- "Năm mô cũng lũ lụt nhưng nước lên chậm sau mấy ngày mưa ở thượng nguồn. Còn bây chừ, trên núi mưa là dưới ni ngập nặng. Chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ mà nước dâng lên hơn nửa mét, không trở tay kịp. Lũ như rứa là do mấy ông thuỷ điện gây ra chứ không thể đổ cho trời cho đất được" - ông Nguyễn Anh (70 tuổi) nói.

Lãnh đạo 'lên án'

Khi chứng kiến cảnh ngập lũ tại các huyện vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn trong trận lũ lịch sử vừa qua, chợt nhớ lời ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại hội thảo khoa học “Phát triển thủy điện bền vững: các bài học và khuyến cáo” tổ chức tháng 5/2012: 'Chúng ta đã đi một bước sai lầm khi phát triển thủy điện tràn lan. Giờ đi sửa sai nhưng không sửa nổi...!'.

{keywords}
Trận lũ lịch sử vừa qua đã nhấn chìm nhiều nơi ở Quảng Nam

Cái sai lầm khi ồ ạt phát triển thuỷ điện ở Quảng Nam mà đơn cử là 10 nhà máy thuỷ điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn với 4 nhà máy đã hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian vừa qua đã gây bao nỗi cho người dân.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng từ thuỷ điện Sông Tranh 2 là gây động đất kéo dài hơn 2 năm nay và ngập lụt lịch sử vừa qua. Đó là những minh chứng đau lòng.

Ông Lê Phước Thanh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã từng thốt lên khi chứng kiến cảnh lũ lụt tại quê nhà: “Việc xây dựng thủy điện đem lại lợi ích cục bộ cho nhà đầu tư mà chưa mang lại lợi ích gì cho người dân”.

Chính ông Thanh đã từng nói tại nhiều cuộc họp và hội thảo liên quan đến thuỷ điện rằng: thủy điện đã gây ra nhiều hậu quả xấu về môi trường, sinh thái như ngập lụt vùng hạ du do xả lũ, vấn đề an toàn đập, tái định cư, hậu tái định cư, nhân dân thiếu đất sản xuất, nguy cơ tái nghèo cao, hộ dân bỏ khu tái định cư đi phá rừng...

{keywords}

Thuỷ điện Đắk Mi 4 xả lũ kinh hoàng

 

Còn ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, nơi có đến 7 dự án thủy điện bảo rằng, ông rất đau lòng khi chứng kiến dân của mình không có đất sản xuất vì thủy điện, nên họ buộc phải phá rừng để kiếm cái ăn.

Mà phá rừng thì bị khởi tố hình sự. Người dân không còn đường lui được nữa! Hậu quả từ thuỷ điện đang là gánh nặng cho người dân và chính quyền địa phương.

Người dân kêu trời

Ông Nguyễn Văn Tiến, một lão nông nhà ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn bảo kinh nghiệm bao đời nay của cha ông cứ qua tiết lập đông, khi thấy hoa lau nở trắng trời, thời tiết se lạnh thì không có lũ lớn. Lúc đó, bà con nông dân sẽ xuống giống.

{keywords}
Người dân cho rằng, nguyên nhân gây nên lũ lịch sử là do thủy điện xả lũ

 

"Thế mà mấy năm nay lại khác, trời mưa không lớn nhưng lại thấy lũ từ thượng nguồn đổ về ngập lút nhà dân, làm hư hại toàn bộ hoa màu" - ông Tiến kể.

Ông Tiến cũng như các bậc cao niên trong làng bức xúc: Vậy mà bây giờ lũ đổ về dồn dập! Do đâu, nguyên nhân nào? Nếu không phải ông thuỷ điện thì ai gây ra, chẳng lẽ đổ tại ông trời ?!

Cả vườn hoa Tết đầu tư hàng trăm triệu đồng của ông Tiến cũng như hoa màu của bà con nơi vùng đất rốn lũ này giờ đã trôi theo lũ.

Đứng nhìn người nông dân vùng rốn lũ đang khóc mới thấy hết nỗi đau mà mấy năm nay họ nếm trải vì thuỷ điện xả lũ.

Bà vợ ông Tiến kể trong nước mắt cạnh bên vườn hoa xơ xác héo rũ vì lũ, và bảo: "Tui và bà con ở đây không ai nghĩ lũ lại lớn như vậy. Thường các năm lũ có về thì chưa có đợt nào nước lên đến khu đất trông hoa ni, dù là có mưa to như trút nước. Còn năm ni nước lũ đổ về cướp mất hết rồi...".

Nhiều bậc cao niên trong làng cũng bảo: 'Thằng' thủy điện xả lũ mới gây ra thảm cảnh cho bà con tui! Hồi chưa có thuỷ điện nơi đầu nguồn, dù trời mưa lớn nhưng nước lên rất chậm. Còn bây chừ chưa thấy mưa đã thấy lũ đổ về như trận lũ này! Quá khủng khiếp, không trở tay kịp. Mà cũng lạ, mấy ổng có dự báo thời tiết, tại sao lúc trời không mưa thì không xả lũ cho dân đỡ khổ. Đằng này trời mưa to nước ngập, mấy ổng trên đầu nguồn thi nhau xả lũ kiểu đó hỏi răng không ngập được?".

Còn với người dân Đại Lộc, Quảng Nam, mãi đến bây giờ vẫn không thể nào quên trận lũ dữ đêm 15/11.

Khi nước lũ bắt đầu tấn công thị trấn Ái Nghĩa lúc 18 giờ, nước lên rất chậm. Người dân ai cũng nghĩ lũ nhỏ vì đã qua tháng 10 âm lịch rồi.

Nhưng đến tầm 21 giờ, mặc dù trời mưa nhỏ nhưng nước lũ dâng cao, ngập khắp nơi khiến người dân nháo nhào chạy lũ giữa đêm.

{keywords}
Nước lên quá nhanh, dân trở tay không kịp

 

Đến lúc đó, chính quyền địa phương mới thông báo các hồ chứa Đắk Mi 4 và A Vương xả lũ với lưu lượng lớn.

Chỉ trong 1 đêm, đến sáng hôm sau, toàn bộ huyện Đại Lộc và các tuyến đường về huyện bị nước lũ chia cắt.

Thực tế cho thấy, các hồ chứa thuỷ điện vùng thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn xả lũ đã gây ngập nhiều huyện dọc hai con sông lớn này.

Tại đô thị cổ Hội An, nước tấn công khiến người dân và du khách cuốn cuồng chạy lũ giữa đêm.

Bí thư Thành uỷ Hội An Nguyễn Sự nhìn cảnh lũ dữ tấn công đô thị cổ đã kêu rằng: Mấy 'ông thủy điện' làm ra chút năng lượng nhưng gây ngập lụt, gây thiệt hại kinh tế không thể nào đo đếm được.

Vũ Trung