QH”, ông Kiên nói. “QH đưa ra các ràng buộc không phải để có những con số đẹp, mà là để đòi hỏi chất lượng cao hơn cho nền kinh tế, chất lượng cao hơn của đời sống nhân dân, các cơ quan điều hành phải nghiêm túc phấn đấu đạt chỉ tiêu như QH đề ra”.

Chỉ nhìn con số thì dễ thỏa mãn…


Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, để đối phó với lạm phát, NHNN đã báo cáo với Chính phủ hai giải pháp: đưa ra tín hiệu tăng lãi suất và tăng dự trữ bắt buộc. Tuy vậy, trong điều kiện cầu lớn nhưng cung bị kiểm soát chặt chẽ dẫn đến khả năng thanh khoản không rộng rãi, biện pháp tăng dự trữ bắt buộc khó có thể áp dụng.

Do đó, NHNN chọn cách nâng lãi suất để thu hút tiền trong dân, đồng thời các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc tính toán việc sản xuất kinh doanh một cách thận trọng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đinh Huệ nhận định việc tăng lãi suất năm 2010 khiến các ngân hàng thương mại “lãi to” nhưng các doanh nghiệp thì kêu ca rất nhiều. “Dù rất thông cảm cho các NH thương mại vì kinh doanh tiền tệ rủi ro lớn, cần có lãi phòng lúc thất bát, nhưng cần rà soát cơ cấu thu nhập của các ngân hàng, nếu chủ yếu là từ cho vay thì cần xem lại, không để tình trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể vay được vốn”, ông Huệ nói.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng không đồng ý với ý đồ của NHNN là các lãi suất cao sẽ khiến các doanh nghiệp tính toán thận trọng hơn. “Nếu không tính toán được, họ vẫn phải đi vay và rất khó khăn trong việc trả nợ, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Thu Ba nói.

Theo bà, cách nghĩ như của NHNN mới chỉ là những tính toán một chiều, một phía, chưa phù hợp với thực tiễn.

Về việc thị trường ngoại hối biến động mạnh, theo lý giải của Thống đốc NHNN, là do nước ta nhập siêu lớn và kéo dài, cung cầu ngoại hối mất cân đối. Năm ngoái, NHNN đã tiến hành điều chỉnh tỉ giá hai lần, ngày 11/2 vừa rồi lại điều chỉnh một lần nữa.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhận định “quản lý thị trường ngoại tệ vẫn là việc nói bao nhiêu năm rồi mà không làm được”. “Thị trường VN hiện đang bị 3 phương tiện thanh toán chi phối: đồng VN, ngoại tệ mạnh và vàng. Nếu không sớm có biện pháp quyết liệt thì nguy cơ mất cân đối sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, ai có tiền tiết kiệm đều mua vàng hoặc đổi ra đôla, huy động vốn trong dân sẽ trở nên khó khăn hơn”, ông Thuận nói.

Ông Thuận cũng lo ngại các con số tăng trưởng, thu chi mới chỉ phản ánh về lượng, chứ chưa có sự đánh giá về chất của sự tăng trưởng, thu chi. Rõ ràng trong tăng trưởng, ngoài yếu tố sản xuất kinh doanh, phần lớn nguyên nhân nằm ở giá cả tăng cao và đồng tiền mất giá. Vì vậy, “nếu chỉ nhìn con số thì dễ thỏa mãn, nhưng chất vẫn là câu hỏi lớn”, ông Thuận nói.

Nếu không trả lời được câu hỏi này thì cũng sẽ không trả lời được câu hỏi mà kỳ tiếp xúc cử tri nào dân cũng hỏi các đại biểu: “Tại sao năm nào kinh tế cũng tăng trưởng cao với con số đẹp, vậy mà đời sống nhân dân không tăng trưởng kịp với những con số đó?”.

Thủy Chung