Sebastian Siemiatkowski, nhà sáng lập công ty fintech Klarna cho biết một trong những lý do khiến Klarna thành công như ngày hôm nay là nhờ vào chính sách trang bị máy tính cho mọi nhà của chính phủ Thụy Điển.
Nói với Reuters, Siemiatkowski cho rằng việc chính phủ nước này yêu cầu mọi nhà đều phải có máy tính vào những năm 1990 và sớm hỗ trợ người dân đầu tư vào Internet là lý do thủ đô Thụy Điển trở thành mảnh đất sản sinh hàng loạt công ty khởi nghiệp. Đây cũng chính là nơi ra đời của nhiều tập đoàn nổi tiếng như H&M, Spotify, và Skype.
Sebastian Siemiatkowski, CEO công ty tài chính công nghệ Klarna. Ảnh: The Australian. |
"Sở hữu một chiếc máy tính là một điều không tưởng đối với những gia đình thu nhập thấp như tôi, nhưng nhờ có chính sách của chính phủ, mẹ tôi đã mua cho chúng tôi một chiếc máy tính ngay ngày hôm sau", anh chia sẻ với Reuters.
Siemiatkowski bắt đầu tập viết code trên máy tính khi anh 16 tuổi. Sau này, khi anh thành lập Klarna và trải qua hơn 2 thập kỷ, công ty của anh đã được định giá 46 tỷ USD.
Trong khoảng thời gian mà chính sách nói trên có hiệu lực, từ 1998-2001, 850.000 máy tính được bán ra, phủ gần 1/4 số hộ gia đình tại Thụy Điển khi đó. Ngoài việc trang bị máy tính, việc phổ biến mạng băng rộng cũng giúp nhiều công ty Internet như Spotify phát triển.
Khi Spotify mới ra mắt, đây là dịch vụ thuần nghe nhạc trực tuyến, trong khi iTunes của Apple vẫn yêu cầu phải tải xuống. Chính điều này đã mang lại lợi thế cho Spotify khi phát nhạc trực tuyến trở thành xu hướng trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, phúc lợi xã hội tốt cũng góp phần đưa Thụy Điển trở thành nơi có tỷ lệ khởi nghiệp cao thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha, với hơn 20 công ty khởi nghiệp trên 1000 nhân viên văn phòng. Tỷ lệ startup tồn tại sau 3 năm tại nước này là 74%, theo nghiên cứu của OECD vào năm 2018.
Thụy Điển là một trong những quốc gia phúc lợi và đãi ngộ tốt nhất thế giới. Phần lớn khoản chi cho trẻ em đều miễn phí. Ngoài ra, nhiều quỹ bảo hiểm thu nhập có thể hỗ trợ người dân trong trường hợp công việc kinh doanh thất bại hoặc bị thất nghiệp. Quỹ này đảm bảo tới 80% mức lương trước đó của họ trong 300 ngày đầu tiên thất nghiệp.
Mặt khác, mạng lưới an sinh xã hội được đặt ra để đảm bảo cho cuộc sống đủ đầy của người dân cũng chính là một trong những lý do dẫn đến sự phát triển về mọi mặt của đất nước này.
"Mạng lưới an sinh xã hội ở Thụy Điển cho phép chúng tôi ít gặp ảnh hưởng xấu khi rủi ro xảy ra", Gohar Avagyan, người đồng sáng lập của Vaam, một dịch vụ nhắn tin video bày tỏ.
Theo Zing/Reuters
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng ở Thung lũng Silicon
Mặc dù có những báo cáo liên tục về việc các công ty lớn rời đi, nhưng Thung lũng Silicon vẫn là trung tâm công nghệ thực sự của thế giới.